📞

TS Giáo dục: Trẻ cần được “sống” và “học” song song!

18:30 | 19/07/2016
Những đứa trẻ luôn được "ưu tiên” học mà không tham gia bất kỳ công việc nào của gia đình sẽ dễ trở nên hoang mang với các giá trị tinh thần…

Nhìn thực trạng hiện nay, đạo đức học sinh ở cả thành thị lẫn nông thôn đang bị xuống cấp trầm trọng. Thi thoảng trên báo đài, mạng xã hội lại xuất hiện những clip học sinh đánh nhau, có khi là thầy đánh trò hoặc trò “phản pháo” lại thầy. Phải chăng đó là hệ quả nhãn tiền của một nền giáo dục chú trọng kiến thức sách vở, những điểm số, những danh hiệu mà bỏ mặc, xem nhẹ nhân cách, đạo đức?

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Giáo dục không phải là thị trường, dĩ nhiên không thể thiếu những chuẩn mực sống, chuẩn mực đạo đức. Lâu nay người ta cứ ngủ quên trong cái đích thành tích mà quên định hướng, bồi đắp, xây dựng và uốn nắn nhân cách, tâm hồn cho người trẻ.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Kidz Academy, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện ngắn.

Quan điểm của chị về giáo dục trẻ trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giáo dục nhân cách?

Giáo dục nhân cách trong xã hội hiện đại không thể thông qua những bài học luân lý đơn thuần hoặc trông đợi vào môn Đạo đức hay Giáo dục công dân với những kết luận “nên”, “phải” một cách áp đặt. Nhân cách trẻ được hình thành từ những giá trị tinh thần mà gia đình, nhà trường và xã hội cùng bồi đắp. Giáo dục gia đình gần đây bị bỏ bê. Bố mẹ quá bận, nhiều gia đình coi nhẹ những “lễ nghi truyền thống” riêng ảnh hưởng đến trẻ như một bữa cơm chung vào dịp sinh nhật mẹ, một buổi đi chơi chung của đại gia đình đầu năm mới, những giao lưu cảm xúc, chuyện trò, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình...

Theo tôi, trẻ cần nhận được thông điệp và tự mình xây dựng bộ giá trị thông qua những bài học ứng xử nho nhỏ trong gia đình, những câu chuyện của ông bà, bố mẹ. Còn ở trường, nếu vẫn tồn tại bệnh thành tích, hình thức, thì khó có thể nói đến câu chuyện giáo dục nhân cách của trẻ. Trẻ có thể nhận được những thông điệp lệch lạc hoặc sẽ cự tuyệt trước những kiểu dạy dỗ giáo điều.

Vậy theo Tiến sĩ, giáo dục nhân cách của trẻ đòi hỏi những yếu tố nào?

Giáo dục nhân cách cần có sự tham gia của từng thầy cô giáo các bộ môn. Cách thầy cô giáo đối xử công bằng, yêu thương với trẻ, trách nhiệm với bài giảng cũng cho trẻ những bài học giá trị sống không nhỏ. Ngoài ra, hướng dẫn trẻ chọn sách đọc cũng rất quan trọng. Đọc sách là tự học – không chỉ kiến thức mà còn bồi đắp cảm xúc tích cực với cuộc sống, con người và thế giới xung quanh.

Cuối cùng là sự trải nghiệm. Đó là trải nghiệm cảm xúc thông qua lao động chân tay, hoạt động xã hội, gặp gỡ các nhân vật đặc biệt trong xã hội. Những giá trị tinh thần dần được xây dựng và khẳng định rõ nét qua cuộc sống. Trẻ cần được “sống” và “học” song song chứ không chăm chăm “học” để sau này “sống”. Những đứa trẻ luôn “bị ưu tiên” học mà không tham gia bất kỳ công việc nào của gia đình sẽ dễ trở nên hoang mang với các giá trị tinh thần. Trong lao động, chúng mới phát hiện ra giá trị bản thân, tự hào về bản thân và từ đó hình thành lối sống tích cực để khẳng định mình và đồng thuận với cộng đồng.

Hằng ngày, những câu chuyện như nữ sinh tát bạn 50 cái vì mâu thuẫn cá nhân, đánh hội đồng nữ sinh vì nghi nói xấu bạn trên facebook là hồi chuông cảnh báo khiến các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng.Theo chị thì sự xuống cấp về đạo đức, sự nhiễu loạn về các giá trị tinh thần do đâu?

Thực ra, đây là việc của các nhà nghiên cứu xã hội. Cần có những nghiên cứu khoa học với những thống kê chính xác và các phân tích sâu rộng hơn nếu muốn tìm ra căn nguyên thật sự của vấn đề. Cá nhân tôi cho rằng, ở đây có sự kết nối lỏng lẻo của các thành viên trong gia đình từ đó không còn tồn tại “giáo dục gia đình” đúng nghĩa trên cơ sở giao lưu tình cảm, gần gũi yêu thương.

Ở đây có sự thiếu hụt các nền tảng giá trị và kỹ năng sống mà nhà trường chưa quan tâm hoặc chưa biết cách quan tâm cho đúng. Có cả sự tham gia truyền tải các thông điệp lệch lạc, vô tình hay hữu ý, từ phía xã hội, truyền thông.

Việc đưa tin, tung hô những giá trị ảo, những xa hoa của cuộc sống show-biz ở đâu đó mà quên đi giá trị của lao động, giá trị chia sẻ, giá trị cá nhân mỗi con người trong xã hội khiến cho đứa trẻ không tìm thấy cho mình bộ giá trị cần thiết. Nhiều bạn trẻ chỉ thấy ý nghĩa cuộc sống trong việc học để kiếm được nhiều tiền, không có hoài bão, ước mơ và khái niệm cống hiến, chia sẻ.

Tiến sĩ có lời khuyên gì dành cho các phụ huynh?

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là người làm cha làm mẹ hiểu được, mình sẽ là người ảnh hưởng lớn với con như thế nào để từ đó tìm được thời gian và phương pháp tiếp cận con hợp lý. Đừng đòi hỏi con phải trở thành một mẫu người nào đó hoàn hảo mình muốn, chẳng hạn: học giỏi, ngoan, quan tâm, lễ độ, gọn gàng... Vì ngay chính mình cũng có là người hoàn hảo như vậy đâu! Hãy cùng nhau phát hiện ra giá trị của đứa trẻ nhà mình và đề cao giá trị ấy ngay từ nhỏ.

Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn “giá trị” với “kết quả học tập”. Thay vì tấm tắc khen con thuộc nhiều từ tiếng Anh thì hãy lắng nghe và thán phục câu chuyện con kể, cách con đấm lưng cho ông, cách con lau bàn giúp mẹ... Mỗi đứa trẻ lại là một thực thể hoàn toàn độc lập, khác nhau và khác cả chúng ta. Bạn này sáng tạo, phá cách, bạn kia lại chỉn chu, nguyên tắc. Dù thế nào, đó cũng là những giá trị riêng.

Việc tôn trọng giá trị của đứa bé (chia sẻ những phát hiện của trẻ hàng ngày, thảo luận với con mọi việc, không so sánh con với ai, không bắt con lấy ai làm gương) đã là một bước khiến con tự tôn trọng bản thân mình. Và từ đó, con sẽ xây dựng lối sống của mình sao cho đạt được sự tôn trọng từ bên ngoài. Đấy cũng có thể là chìa khóa làm nên một nhân cách.

Cuối cùng chính là sự đồng hành kiên nhẫn. Cuộc sống giữa bố mẹ và con cái phải là cuộc đồng hành với nhiều đồng cảm, chỉ hướng dẫn chứ không “dạy dỗ”, và cả hai bên đều nhận được những cảm xúc tích cực như nhau. Không can thiệp nhưng không bỏ bê, ngay cả khi con còn nhỏ cho đến tuổi có bạn bè, bố mẹ vẫn đồng hành bằng cách đứng từ xa quan sát, chia sẻ bằng thái độ kiên nhẫn, thấu hiểu của mình. 

Xin cảm ơn tiến sĩ!