Nhỏ Bình thường Lớn

Truyền thông chính sách: Nhân tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng (Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam) đánh giá truyền thông chính sách tốt, hiệu quả không chỉ tạo ra chuẩn mực xã hội để phát triển mà còn sự đồng thuận từ Trung ương đến từng người dân trong triển khai chính sách vào cuộc sống.
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ nghiệp vụ báo chí với các nhà báo trẻ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ nghiệp vụ báo chí với các nhà báo trẻ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Quan điểm của bà về vai trò của công tác truyền thông chính sách trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay?

Có thể nói, đây là khái niệm tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Những năm gần đây, truyền thông chính sách dần phổ biến, trở thành họat động quan trọng, thậm chí trung tâm của Chính phủ. Trong đó, chính phủ trung ương và địa phương xây dựng tốt các mối quan hệ với công chúng và các nhóm lợi ích, khuyến khích họ tham gia vào quy trình chính sách. Truyền thông chính sách đã góp phần không nhỏ, thậm chí quyết định quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, vấn đề truyền thông chính sách và nguồn lực cho hoạt động này được triển khai tương đối hiệu quả. Nhân tố then chốt tác động đến quá trình truyền thông là việc huy động nguồn lực, nói cách khác, là phải có nguồn lực để triển khai truyền thông chính sách.

Bên cạnh đó, truyền thông chính sách tác động đến nhận thức, rồi đến hành động và ứng xử của công chúng, từ đó tạo thành những chuẩn mực của xã hội. Nhờ truyền thông chính sách mà những vấn đề này được xã hội chấp nhận và lan truyền nhanh trong công chúng.

Truyền thông chính sách có vị trí quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ. Là quốc gia đang phát triển, chúng ta có rất nhiều vấn đề cần đương đầu nên truyền thông chính sách là kênh hữu hiệu để đạt được các mục tiêu lớn liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Bà định vị các cơ quan báo chí như thế nào trong công tác truyền thông chính sách?

Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách đã nêu rõ: “Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện”.

Bên cạnh những chủ thể truyền thông khác nhau, với các hình thức, kênh khác nhau… thì các phương tiện truyền thông đại chúng (báo chí với bốn loại hình là báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử) vẫn là kênh truyền thông chính thống, quan trọng nhất.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tập trung và được đầu tư hơn cả chính là việc truyền thông chính sách ở giai đoạn sau của chu trình chính sách, nghĩa là khi chính sách được ban hành, các phương tiện truyền thông nói chung, báo chí nói riêng tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, vận động, thuyết phục, làm cho người dân hiểu được lý do vì sao chính sách được ban hành, những lợi ích đối với người dân và cộng đồng, nghĩa vụ, trách nhiệm người dân phải chấp hành, thực thi, thông qua đó tạo ra sự đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai chính sách vào cuộc sống.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí và 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Việc báo chí cách mạng Việt Nam thực hiện truyền thông chính sách trong gần tròn một thế kỷ đồng hành cùng lịch sử đất nước (từ năm 1925) đã góp phần quan trọng cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo nhân dân. Thông qua đó, báo chí cách mạng giúp người dân nắm bắt kịp thời, đúng đắn các chính sách của Nhà nước, từ đó vận dụng vào trong thực tiễn công việc, nghề nghiệp, tổ chức thực hiện bảo đảm đúng nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền và lợi ích của mỗi người. Thông qua truyền thông chính sách, báo chí cách mạng Việt Nam đóng góp tích cực, quan trọng, đáng ghi nhận vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Truyền thông chính sách: Nhân tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội
Ảnh minh họa.

Vậy, những thách thức tồn tại trong công tác truyền thông chính sách là gì?

Đầu tiên, có thể kể đến không ít bất cập liên quan đến việc dành nguồn lực cho truyền thông chính sách. Vấn đề này gần như được xem là việc các cơ quan báo chí có nhiệm vụ bắt buộc phải làm, trong khi đó, tất cả các chu trình của truyền thông chính sách đều thuộc chức năng của chính quyền. Vậy mà, không ít bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến chính sách đối với cơ quan báo chí, coi đó là nhiệm vụ của báo chí.

Việc truyền thông chính sách một cách miễn cưỡng, bất cập như vậy chưa đủ giúp cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí trong diện tự chủ tài chính, chủ động trong việc truyền thông chính sách. Cụ thể là họ chưa thể tập trung nhân lực, vật lực cho công tác truyền thông chính sách để truyền thông một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, thậm chí là những chiến dịch truyền thông sâu rộng. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng đến hiệu quả của truyền thông chính sách.

Bất cập này bước đầu có sự biến chuyển từ gốc khi Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2022. Tiếp đó, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21/3/2023 “Về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách”. Việc các quyết định nêu rõ nguồn lực cho truyền thông chính sách có thể trở thành “cú hích” cho sự thay đổi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một vấn đề mới lại nảy sinh, đó là nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách. Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.

Ngoài kênh báo chí chính thống, hiện nay, công tác truyền thông chính sách thông qua các phương thức mới được thể hiện như thế nào?

Theo tôi, công tác truyền thông chính sách hiện đã bám sát thực tế, chủ động, kịp thời hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Điều đó một phần nhờ vào cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 khiến thông tin đến với người dân nhanh, kịp thời hơn. Chính việc nhiễu loạn về thông tin và hậu quả của nó khiến người dân đang từng bước thận trọng hơn khi tiếp nhận thông tin và đó chính là cơ hội cho báo chí chính thống trong truyền thông chính sách.

Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phương thức truyền thông mới đã bước đầu được quan tâm, góp phần điều tiết, định hướng thông tin dư luận, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của người dân trong việc tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật. Kết quả đạt được trong công tác truyền thông chính sách của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người kể chuyện vĩ đại của lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người kể chuyện vĩ đại của lịch sử

Đọc lại những bài báo, bài trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày tháng Sáu ...

Báo chí đối ngoại: Lực lượng chủ công tạo nên ‘điểm sáng’ Việt Nam

Báo chí đối ngoại: Lực lượng chủ công tạo nên ‘điểm sáng’ Việt Nam

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng trong bối cảnh, tình hình mới, báo chí đối ngoại cần phải chuyển mình với ...

Tìm giải pháp phát triển kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam

Tìm giải pháp phát triển kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam

Hội thảo quốc tế Diễn đàn báo chí tháng Sáu (lần 3) có chủ đề "Kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát ...

Báo chí phải thích nghi, nắm bắt cơ hội để khẳng định vị thế

Báo chí phải thích nghi, nắm bắt cơ hội để khẳng định vị thế

Trước bối cảnh mới với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN và sự cạnh tranh gay gắt, buộc cơ quan báo chí phải có ...

Quảng cáo số - 'phao cứu sinh' của báo chí hiện đại

Quảng cáo số - 'phao cứu sinh' của báo chí hiện đại

Hiện nay, số lượng phát hành của báo in giảm mạnh, các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực ...

(thực hiện)