Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris. |
“Bộ trưởng” thứ ba
Trong ký ức của những đồng nghiệp tại Hội nghị Paris như nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân - người trực tiếp tham gia đàm phán tại Hội nghị, Trương Tùng là một con người trực tính, hóm hỉnh và hay chọc cho người khác cười.
Nhân viết “Chuyện Paris Tết Quý Sửu” đăng trên báo Nhân dân hàng tháng số 9 tháng 1/1998, nhà báo Hà Đăng nhắc đến một câu chuyện có tính chất “giai thoại” về Trương Tùng.
Đó là lần Italy tổ chức mít-tinh lớn ủng hộ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam đã mời đại biểu Ðoàn CPCMLT sang dự. Các nhân vật lãnh đạo chủ chốt đều bận nên cử nhà báo Trương Tùng đi tham dự.
Ðến thành phố Milano, khi chuẩn bị đi vào địa điểm tổ chức mít-tinh, ông phát hiện một tấm biển to: “Chào mừng ngài Bộ trưởng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam...”, ông nói ngay với một Ủy viên Bộ Chính trị Ðảng Cộng sản Italy đi cùng rằng: “Tôi xin đính chính với đồng chí, tôi chỉ là chuyên viên của Ðoàn”.
Không ngờ người bạn Italy cười: “Ở Paris, đồng chí làm gì mặc đồng chí. Còn ở đây, đồng chí là bộ trưởng, cứ phải là bộ trưởng”. Bởi vậy, sau chuyến công tác này, các thành viên trong đoàn vẫn gọi đùa Trương Tùng là “Bộ trưởng”... - người “Bộ trưởng” thứ ba sau Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Xuân Thủy và Bộ trưởng Ngoại giao của CPCMLT Nguyễn Thị Bình.
Còn với ông Lý Văn Sáu - Người phát ngôn của CPCMLT tại Hội nghị Paris, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, cũng tự hào vì có những ngày tháng được làm việc và chia sẻ ngọt bùi cùng nhà báo Trương Tùng tại Paris. Đó là “người con trai xứ Quảng xuất thân từ một gia đình nghèo huyện Điện Bàn, cha làm thầy giáo làng, mang tính cách ngang tàng, hay cãi”. Trong những năm tháng gian khổ, ông đã không chỉ làm tin mà còn viết bình luận, tiểu phẩm, kịch bản phát thanh… Sau kháng chiến chống Pháp ông làm phóng viên cho nhiều cơ quan báo chí và thông tấn. Còn trong những đêm dài trên xứ người, ông Sáu vẫn thường nghe tiếng lách cách đánh máy chữ của nhà báo Trương Tùng đến tận khuya. Ngoài ra, Trương Tùng cũng gây ấn tượng với đồng nghiệp vì là một người bạn chân thành, thân thiết của bà con Việt kiều, đặc biệt những đồng hương Quảng Nam rất quý mến ông và thường mời ông về nhà như người thân trong gia đình.
Những người đã có thời gian làm việc cùng với Trương Tùng ở Đài Tiếng nói Miền Nam ở Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp ấn tượng với Trương Tùng khi ông có thể ghi lại và viết ra đầy đủ, chính xác gần như 100% bài bình luận phát trên Đài Bắc Kinh trước đó về chiến thắng của quân và dân Việt Nam ở mặt trận biên giới. Đồng nghiệp ở Thông tấn xã Việt Nam thì nhớ một biên tập viên và cây bút bình luận sắc sảo, tác giả của “Nhật ký mỗi năm của Tay lơ (tướng Mỹ đang điều khiển chiến tranh ở Việt Nam) với kiểu châm biếm viết theo thể nhật ký bám sát sự kiện thời sự từng ngày rất dí dỏm, sinh động, ký tên là “Người sao lục Xuân Thâm”, hay loạt bài Bù nhìn quốc diễn nghĩa ký tên Mao Tôn Trương, dùng cách viết chương hồi của tác phẩm cổ điển Trung Quốc Tam Quốc diễn nghĩa vẽ lên đầy đủ sinh động tình hình chính quyền Sài Gòn cuối năm 1963 đến đầu năm 1965… Có người thấy anh thuộc Đông chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử liền nói vui “Mao Tôn Trương không phải là Trương Xuân Thâm mà là Lỗ Trí Thâm”!
Báo Nhân dân đưa tin về Hội nghị Paris. |
Luôn làm tròn nhiệm vụ
Theo nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân Hà Đăng, thời đó, các thành viên trong đoàn tự chia giới báo chí ra thành hai loại: “quan báo” - quan chức báo chí - là những người trực tiếp thông tin và giúp các Người phát ngôn của đoàn chuẩn bị các cuộc họp báo, sau đó tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài trong các cuộc họp báo. Còn “dân báo”, tức là người làm báo bình thường, thông tin cho trong nước về các cuộc họp báo cũng như tự mình viết báo. Và dù với tư cách “quan báo” hay “dân báo”, Trương Tùng cũng đã có những đóng góp thiết thực, có phần xuất sắc, trong suốt cả thời gian hội nghị. Cũng có thời gian anh được phân công viết một số bài phát biểu chuẩn bị sẵn cho Trưởng đoàn đàm phán của ta. Ở cương vị nào, anh cũng làm tròn nhiệm vụ.
Ông Lý Văn Sáu kể, Trương Tùng thường gửi về nước những tin tức, phóng sự về hội nghị, về phong trào nhân dân Pháp và châu Âu phản đối Mỹ, ủng hộ Việt Nam, về tấm lòng của bà con Việt kiều hướng về Tổ quốc, là “những bài viết sinh động, sắc sảo, hừng hực hơi thở cuộc sống”. Ông được phân công cùng các thành viên trong đoàn đi đến nhiều địa phương nước Pháp và sang một số nước Tây Âu để nói chuyện về Việt Nam. Ông sống chan hòa cởi mở, có đôi lúc “hay cãi” khi tranh luận về các phương án đấu tranh trên bàn hội nghị và ý kiến của ông thường được chấp nhận. Với các nhà báo nước ngoài, dù họ thuộc cánh tả hay cánh hữu, ông đều có quan hệ đồng nghiệp thân mật, thẳng thắn và được kính trọng.
Trong nhật ký vào thời điểm tham gia Hội nghị Paris, nhà báo Trương Tùng có những trang viết đặc biệt dành cho sự kiện CPCMLT ra đời.
Ông viết: “Trên màn ảnh vô tuyến truyền hình Pháp đã truyền đi cho hàng chục triệu khán giả Pháp hình ảnh anh Lý Văn Sáu báo tin thành lập CPCMLT…
Như dự đoán, báo chí Paris đã đăng ở trang nhất tít lớn tin CPCMLT thành lập, một số đã có bình luận. Tất nhiên, tuỳ theo khuynh hướng của một số báo, họ nhận xét khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất ở một điểm: Đây là một sự kiện quan trọng”.
Trương Tùng cũng ghi lại phiên họp toàn thể thứ 21 vào ngày 12/06/1969 cũng là phiên họp đầu tiên mà đoàn Việt Nam đến dự với tư cách một đoàn của một Chính phủ:
“Có thể gọi là một phiên lịch sử. Lại có một nét gây sự chú ý của dư luận: Trưởng đoàn là bà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình…
Sáng nay, chị mặc chiếc áo dài màu hồng nhạt, ngoài khoác chiếc áo len màu ghi, tay vẫn ôm chiếc cặp da đen thường ngày. Chị giơ tay, mìm cười chào các nhà báo rồi bước tiếp vào phòng họp.
Cũng giản dị bình thường như mọi ngày. Nhưng đây chính là những phút lịch sử. Chỉ mấy ngày sau khi tuyên bố thành lập, vị đại diện CPCMLT đã đàng hoàng bước vào một hội nghị quốc tế quan trọng”.
Viết về buổi tối ngày hôm đó, ông cho biết, phòng khách của đoàn sáng lên vì nhiều hoa tặng của một số sứ quán gửi đến chúc mừng đoàn nhân sự kiện lịch sử, có cả hoa của bà G. Tabouis - nhà báo lão thành chuyên mục bình luận thời sự trên tờ Paris ban ngày gửi đến.
Bên cạnh vô tuyến truyền hình đưa tin, ảnh sôi nổi về phiên họp là một loạt bức điện tử từ các nơi gửi đến chúc mừng, như ở Pháp và từ nhiều nước khác: Thụy Điển, Đức, Ireland, Anh và Mỹ.
Đặc biệt, Đoàn đại biểu Chính phủ nước VNDCCH tại Hội nghị Paris cũng đến chúc mừng. Hôm sau, Đại sứ Liên Xô ở Pháp Valerian Zorine đến thăm Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, báo tin Chính phủ Liên Xô công nhận CPCMLT và trao những văn kiện chứng thực.
Có thể thấy, trong những trang viết, nhà báo Trương Tùng luôn dành tình cảm cho cộng đồng kiều bào tại Pháp trong những tháng ngày diễn ra Hội nghị Paris.
Ông kể, vào ngày 15/06/1969, Đoàn đại biểu của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Việt kiều ở Pháp và Chi hội Việt kiều ở Paris đến chúc mừng đoàn:
“Tất cả đại diện các giới Việt kiều đều có mặt. Các bác, các anh, các chị mang đến những bó hoa lớn. Không khí chan hòa trong niềm vui chung, gặp các bác, các anh, các chị Việt kiều bao giờ cũng có cái không khí thân thương, trìu mến”.
Thành viên đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cộng tác viên Pháp, Việt kiều nhân dịp Tết Quý Sửu ở Verrières-Le-Buisson, ngày 06/02/1973. Ông Trương Xuân Thâm đứng ngoài cùng bên trái. |
Chiều hôm đó, tại quán cơm của Việt kiều ở Maubert, bà con đã tổ chức một bữa cơm thân mật để mừng việc CPCMLT ra đời. Trương Tùng viết: “Quán cơm Maubert tuy nhỏ nhưng khá nổi tiếng ở Paris. Nghe đâu trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch của Mỹ, nói về các món ăn ngon và rẻ ở thủ đô Pháp có nói đến quán cơm này. Quán cơm rất đông khách. Không những người Việt mà người Pháp và nước ngoài ăn cũng rất đông.
Chiều nay, quán cơm đóng cửa để tổ chức bữa cơm thân mật. Bữa ăn toàn là các món ăn Nam Bộ, có cả trứng vịt lộn ăn với rau răm, rau thơm của nhà công thương Việt tự trồng lấy và mang đến tặng... Không khí như một bữa cơm trong một gia đình lớn, chuyện nổ như bắp rang”.
Thời gian trôi đi, đến nay, nhà báo Trương Tùng đã yên giấc ngàn thu nhưng những trang viết của ông còn sống mãi.
Ông ra đi để lại một tài sản vô giá và những bài báo, phóng sự đăng trên nhiều tờ báo trong nước và những kỷ niệm không thể quên của những nhà báo vinh dự là nhân chứng lịch sử của Hội nghị Paris.
Trong tâm trí của những người thân, ông có sức hút, sức quyến rũ lớn nhưng là một tấm lòng thương nước, yêu dân mà lặng lẽ không ồn ào. Mai Quốc Liên, một người em họ của Trương Tùng chia sẻ, ông luôn giấu mình, chẳng bao giờ nói gì về mình. Ông cũng không “làm nên”, không chức vụ cao, quyền uy lớn, kháng Pháp rồi chống Mỹ, ông chỉ là một nhà báo bình thường. Bởi bên cạnh ông luôn có nhiều tên tuổi lẫy lừng. Ông đọc rất nhiều, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, yêu văn chương Pháp và cả văn chương cổ điển Việt Nam.
Thời gian trôi qua, “cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy - lãng hoa đào tận anh hùng” (dịch nghĩa: Trường Giang cuộc chảy về đông, bọt sóng cuốn phăng hết những anh hùng) hay như một câu thơ Pháp “Tout passe, tout change” (tạm dịch: Tất cả trôi qua, tất cả đổi thay). Thời gian lọc mỗi con người một cách công bằng và chính xác. Một nhà báo bình dị như Trương Tùng, trong hồi ức của những người đương thời, những bạn bè, đồng chí, anh em, vẫn sáng lên một chất gì đó tiêu biểu cho cả thế hệ, một thời đại. Và Việt Nam đã thắng được những đối thủ mạnh hơn mình rất nhiều lần chính vì nhờ hàng triệu con người bình thường và lớn lao như vậy.
* Trương Tùng (1926-1987) tên thật là Trương Xuân Thâm, quê Quảng Nam, tốt nghiệp trường Quốc học Huế và tham gia cách mạng năm 1945. Ông từng là biên tập viên Đài phát thanh Tây Sơn (Miền Nam), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên báo Thống Nhất, thành viên Phái đoàn CPCMLT tại Hội nghị Paris. Bí thư thứ nhất phụ trách văn hóa - báo chí Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Chuyên viên cao cấp Học viện Ngoại giao. |
(Bài viết sử dụng nguồn tư liệu từ cuốn sách Trương Xuân Thâm - Nhà báo - Nhà ngoại giao, con người và tác phẩm).