📞

Truyền thông quốc tế: Việt Nam viết tiếp điều kỳ diệu trong hơn 30 năm Đổi mới

Hoàng Nam 19:00 | 14/10/2020
TGVN. Trang mạng Modern Diplomacy ngày 13/10 đã có bài viết về “điều kỳ diệu” của Việt Nam thông qua giáo dục đại học.

Bước nhảy vọt trong một thế hệ

Tuyên bố mở cửa lại trường học của Việt Nam vào giữa tháng 6 đã được thế giới ca ngợi như một hình mẫu trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Đối với sinh viên người Mali Aolama Mallé và các bạn cùng lớp của mình, thông báo này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Việt Nam có bước nhảy vọt trong một thế hệ, đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập toàn cầu. (Nguồn: Zing)

Họ là sinh viên của Viện Pháp ngữ quốc tế (IFI) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - hệ thống giáo dục đại học lớn nhất cả nước. Khi các trường đại học mở cửa trở lại, họ có thể quay trở lại hình thức học trực tiếp trong lớp học truyền thống với các giáo sư và bạn bè. Tất cả đều mệt mỏi do học trực tuyến nhàm chán và các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt.

Phòng công tác sinh viên của IFI tuyên bố rằng chuyến đi trải nghiệm giáo dục, bị hoãn đột ngột vì đại dịch, giờ đã có thể thực hiện. Hoạt động văn hóa ngoại khóa này được IFI tổ chức hằng năm cho các tân sinh viên của trường. Năm nay, chuyến đi bao gồm thăm nhà máy sản xuất ô tô của Vinfast và Vịnh Hạ Long.

Chuyến xe buýt rời khuôn viên nhà trường lúc 7h30 với hơn 30 sinh viên trên xe và đi theo tuyến đường cao tốc hiện đại, băng qua những tòa nhà cao chọc trời phát triển chóng mặt, trái ngược hẳn với khu phố cổ kính và mong manh mang phong cách kiến trúc Pháp.

Sự chuyển đổi đáng ngạc nhiên này và việc mở cửa để thay đổi, phát triển, công nghiệp hóa và hội nhập với phương Tây được thúc đẩy bởi chính sách Đổi mới được khởi xướng vào cuối những năm 1980. Chính sách đó bắt đầu bằng tự do hóa sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp trước đây.

Việc áp dụng chính sách mở cửa này đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt của xã hội, đặc biệt là trong đời sống của nông dân, công nhân Việt Nam và các thành viên trong gia đình. Các cải cách cũng dẫn đến những đổi mới đột phá trong hệ thống giáo dục đại học.

Việt Nam có bước nhảy vọt trong một thế hệ, từ nền kinh tế lạc hậu đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập toàn cầu. Hiện nay, với vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam tái khẳng định các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác quốc tế.

Theo nhiều cách, chuyến tham quan của các sinh viên đã phản ánh chương trình cải cách, đổi mới giáo dục của Chính phủ với khẩu hiệu mới “Mở cánh cửa trường học đến với cuộc sống, một cuộc sống xã hội trong sự phát triển toàn diện của nhà trường”.

Hơn nữa, chuyến đi đã được lên kế hoạch đến một địa phương, nơi có nhà máy sản xuất ô tô hiện đại, phản ánh chương trình giảng dạy kiểu mẫu của chính phủ là tất cả các chương trình giáo dục đều thiết lập các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp để cho phép sinh viên, các nhà giáo dục học hỏi từ thực tế các nhà máy sản xuất.

Việc lựa chọn Vinfast cho chuyến tham quan của sinh viên quốc tế không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Tập đoàn này phản ánh lý do tại sao Đổi mới là động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Các công ty địa phương trong nhiều ngành đã và đang phát triển nhanh chóng trong các lĩnh vực vốn bị các công ty nước ngoài thống trị trước đây.

Tập đoàn Vinfast phản ánh lý do tại sao Đổi mới là động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, ngay cả trong thời kỳ đại dịch.

Các chính sách cải cách của Đảng được giới thiệu trong năm 1986 đã dẫn đến việc mở cửa đất nước với thế giới bên ngoài và áp dụng “mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Theo Euromonitor International - một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường năng động nhất trên thế giới vào năm 2030. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 91,4% trong giai đoạn 2020-2030 và thu nhập khả dụng đạt 9.740 USD/hộ gia đình vào năm 2030.

Nâng cao vị thế

Nhận thức rõ vị trí địa chính trị nhạy cảm của mình trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã rất tích cực trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo thành một mạng lưới rộng lớn gồm 30 quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện ngày nay.

Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 1995 và hiện là đối tác toàn diện. Thương mại hai chiều Việt-Mỹ đạt khoảng 77 tỷ USD vào năm 2019 so với mức 450 triệu USD vào năm 1994.

Vừa qua, Việt Nam đã ký và thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), được coi là hiệp định thương mại tự do “tham vọng nhất” mà EU đã từng ký với một nước đang phát triển.

Theo truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng mới được bổ nhiệm Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam và Indonesia cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên vào giữa tháng 10, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các sinh viên quốc tế trên chuyến xe buýt, cùng 30.000 du học sinh Việt Nam tại Mỹ và hàng triệu sinh viên Việt Nam hiểu rõ tác động của giáo dục đối với sự phát triển của kinh tế hiện nay.

Khi mức sống và nhu cầu thị trường đối với nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao, số lượng trường đại học tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Mặc dù sự mở rộng này đã vấp phải sự chỉ trích từ một số học giả, bày tỏ lo ngại về chất lượng, nhưng giáo dục đại học của Việt Nam vẫn đang đạt được những bước tiến.

Với việc đổi mới, huy động các nguồn lực từ tư nhân, cho phép sử dụng ngoại ngữ làm phương tiện giảng dạy, bồi dưỡng nghiên cứu và xuất bản khoa học, các trường đại học của Việt Nam đã vươn lên trên các bảng xếp hạng các trường đại học uy tín nhất trên thế giới. Từng bước, các trường đại học Việt Nam đã tiến vào thị trường giáo dục thế giới.

(theo Modern Diplomacy)