Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946. |
Do lập trường thực dân ngoan cố lỗi thời của phía Pháp, sau hơn 20 ngày thương lượng (19/4 -11/5/1946), cuộc đàm phán giữa hai đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam và Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt đã hoàn toàn bế tắc.
Tuy vậy, qua hội nghị này, phía Việt Nam cũng hiểu rõ hơn những khó khăn, trở ngại trong quá trình đàm phán chính trị tiếp theo giữa hai bên.
Thực hiện thỏa thuận giữa Hồ Chủ tịch và Cao ủy d’Argenlieu ngày 24/3/1946 trên Vịnh Hạ Long, Chính phủ ta kiên quyết yêu cầu phía Pháp nhanh chóng tổ chức cuộc đàm phán chính thức giữa hai Chính phủ tại Paris, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sẽ sang thăm chính thức Pháp chậm nhất là từ cuối tháng 5/1946.
Khi đoàn Việt Nam sắp lên đường thì ngày 29/5/1946, Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam cáo bệnh không đi Pháp nữa.
Sau đó, ông Tam đã chạy sang Trung Quốc theo chân quân đội Tưởng Giới Thạch và có thông tin ông ta đã mang theo toàn bộ kinh phí của Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó.
Vì vậy, ngày 30/5/1946, ông Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, được Hồ Chủ tịch cử làm Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam.
Với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không trực tiếp tham dự cuộc đàm phán nhưng Người luôn quan tâm theo sát quá trình thương lượng, chỉ đạo và giữ vai trò tác động quan trọng trong quá trình thương thảo tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam gồm Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và các thành viên: Phan Anh, Bửu Hội, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Chu Bá Phượng, Huỳnh Thiện Lộc và một số chuyên viên.
Phái đoàn Pháp gồm đa số là những người đã dự Hội nghị Đà Lạt. Trưởng đoàn vẫn là Max André (nguyên Giám đốc nhà băng Đông Dương).
Sáng ngày 6/7/1946, lâu đài Fontainebleau được trang hoàng theo nghi lễ ngoại giao, treo quốc kỳ Việt Nam và Pháp, trước khi khai mạc có cử quốc thiều hai nước. Hội nghị diễn ra tại phòng họp chính của lâu đài.
Nhất quán mục tiêu về độc lập
Hội nghị Fontainebleau bắt đầu với bài diễn văn với lời lẽ lễ tân chào mừng vô thưởng, vô phạt của Trưởng đoàn Pháp Max Andre.
Ngược lại, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng đọc diễn văn đáp từ với những lời lẽ mạnh mẽ, thực chất.
Sau khi lên án những hành động của phía Pháp vi phạm Hiệp định sơ bộ 6/3 như: không đình chỉ chiến sự, đánh chiếm vùng cao nguyên Pleiku – Kontum, chiếm Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội, và nghiêm trọng hơn cả là việc thành lập một chính phủ bù nhìn ở Nam Việt Nam (Nam Kỳ tự trị), ông Phạm Văn Đồng nói:
“Nếu coi Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 chỉ là một phương tiện để có thể kéo quân vào Bắc Việt Nam, để đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, buộc chúng tôi chấp nhận ‘những việc đã rồi’, thì không thể nào đi đến một sự thỏa thuận hòa bình và hữu nghị mà hai dân tộc chúng ta đều mong ước”.
Trong quá trình đàm phán, phái đoàn Việt Nam nhất quán theo đuổi các mục tiêu về độc lập chính trị và thống nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, phái đoàn Pháp chỉ muốn coi Việt Nam là quốc gia tự trị trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp, còn Liên bang Đông Dương là một liên hiệp các quốc gia tự trị tại Đông Dương nằm trong Liên hiệp Pháp.
Phái đoàn Việt Nam muốn quan hệ của Việt Nam và các bên trong Liên hiệp Pháp là sự hợp tác tự do và bình đẳng về mọi mặt, còn Liên bang Đông Dương chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế và tài chính vì Liên bang Đông Dương không phải là một quốc gia.
Về ngoại giao, phía Pháp muốn Việt Nam chỉ quan hệ với Pháp, còn phía Việt Nam muốn có Bộ Ngoại giao riêng.
Về vấn đề thống nhất Việt Nam, phía Pháp đòi phải tái lập trật tự trước tiên rồi sau đó sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ về vấn đề sát nhập Nam Kỳ vào Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (thống nhất với Trung Kỳ và Bắc Kỳ).
Điểm gây tranh luận nhiều nhất là Chính phủ Pháp từ đầu tháng 6/1946 đã đơn phương tán thành việc Cao ủy d’Argenlieu thành lập cái gọi là “Cộng hòa Nam Kỳ tự trị”.
Ngày 12/7/1946, sau khi hai đoàn thỏa thuận chương trình nghị sự và bắt đầu làm việc ở các tiểu ban chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa và quân sự thì ở Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc họp báo khẳng định các vấn đề nguyên tắc.
“Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp phải do một Hiệp ước quyết định. Về kinh tế và văn hóa, chúng tôi tán thành một liên kết (association) với nước Pháp trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp (dans le cadre de l’Union Francaise).
Lý do tồn tại của Liên bang Đông Dương là sự cần thiết phải phối hợp với các hoạt động của Việt Nam, Lào và Campuchia. Nó phải chủ yếu là kinh tế. Liên bang Đông Dương không được biến thành một Phủ Toàn quyền trá hình (gouvernement general déguise). Nam Bộ là đất của Việt Nam, là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi.
Một cuộc trưng cầu ý dân (referendum) sẽ tốn kém lắm. Nếu chúng ta có thể thỏa thuận với nhau và miễn tổ chức trưng cầu ý dân thì tốt hơn. Nếu không thể miễn, thì chúng ta sẽ tổ chức một cách thành thực và thẳng thắn và kết quả sẽ cũng thế thôi. Người Pháp sẽ có quyền tiếp tục lập các xí nghiệp (enterprises), quyền tự do kinh doanh của họ sẽ giống như của người Việt Nam...”
Đây là một tuyên bố ngoại giao quan trọng của Hồ Chủ tịch bên ngoài hội nghị để tranh thủ dư luận Pháp, một tuyên bố lập trường đàm phán chính thức của Chính phủ Việt Nam, tiếp thêm động lực tinh thần cho phái đoàn ta trong cuộc đàm phán.
Hồ Chủ tịch dặn dò Giáo sư Hoàng Minh Giám tại sân ga Lyon, Paris ngày 16/9/1946 trước lúc Người rời Paris đi cảng Toulon xuống tàu thủy Dumon D’Urville về Việt Nam ngày 19/9/1946. |
Giải pháp chính trị linh hoạt
Giữa lúc Hội nghị còn chưa đạt được sự đồng thuận của cả hai bên, ngày 1/8/1946, Cao ủy d’Argenlieu triệu tập một Hội nghị Liên bang Đông Dương gồm đại diện Nam Kỳ, Tây Nguyên, Lào, Campuchia và Nam Trung Kỳ họp tại Đà Lạt.
Trước hành động ngang ngược, khiêu khích của Cao ủy d’Argenlieu, ngày 2/8/1946, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng đã tuyên bố:
“Ngày 26/7, tôi đã nhờ ông trưởng đoàn Pháp chuyển một thư phản đối về việc triệu tập hội nghị họp ngày hôm nay tại Đà Lạt.
Lập trường của chúng tôi là: Nếu vấn đề Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Liên bang Đông Dương là do các nhà chức trách Pháp ở Nam Kỳ quyết định, thì Hiệp định sơ bộ 6/3 không có giá trị và Hội nghị Fontainebleau không có lý do tồn tại; nếu Hiệp định sơ bộ 6/3 có giá trị, thì chỉ Hội nghị Fontainebleau có thẩm quyền để thảo luận vấn đề nói trên.
Vì lòng tự trọng, chúng ta phải chấm dứt tình trạng nhập nhằng này và đình chỉ Hội nghị của chúng ta cho đến khi nào cái nhập nhằng đó đã chấm dứt”.
Ngày 8/8/1946, Trưởng phái đoàn Pháp Max André thông báo cho phái đoàn Việt Nam rằng, Hội nghị Liên bang tại Đà Lạt chỉ để trao đổi ý kiến, không quyết định gì và đề nghị Hội nghị Fontainebleau họp lại.
Ngày 12/8/1946, Hồ Chủ tịch tuyên bố với báo Libération: “Tôi không đặt điều kiện cho việc tiếp tục Hội nghị”.
Và ngày 15/8/1946, Bác tuyên bố với báo Franc-Tireur: “Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong muốn”.
Nhờ nỗ lực dàn xếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1946, Hội nghị Fontainebleau được nối lại theo hình thức trao đổi văn kiện và họp nhóm trong phạm vi hẹp.
Từ ngày 3/9/1946, phía ta và Pháp thỏa thuận cử một tiểu ban (gồm 4 đại biểu Việt Nam và 3 đại biểu Pháp) để dự thảo trong 7 ngày (từ ngày 3-10/9/1946) một thỏa thuận về các vấn đề cơ bản là: Độc lập của Việt Nam, vấn đề ngoại giao, vấn đề quân sự và vấn đề Nam Bộ.
Tuy nhiên, sau 7 ngày, tiểu ban này không đi đến thỏa thuận nào cả. Như vậy Hội nghị Fontainebleau đã kết thúc ngày 10/9/1946.
Ngày 13/9/1946, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và phần lớn thành viên phái đoàn rời Paris về nước. Để cứu vãn tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nán lại Paris thêm vài ngày.
Bác chủ động gặp Thủ tướng Pháp George Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet một văn bản thỏa thuận trong ngày 14/9/1946.
Đến 1h sáng ngày 15/9/1946, tại nhà riêng của ông Moutet, Hồ Chủ tịch và Bộ trưởng Moutet đã ký bản Tạm ước (modus vivendi) 14/9/1946 gồm 11 điều khoản có tính chất nguyên tắc và sau này sẽ được hai bên tiếp tục đàm phán cụ thể hóa.
Tạm ước 14/9/1946 quy định hai bên sẽ tiếp tục cuộc đàm phán chậm nhất là tháng 1/1947, sẽ cùng ấn định thể thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ và đảm bảo các quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ.
Tạm ước 14/9/1946, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/1946, chứa đựng những nhân nhượng cao nhất về kinh tế, thương mại mà Chính phủ Việt Nam có thể dành cho Pháp.
Đó là những nhân nhượng cuối cùng mà Hồ Chủ tịch và Chính phủ ta có thể cam kết. Nếu nhượng bộ thêm nữa sẽ vi phạm đến độc lập, chủ quyền tối cao của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Sáng 16/9/1946, Hồ Chủ tịch rời Paris đi cảng Toulons và lên tàu Dumont d’Urville về Việt Nam ngày 19/9/1946.
Với thiện chí mong muốn duy trì kênh liên lạc, tiếp xúc trực tiếp với chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch cử một Phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở lại Paris do ông Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn, và gồm các ông Dương Bạch Mai và Trần Ngọc Danh.
Có thể coi đây là Cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở ngoài nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định.
Với dã tâm quyết lập lại chế độ thực dân lỗi thời ở Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương không ngừng gia tăng các hoạt động khiêu khích, gây chiến nên chỉ hơn ba tháng sau khi được ký kết, Tạm ước 14/9/1946 đã bị phá bỏ, nhân dân Việt Nam buộc phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước 14/9/1946 là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, cứu vãn Hội nghị Fontainebleau và kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá cho Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng cho tới ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.