Nhỏ Bình thường Lớn

Tự hào sứ mệnh Ngoại giao Việt Nam (Kỳ II): Chuyện xưa khó, nay có dễ?

Với nhiều thập kỷ gắn bó với nghề Ngoại giao, trong thời kỳ đầu hội nhập của đất nước, hai nhà ngoại giao kỳ cựu, Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Đại sứ Ngô Quang Xuân, đều từng đảm nhiệm những “nhiệm vụ khó” như Đại sứ đầu tiên tại Hàn Quốc, “phá vây” tại Liên hợp quốc hay đàm phán gia nhập WTO.

Đặt trong so sánh xưa và nay, liệu rằng “chuyện khó” ngày ấy có thể là “chuyện dễ” ngày nay? Các nhà ngoại giao đã làm gì để có thể giải những “bài toán khó” của chính mình và đất nước?

Đại sứ Nguyễn Phú Bình tham dự và phát biểu tại một lễ kỷ niệm của dòng họ Lý Hoa Sơn (hậu duệ của vua Lý Thái Tổ) tại Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)
Đại sứ Nguyễn Phú Bình tham dự và phát biểu tại một lễ kỷ niệm của dòng họ Lý Hoa Sơn (hậu duệ của vua Lý Thái Tổ) tại Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Ranh giới gần, xa

Với Đại sứ Nguyễn Phú Bình, đứng trước bất cứ nhiệm vụ nào cũng cần tính đến mặt thuận lợi và khó khăn. Khi được phân công làm Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc năm 1992, Đại sứ Nguyễn Phú Bình phân tích những điểm thuận, đó là Việt Nam đang triển khai chính sách mở cửa, quyết tâm phá bao vây cấm vận, Hàn Quốc thúc đẩy chính sách ngoại giao phương Bắc, phát triển quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy hòa bình để phát triển. Còn khó khăn, theo Đại sứ cản trở lớn nhất là Việt Nam vẫn bị bao vây cấm vận, chưa bình thường hóa quan hệ với Mỹ, chưa có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, vị thế còn khiêm tốn.

Trong bối cảnh đó, “bảo bối” của nhà ngoại giao thông thạo tiếng Hàn là phương hướng hoạt động đối ngoại chung của đất nước: Vận dụng chính sách ngoại giao tâm công, thêm bạn bớt thù, quyết tâm tạo ra bầu không khí quốc tế thuận lợi, phát triển kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.

“Giờ đây, ngoại giao chúng ta có được những điều kiện rất khác trước với vị thế lớn hơn, kinh nghiệm phong phú hơn. Nếu có nhiệm vụ khó phát sinh, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại sứ đặt phép so sánh.

“Khi hoạt động đa phương, chúng tôi thường thống nhất với nhau rằng cái gì có lợi cho Việt Nam thì tham gia, phải cố gắng làm. Rất đơn giản là vậy nhưng chính là lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với mong muốn của bạn bè. Đừng phân vân, hãy luôn suy nghĩ như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Chân trời mới, vinh quang mới đang hiện hữu trước mắt chúng ta và tôi tin tưởng ngoại giao sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa”. Đại sứ Ngô Quang Xuân

Nhớ lại những năm tháng gian nan thời kỳ đầu hội nhập, Đại sứ Ngô Quang Xuân nghĩ nhiều đến “cái khó”. Giai đoạn nhiều năm liền bị bao vây cấm vận, ngoại giao Việt Nam ở Liên hợp quốc chủ yếu tập trung đối phó với những “vu khống” về vấn đề Campuchia. Tài liệu không có lợi cho Việt Nam có ở khắp nơi trong Liên hợp quốc thời điểm đó. Cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai từng nói rằng nhiều nước vẫn nhìn Việt Nam là một cuộc chiến tranh chứ không phải là đất nước.

“Chúng tôi phải hoạt động và làm đối ngoại ra sao?”, Đại sứ Ngô Quang Xuân đặt câu hỏi. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng không còn lựa chọn nào khác, các cán bộ ngoại giao phải đương đầu với thử thách và tìm đường đi cho sự nghiệp chung, quyết tâm phá bỏ bao vây cấm vận, kiến nghị về nhà những chính sách, chủ trương phù hợp trong từng thời điểm để đạt được những bước ngoặt ngoại giao, từ từ tham gia tích cực hơn vào các công việc chung của Liên hợp quốc. Cá nhân Đại sứ Ngô Quang Xuân từng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.

“Khi Việt Nam đã tạo cho mình một thế đứng thì khó lại chuyển thành dễ, ranh giới khó - dễ đôi lúc rất xa nhau nhưng đôi lúc lại nhỏ bé, mong manh, dễ phá rào”, Đại sứ Ngô Quang Xuân cảm nhận.

Nhớ lại hành trình đàm phán gia nhập WTO, Đại sứ Ngô Quang Xuân không thể quên những ngày tháng dài dằng dặc với vô vàn bài toán hóc búa luôn bủa vây. “Dù câu chuyện vào WTO đã được triển khai từ trước đó, nhưng tôi không thể ngờ khi tôi nhận nhiệm vụ Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ) năm 2002, câu chuyện vẫn kéo dài sáu năm tiếp theo. Quá trình đàm phán diễn ra liên tục, 10.600 dòng thuế phải đàm phán, công việc lúc nào cũng chất cao như núi. Thế nhưng, bằng tất cả nỗ lực, từng bước thuyết phục bạn bè, từng ‘mớ bòng bong’ được tháo gỡ”, Đại sứ Ngô Quang Xuân nhớ lại.

Đặt trong bối cảnh của ngoại giao hiện nay, theo nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu, những cái khó vẫn tồn tại tùy thời điểm ít nhiều khác nhau. Tuy vậy, vai trò, vị thế đất nước đã khác trước, thậm chí khát vọng của Ngoại giao Việt Nam là muốn vươn xa hơn, bay cao hơn, đưa khát vọng hòa hiếu và hòa bình, hợp tác, cùng có lợi ra với thế giới, do đó, con đường phía trước có thể ít chông gai hơn nhiều thập kỷ trước, “đường quang hơn, mây xanh hơn, rộng mở hơn”.

Đại sứ Ngô Quang Xuân cho rằng câu chuyện khó - dễ trong xưa - nay có sự giống nhau nhưng nội dung và phương thức khác nhau, vượt khó để đạt được dễ, tiếp nối liên tục như vậy càng củng cố niềm tin của những nhà ngoại giao chuyên nghiệp về ước mơ, khát vọng phía trước.

Đại sứ Ngô Quang Xuân đón Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18, tháng 11/2006. (Ảnh: NVCC)
Đại sứ Ngô Quang Xuân đón Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18, tháng 11/2006. (Ảnh: NVCC)

“Hãy coi đó là tiếng gọi”

Tiếp cận khó - dễ trong xưa - nay ở một góc độ khác, Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ thế hệ của ông và đồng nghiệp rất nhiều người chưa được đào tạo bài bản về ngoại giao, những trải nghiệm gai góc về đối ngoại rất thiếu, hành trang lớn nhất khi đó chỉ là ngoại ngữ ở đất nước đã được đào tạo như Nga, Pháp, Anh, Tây Ban Nha…

“Chúng tôi phải làm gì để đáp ứng đòi hỏi hội nhập của đất nước? Con đường duy nhất là học. Học từ các bậc tiền bối, các lãnh đạo cấp cao khi có cơ hội phục vụ họ trong các hoạt động ngoại giao. Những gì học được tôi ghi chép cẩn thận để nhớ và áp dụng. Bất cứ hoạt động ngoại giao thực tế nào cũng được coi như lớp học, luôn luôn rèn luyện mình”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình bày tỏ.

Với thế hệ trẻ ngoại giao ngày nay, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao cho rằng những điều gian khó nhất của thời xưa không còn nữa, các cán bộ trẻ được đào tạo bài bản ngay từ đầu, lý thuyết và thực tiễn phong phú, cơ hội luôn rộng mở, ngoại ngữ đa dạng, kho tàng kinh nghiệm đối ngoại từ cổ chí kim đã rất lớn.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Sau nhiều thăng trầm, hiện nay, kinh tế của Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển hơn, an ninh-quốc phòng vững chắc. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam ngày càng có vị thế tốt hơn trên trường quốc tế. Ngoại giao sẽ dựa vào thực lực của đất nước để khẳng định vị thế quốc tế Việt Nam ngày càng vững vàng, vươn xa hơn ”. Đại sứ Nguyễn Phú Bình

Thuận lợi nhiều như vậy, theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, điều cần hơn cả ở thế hệ trẻ ngoại giao là tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám bước vào lĩnh vực mà đất nước đang cần nhất, khai phá các thị trường nước ngoài phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam để thúc đẩy hợp tác. Thế hệ trẻ hiện nay có thể thành công rất nhanh, có thể đốt cháy giai đoạn và chỉ cần có năng lực, ý chí, bản lĩnh, tình yêu Tổ quốc thì có thể tiến xa.

Đồng quan điểm với Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Đại sứ Ngô Quang Xuân nhấn mạnh thêm rằng ngoại giao chính trị “đội ngũ chúng ta đã rất thạo”, tuy nhiên ngoại giao kinh tế có nhiều yêu cầu khá mới, khi khát vọng của ngoại giao càng lớn thì những đòi hỏi kỹ năng, năng lực để đạt được lại càng lớn và không có biên giới. Để có thể làm tốt các mặt trận ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, ngoài niềm đam mê “ngấm vào máu” còn cần tinh thần dấn thân, quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Dễ và khó luôn đan xen trên mọi con người chúng ta đi. Chúng luôn tồn tại và là lẽ đương nhiên. Vận hội mới đang chờ đợi Việt Nam, chờ đợi từng con người ngoại giao Việt Nam. Hãy coi đó như một tiếng gọi, một bến bờ phải đến để vươn tới”, Đại sứ Ngô Quang Xuân nhắn gửi.

Góc tiếp cận chuyện xưa đến chuyện nay của hai nhà ngoại giao kỳ cựu đã cho thấy rõ một bước tranh ngoại giao liền mạch từ thời kỳ đầu hội nhập với những “cung bậc” khách nhau của khó – dễ. Thử thách và cơ hội luôn hiện hữu nhưng hãy cứ đi theo tiếng gọi của sự nghiệp chung, bước qua khó khăn sẽ là những chân trời mới, tươi sáng và xứng đáng.


Kỳ cuối: Một vị thế “chưa bao giờ”

Bác Hồ - Người Thầy vĩ đại về lý luận và thực tiễn công tác thông tin đối ngoại

Bác Hồ - Người Thầy vĩ đại về lý luận và thực tiễn công tác thông tin đối ngoại

“Trong bối cảnh hiện nay, suy ngẫm lại những lời dạy của Bác Hồ cũng như những rèn luyện của Người đối với ngành đối ...

Kế thừa tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận dụng sách lược ngoại giao

Kế thừa tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận dụng sách lược ngoại giao

Những quyết sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giai đoạn then chốt của cách mạng đã giúp xác lập vị trí của ...

Ngoại giao kinh tế ‘chắp cánh’ hàng Việt vươn xa

Ngoại giao kinh tế ‘chắp cánh’ hàng Việt vươn xa

Thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển ...

Sự tài tình của phong cách Hồ Chí Minh trong quan hệ với OSS

Sự tài tình của phong cách Hồ Chí Minh trong quan hệ với OSS

Lịch sử là những kinh nghiệm quý giúp thế hệ sau vững bước và tạo ra những giá trị lớn hơn trong tương lai. Nghiên ...

Tự hào sứ mệnh Ngoại giao Việt Nam (Kỳ I): Thêm bạn bớt thù, nhân văn và hòa hiếu

Tự hào sứ mệnh Ngoại giao Việt Nam (Kỳ I): Thêm bạn bớt thù, nhân văn và hòa hiếu

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam trong buổi tọa đàm “Tự hào sứ mệnh ngoại giao”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên ...