📞

TS. Hiệu Minh: Vài kỷ niệm với Ngoại giao nước nhà

13:01 | 17/08/2018
Tôi du học Ba Lan đầu những năm 1970 và biết Đại sứ quán Việt Nam tại Vác-xa-va kha khá. Thời đó, báo in đợi cả tháng mới có vì phải chở bằng tàu hỏa, tới Đại sứ quán đọc trước rồi mới đến lượt bọn sinh viên đói tin chúng tôi. Các tờ báo được đoàn trưởng giữ rất cẩn thận, ai mượn số nào phải ghi vào sổ như ở Thư viện Quốc gia. 

Thỉnh thoảng, được các vị Đại sứ quán (ĐSQ) đến thăm cánh sinh viên. Một vài lần, còn được nghe chính Đại sứ (ĐS) Lê Trang đến nói chuyện thời sự, tình hình quốc tế. Đại sứ Trang là một người khá ấn tượng, dễ gần, cựu học sinh trường Bưởi, tiếng Pháp thuộc hàng xuất sắc.

Từ Vác-xa-va thời bao cấp

Mỗi lần đến thăm trường, ông “lọt thỏm” trong đám sinh viên cả tây lẫn ta cao lênh khênh. Có bạn Ba Lan hỏi, sao nước các bạn có ĐS bé thế. Bọn tôi liến thoắng, nước tớ cử người bé đi nước bé, người to đi nước to. Thế mà anh bạn Ba Lan có vẻ rất tin. Cho tới hôm nhìn thấy Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh thăm Vác-xa-va, thì mấy bạn Ba Lan bảo không phải vậy và cùng cười vui.

Đang chiến tranh, thông tin từ trong nước sang ít, đọc báo thuộc lòng cũng không đủ, nên khi có ĐS tới nói chuyện thì đông như hội. ĐS Lê Trang vui tính, kể chuyện trong nước, ta sắp thắng, địch sắp thua. Khi thông tin thời sự khô cứng, ông hay chen vào các câu chuyện cười. Đang hội nghị Paris về Việt Nam, ông kể về đàm phán nảy lửa giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ. Kể đến đoạn vì họp hành mãi vẫn chưa đi đến đâu, hai ông bèn quay ra nói kháy nhau. Kissinger nói gì đó “kiểu buôn ngựa” khiến cụ Thọ của ta gọi đối thủ là “lái trâu” làm đám sinh viên vỗ tay ầm ầm.

Đại sứ Lê Trang đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Ba Lan năm 1972.

Vụ Tổng thống Mỹ Nixon thăm Ba Lan (1972) lúc chiến tranh đang rất khốc liệt trong nước làm ĐSQ lo lắng, phải xuống “quán triệt” cho mấy trăm sinh viên ta ở Vác-xa-va không được manh động hay biểu tình quá mức cho  phép. Dù an ninh Ba Lan đã chặn các cửa không cho sinh viên ta ra đường, nhưng có bạn đứng ở cửa sổ tầng 15 nhà sinh viên ném cuộn giấy vệ sinh kéo một vệt dài xuống đường khi xe ông Nixon đi qua. An ninh can thiệp, anh em ta làm ầm lên, rồi bạn ấy không bị đuổi học, ĐSQ cũng không thấy nói gì.

Hòa bình, Tổng Bí thư Lê Duẩn sang thăm Ba Lan muốn bạn giúp phát triển công nghiệp nặng, nhưng ĐS Lê Trang khuyên nên nhờ họ giúp nông nghiệp vì đây mới là thế mạnh của cả hai. Nhưng khi đó, đường lối là lấy công nghiệp làm đầu nên lời chí tình có hiểu biết của ĐS Trang đã bị bỏ qua.

Thời đó cũng ít người Việt dám lấy “tây”, vì còn nhiều mặc cảm. Có gia đình có con được cụ Hồ nhận làm con nuôi, mỗi dịp Tết, Sứ quán đến thăm và gửi quà. Hai ông bà ĐS còn trực tiếp thăm một gia đình Việt kiều nghèo có năm con nhỏ ở thành phố cảng Gdansk, gửi tiền giúp. Vài bạn trẻ yêu đương "tây" bị dọa đuổi nhưng ĐS thì can, bảo bọn trẻ cần được bảo ban hơn là kỷ luật. Tình người của ông bà chân tình như vậy nên cánh sinh viên chúng tôi coi như cha mẹ.

Cùng trường có anh Lê Văn Báu nghe nói là cháu gọi Trưởng đoàn của ta tại Hội nghị Paris Xuân Thủy là chú. Anh Báu đi đâu cũng khoe có chú là sếp lớn đang đàm phán với Mỹ. Sinh viên khi nghe tin đoàn ta ở Paris đàm phán thắng lợi, lại có cháu của Trưởng đoàn Xuân Thủy đang học cùng mình, thì càng tự hào.

Hồi đó xa nhà, được các bác trên ĐSQ xuống thăm là vui, cảm động lắm, được đối xử, bảo ban ân cần như con cháu trong nhà. Nhưng cũng luôn được dặn, đừng có mà yêu “tây”, không tập trung học là đúp, trong nước đang chiến tranh khốc liệt, phải học để sau xây dựng đất nước...

Học bổng sinh viên được hơn ngàn zloty (tiền Ba Lan) thì đóng tới 150 ủng hộ chống Mỹ cứu nước, còn lại vừa đủ mua vé nhà ăn sinh viên. Thế mà các sinh viên đóng không thiếu một đồng.

Hồi đó, cán bộ ĐSQ có phụ cấp chỉ bằng nửa của sinh viên, rất nghèo, mang tiếng là cán bộ ngoại giao nhưng hàng toàn mua komis (đồ cũ). Có lẽ chỉ có ĐS mới được nhà nước cấp cho bộ comple để đi đối ngoại. Uống chè với đường cũng phải tiết kiệm. Có chuyện vui, sinh viên lên chơi, khi pha chè nhúng, mấy bác trên ĐSQ cứ hỏi uống đặc hay nhạt để nhúng mấy lượt cho đủ.

Dù khó khăn là thế, nhưng ĐSQ luôn là chỗ dựa cho các sinh viên, có chuyện gì thì ĐS cử người tới nơi giải quyết. Có bạn bị trường đuổi học, được ĐSQ can thiệp xin cho học trường khác. Chỉ đuổi những sinh viên không chịu học mà đi theo gái “tây”, kỷ luật thời chiến rất chặt.

Dù xa Ba Lan đã gần 50 năm, nhưng tôi vẫn nhớ tòa ĐSQ ở Vác-xa-va, nơi có những người lo cho bọn trẻ chúng tôi và chưa bao giờ nghĩ phải mua quà cho các bác. Nhớ nhất ĐS Lê Trang chân tình, kiến thức đầy ắp, giúp bọn trẻ vượt qua những ngày xa nhà vạn dặm. Ông có mấy cô con gái, nên bọn tôi tranh nhau đòi làm rể, nhưng sau này, chỉ có mỗi một bạn được làm rể nhà ông thật.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 68 do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức, ngày 29/8/2013.

Đến Washington DC thời hội nhập

Sau này sang Washington DC (Mỹ) làm việc từ 2004 đến 2015, do công việc bận, tôi chỉ đến ĐSQ khi được mời vào những dịp lễ tết hoặc làm lại hộ chiếu hay giấy tờ liên quan gì đó. Các buổi lễ ĐSQ tổ chức thường bắt đầu bằng bài phát biểu của ĐS bằng tiếng Việt, có phiên dịch ra tiếng Anh. Đó là một sự dập khuôn buồn tẻ. ĐS Nguyễn Tâm Chiến ít nói, thỉnh thoảng mới “đá” vài câu tiếng Mỹ còn ĐS Lê Công Phụng lại thường đọc diễn văn bằng tiếng Anh. ĐS Nguyễn Quốc Cường nói tiếng Anh truyền cảm dễ nghe, cả Phu nhân cũng vậy, rất tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Trong một lần dự chiêu đãi, tôi đến chào ĐS Nguyễn Quốc Cường và Phu nhân. Thấy ông bà ăn mặc lịch lãm, trò chuyện với khách bằng tiếng Anh rất thoải mái. Mình khen thật lòng, ĐS và Phu nhân trẻ quá, lại giỏi ngoại ngữ, thì Phu nhân cười “We are making a difference – Chúng tôi mang đến sự khác biệt”, rất thú vị. Đúng là buổi lễ hôm đó đã tạo ra sự khác biệt.

Tôi cũng rất ấn tượng với tòa nhà R, nơi ĐSQ Việt Nam tại Mỹ thường tổ chức các buổi chiêu đãi ngoại giao. Trước đây, tôi thấy ngay trong phòng khánh tiết của tòa nhà có đặt một bàn thờ sơn son thiếp vàng “rất Việt Nam”. Nhưng từ khi ĐS Cường sang nhận nhiệm vụ, tôi không thấy bàn thờ đó nữa và tòa nhà đã được sửa sang, bài trí lại rất đẹp.

Nhớ lễ kỷ niệm 20 năm (2/2014) Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, ĐS Cường và các quan chức Mỹ đều ca ngợi 2 thập kỷ qua, hai nước Việt - Mỹ đã làm được rất nhiều, từ kim ngạch thương mại gần như là con số 0, nay đã đạt trên 30 tỷ USD, rồi mong quan hệ hai nước sẽ phát triển vượt bậc trong 20 năm tới. Có một chi tiết mà ĐSQ giải thích tôi mới hiểu, đó là phía Mỹ đề nghị gọi ngày kỷ niệm này là 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Họ không muốn nhắc lại từ embargo – cấm vận.

Xa Washington DC đã lâu nhưng tôi vẫn hóng tin về quan hệ Việt - Mỹ. Thấy  Tổng thống Trump thăm Việt Nam, thấy quan hệ hai nước đã tiến những bước rất xa là mừng và biết, chắc chắn có sự đóng góp trực tiếp và liên tục của ĐSQ Việt Nam tại Mỹ, từ vị ĐS đầu tiên Lê Văn Bàng cho đến người vừa kết thúc nhiệm kỳ là ĐS Phạm Quang Vinh. Không phải người trong cuộc nên không thể hiểu hết sự tế nhị giữa đối nội và đối ngoại, nhưng không có sự hợp tác nhịp nhàng, sự kế thừa thì ngoại giao dễ bị “khớp” với bạn bè, điều tối kỵ nên tránh cho quốc gia.

Thời trẻ sinh viên nhờ vào ĐSQ lúc xa nhà như dựa vào cha mẹ. Thời hội nhập và phát triển vai trò đã khác nhiều, internet với thông tin trong giây lát, không phải đợi báo cả tháng. Ngoại giao giờ là lo chuyện lớn tầm toàn cầu hơn là mua đồ cũ như các cán bộ ngoại giao thời ĐS Lê Trang ở Ba Lan. Đó chính là nền ngoại giao “We are making a difference” như thế hệ ĐS Nguyễn Quốc Cường đang hướng tới.

TS. Hiệu Minh

Cựu Chuyên viên ICT cao cấp của Ngân hàng Thế giới