Trước khi đi nhiệm kỳ, là chuyên viên của vụ khu vực nhưng tôi chưa từng đặt chân đến Angola. Vì vậy, những cảnh báo về địa bàn này như: đắt đỏ, thiếu thốn, cướp bóc, bệnh dịch, nguy hiểm, phức tạp… làm tôi khá hoang mang lo sợ. Thậm chí, khi lên đường, ngoài màn chống muỗi, một hộp thuốc to, đồ dùng thiết yếu, tôi đã mang cả… dao, thớt nhựa (vì sợ không tìm mua nổi) và được người thân tặng hẳn một bình xịt hơi cay mini để... tự vệ.
Thú thực, trước khi xuất phát, tôi chỉ dám đặt ra một mục tiêu là không để ba năm tuổi trẻ phí hoài trong cô đơn, buồn chán nên tôi đã tự vẽ ra kế hoạch hoạt động sau giờ làm như: nuôi chó, học làm bánh, tập thể thao, học nấu ăn, tập bơi… Sau này, toàn bộ kế hoạch đều thất bại vì cả lý do chủ quan lẫn khách quan, trong đó có một lý do là công việc đã cuốn tôi vào vòng quay tất bật đến nỗi chẳng có thời gian mà ngồi buồn chán. Ngược lại, tôi còn có được những trải nghiệm rất đáng giá trong cuộc đời mình.
Tác giả chụp ảnh cùng trẻ em ở Angola. |
Tương tự các bạn cán bộ trẻ lần đầu đi luân chuyển, thời gian đầu công tác, tôi cũng gặp khó khăn do chưa thích nghi ngay được môi trường và cuộc sống tại Angola và thiếu kinh nghiệm xử lý công việc. Trong khoảng thời gian từ 2012-2015, bên cạnh các hoạt động đối ngoại, Angola là địa bàn có khối lượng lớn công việc lãnh sự và bảo hộ công dân với khoảng 40.000 người Việt sinh sống và làm việc. Người Việt ở Angola hầu hết là lao động chân tay, buôn bán nhỏ, trình độ hiểu biết khiêm tốn, đi theo diện tự phát nên thường là đối tượng gặp rủi ro cao tại đất nước đắt đỏ, giàu tiềm năng và cũng nguy hiểm hàng đầu của khu vực.
Theo thời gian, tôi lần lượt nếm trải hết những điều mọi người vẫn nói về Angola: mất điện, mất nước, bị cướp, sốt rét, thương hàn, nằm viện… Tuy nhiên, tôi rất biết ơn các thủ trưởng và đồng nghiệp của tôi vì đã không đối xử với tôi như với một đứa con gái ốm yếu cần được ưu ái mà đã tin tưởng ở tôi như một người trẻ cần xông pha và sẵn sàng chấp nhận thử thách.
Nhờ được giao xoay vòng đảm nhiệm nhiều công việc, vị trí trong cơ quan, tôi thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu trong công việc và cả vốn sống. Những lần đầu thực hiện nhiệm vụ phải vào bệnh viện, nhà xác, nhà tù, chứng kiến nhiều mảnh đời gặp khó khăn hoặc đang hấp hối trong điều kiện y tế và vệ sinh không đảm bảo, tôi từng lén chạy vào một góc nôn vì sợ hoặc khóc vì cảm thấy bất lực.
Càng cọ xát nhiều với thực tiễn, tôi dần vững vàng, lý trí hơn để hành động tìm phương pháp giải quyết hiệu quả thay vì chỉ khóc trong vô vọng. Thực tế tại địa bàn cách xa quê nhà và điều kiện sống còn khó khăn, công dân tìm đến Đại sứ quán như là chỗ dựa duy nhất, từ việc nhỏ như hỏi đưa vợ đi đẻ ở đâu đến việc lớn như yêu cầu hỗ trợ chữa bệnh, cứu nạn...
Nếu ai từng đọc tin tức về Angola sẽ thấy những tin giật gân như: công dân tử vong trong viện vì sốt rét bỏ lại món nợ viện phí hơn 150.000 USD, công dân tử nạn mà gia đình không có tiền đưa thi hài về nước… Đó là những câu chuyện thật đã được giải quyết bằng sức mạnh chung tay của cộng đồng, bằng nỗ lực của tập thể Đại sứ quán và Hội người Việt ở Angola.
Tôi vẫn nhớ mãi cuộc điện thoại của một bác trai gọi từ Việt Nam vào buổi sáng sớm 28 Tết, vừa nói vừa khóc, nhờ tôi gửi lời cảm ơn đến tập thể Đại sứ quán, Hội người Việt và bà con trong cộng đồng vì đã quyên góp giúp đưa thi hài con bác về nước kịp an táng tại quê nhà trước giao thừa. Những lúc như thế tôi cảm thấy yêu và hiểu được giá trị công việc của mình hơn.
Ngoài ra, trong ba năm ở Angola, do yêu cầu công việc tôi đã đặt chân đến đến 13 trong tổng số 18 tỉnh của Angola, ở những vùng sâu xa và hẻo lánh nhất đều có dấu chân của người Việt. Tôi cũng tận dụng kỳ lễ, ngày nghỉ phép của mình để đi khám phá một số nước châu Phi xung quanh, để tìm hiểu sâu hơn về châu lục mà tôi đã và đang gắn bó - một châu lục còn đầy bí ẩn và hấp dẫn như Kapuscinski đã viết trong Gỗ mun: "Châu lục này quá lớn để có thể miêu tả nó. Đó là một đại dương riêng biệt, một hành tinh riêng, một vũ trụ vô cùng phong phú và đa dạng. Chúng ta gọi "châu Phi" chỉ là để cho tiện, một cách vô cùng giản lược. Trên thực tế, ngoài cái tên địa lý, châu Phi không tồn tại”.
Thực sự, càng đi tôi càng cảm thấy mình may mắn so với phần đông đồng bào của mình vẫn đang làm việc trong điều kiện vất vả và nhiều đồng nghiệp tiền bối đã công tác tại Angola trước đây. Đó là lý do tôi xin thay mặt cho những người tiền bối, những đồng nghiệp của tôi đã từng công tác tại địa bàn, kể lại một vài nét về địa bàn Angola. Họ đã gắn bó, đóng góp không mệt mỏi cho công việc mà chưa có cơ hội để chia sẻ, trong đó có một người tiền bối đáng kính của tôi là chú Nguyễn Văn Nhâm đã làm việc nhiều năm tại Angola và mất trước khi về hưu.