Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã trở thành chìa khóa quan trọng cho ngành Ngoại giao nói riêng và công tác đối ngoại nói chung trong thực hiện thắng lợi, hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của đất nước - Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thăm hữu nghị Việt Nam (17/10/1954) ngay khi Hà Nội vừa được giải phóng. (Ảnh: TTXVN) |
Không chỉ là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho ngành Ngoại giao hiện đại Việt Nam. Tư tưởng ngoại giao mang tên Người, cùng nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin được xem là di sản vô giá đối với nền ngoại giao nước nhà. Đây là chìa khóa giúp thực hiện thắng lợi, hiệu quả đường lối, và chính sách đối ngoại của Việt Nam, từ thuở đầu cách mạng tới thời kỳ Đổi mới, hội nhập quốc tế.
Vậy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là gì? Đó là hệ thống nguyên tắc, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế, về đường lối đối ngoại của Việt Nam, được hình thành trên 6 cơ sở như sau: (1) Chủ nghĩa yêu nước, là sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược; (2) Truyền thống văn hoá của dân tộc, là tình thân ái, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sự hiếu khách, coi trọng láng giềng, bao dung độ lượng; (3) Truyền thống ngoại giao Việt Nam, với đặc trưng nhu viễn, yêu hoà bình, hoà hiếu, tinh thần nhân đạo, ngoại giao tâm công, “trong xưng đế, ngoài xưng vương”; (4) Tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới một cách toàn diện, bao gồm cả những nét truyền thống của phương Đông lẫn những nét mới mẻ, hiện đại của phương Tây; (5) Chủ nghĩa Marx-Lenin về quan hệ quốc tế, nhất là tính biện chứng của lịch sử, sự mâu thuẫn - phát triển, mâu thuẫn là động lực của phát triển, nhận thức về chủ nghĩa đế quốc, về cách mạng vô sản và đoàn kết quốc tế vô sản; (6) Vốn kiến thức, kinh nghiệm của Bác Hồ tích luỹ từ 34 năm bôn ba thế giới và nhiều năm trực tiếp làm đối ngoại ở cương vị Chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin bao hàm những nội dung, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao.
Về nội dung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, đề cao các quyền dân tộc cơ bản: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, hòa bình và chống chiến tranh xâm lược. Độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Người xác định ngoại giao phải là một mặt trận, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. đồng thời phải hoà hiếu, hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, mở rộng quan hệ với tất cả các nước, coi trọng và xử lý tốt quan hệ với các nước lớn.
Về phương pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào công tác nghiên cứu, dự báo thời cuộc, nắm bắt thời cơ. Một phương pháp đặc sắc của Bác là ngoại giao tâm công. Người cũng đặc biệt đề cao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Về phong cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp hài hoà các giá trị truyền thống và tinh hoa nhân loại, văn hoá Đông-Tây để “hoà nhập mà không hoà tan”. Trong tư duy, Bác có sự độc lập, tự chủ và sáng tạo, quan điểm toàn diện “nhìn cho rộng suy cho kỹ” để thấy rõ được xu thế chung và chiều hướng của tiến bộ xã hội. Trong ứng xử, Bác thể hiện sự linh hoạt, kết hợp các giá trị dân tộc và quốc tế, chú trọng đến hiệu quả đối ngoại.
Về nghệ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng nhuần nhuyễn “ngũ tri”. Trong đấu tranh ngoại giao, Người thể hiện sự nhân nhượng, thỏa hiệp trên nguyên tắc có đi có lại để đi tới mục đích cuối cùng.
Trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo của đất nước, Đảng đã vận dụng nội dung của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để hoạch định mục tiêu, định hướng đối ngoại, và ứng dụng phương pháp, phong cách, nghệ thuật của Người vào phương châm, nguyên tắc của ngoại giao Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngoại giao phải là một mặt trận, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. đồng thời phải hoà hiếu, hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, mở rộng quan hệ với tất cả các nước, coi trọng và xử lý tốt quan hệ với các nước lớn. |
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong thời đại Hồ Chí Minh (1930-1986)
Trong giai đoạn từ 1930 tới 1986, Việt Nam đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh trường kỳ nhằm giải phóng và thống nhất đất nước, cũng như phải chịu sự cô lập từ phía cộng đồng quốc tế do quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Campuchia.
Về mục tiêu trong giai đoạn này, mọi nỗ lực đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều nhằm đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước; độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ bắt buộc và tất yếu, không chỉ với Việt Nam mà còn với mọi quốc gia trên thế giới.
Thấm nhuần tư tưởng đó, chính phủ Việt Minh đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên trên hết, là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và dân tộc và sẵn sàng có chính sách liên hiệp với liên quân Anh-Mỹ để giải phóng dân tộc với điều kiện là một phần quyền lợi ở Đông Dương. Lập trường và hành động của Việt Nam trong vấn đề Campuchia cũng phản ánh nguyện vọng của nhân dân Campuchia về lật đổ chế độ Khmer Đỏ và mang lại hòa bình ổn định tới khu vực biên giới.
Về định hướng, Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ với tất cả các nước, ưu tiên quan hệ với láng giềng khu vực, song cũng rất coi trọng quan hệ với các nước lớn. Chính sách này phù hợp với tư tưởng của Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế: đa dạng hóa các mối quan hệ theo hướng bình đẳng, cùng có lợi, chung sống trong hòa bình. Bên cạnh đó, việc mở rộng quan hệ quốc tế cũng nhằm phục vụ mục tiêu giải phóng nước nhà, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Trước khi chính phủ Việt Minh thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có chính sách liên kết chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Mặt trận Nhân dân Pháp cũng như Đảng Cộng sản các nước để phục vụ giải phóng dân tộc. Sau khi Thế chiến II kết thúc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngoại giao Việt Nam đã chủ trương đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc.
Trong quan hệ với láng giềng thời kỳ chống Mỹ, Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ với Quốc trưởng Sihanouk, tuyên bố tôn trọng độc lập của Campuchia để đổi lại sự công nhận của Campuchia với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Với Mỹ, dù là đối thủ trên chiến trường nhưng Việt Nam vẫn nhận thức rõ Mỹ là nước lớn. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 14 lần gửi thư cho các Tổng thống Mỹ để tìm giải pháp hòa bình, đồng thời thể hiện sự coi trọng quan hệ với Mỹ.
Về phương châm, ngoại giao Việt Nam giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Điều này thể hiện qua chủ trương “vừa đánh vừa đàm” của Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần 3: “thắng lợi trên chiến trường làm cơ sở cho thắng lợi trong ngoại giao”. Thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” đã tạo cơ sở cho việc đàm phán thành công ký kết hiệp định Paris 1972.
Trải dài giai đoạn này, dù chủ trương vẫn là liên kết chặt chẽ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, ngoại giao Việt Nam vẫn gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Trong hai cuộc chiến tranh, bên cạnh sự ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, khối đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương cũng được Viejet Nam thúc đẩy mạnh mẽ. Trên hết, cuộc kháng chiến chính nghĩa, anh hùng, ngoại giao nhân dân của Việt Nam đã khơi dậy và thúc đẩy phong trào chống chiến tranh do chính nhân dân của các nước tư bản tham gia, đặc biệt là phong trào chống chiến tranh trong lòng nước Mỹ, nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “Mặt trận chống đế quốc thứ hai”.
Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là đóng góp quan trọng của ngành Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh - Ảnh: Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. (Nguồn: Tư liệu) |
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong giai đoạn Đổi mới và hội nhập quốc tế (1986 - nay)
Về mục tiêu, đường lối đối ngoại tiếp tục đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trong đó mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế trong thời kỳ này là sự tiếp nối những quan điểm của Người ngay từ năm 1945-1946: “...nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Về định hướng, đường lối của Đảng cho thấy sự kế thừa, phát triển qua từng kỳ Đại hội trên cơ sở chủ trương lớn mang tính bước ngoặt về “thêm bạn bớt thù, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế” được đề ra lần đầu trong Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị ngày 20/5/1988.
Phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Việt Nam sẵn sàng làm bạn với mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, Đảng lần lượt khẳng định Việt Nam muốn là bạn (Đại hội VII, 1991), sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy của các nước (Đại hội IX, 2001), là bạn, đối tác tin cậy, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế (Đại hội X, 2006), là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế (Đại hội XIII, 2021). Những bước tiến này thể hiện sự đổi mới cả về lý luận và thực tiễn của Đảng trong hoạch định đường lối đối ngoại cho thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương. Ta đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), với Mỹ (1995) và thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và thế giới nhằm từng bước cải thiện mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ của các nước giúp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh – quốc phòng và nâng cao vị thế đất nước.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp cho các cơ chế quan trọng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Về phương châm, những bài học vô giá về “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phương pháp ngoại giao tâm công, tranh thủ thời cơ, kiến tạo thời cơ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tiếp tục được phát huy.
Đặc biệt, những thành tựu của đối ngoại đa phương trong năm 2020-2021 đã chứng minh giá trị của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua đại dịch Covid-19 thông qua cách tiếp cận chủ động, bản lĩnh và cách làm sáng tạo, cùng với sự chân thành, chính trực, luôn vì lợi ích và trách nhiệm chung.
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành công của Việt Nam có một phần lớn nhờ ngoại giao tâm công, “đấu tranh có bản lĩnh, nhưng cũng có tình, có lý; hợp tác có nguyên tắc, nhưng cũng thấm đậm tình người”.
Những thành tựu của đối ngoại đa phương trong năm 2020 - 2021 đã chứng minh giá trị của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. |
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong phương hướng đối ngoại tại Đại hội XIII
Trong thời đại mới, khi đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam, cụ thể là các mục tiêu, định hướng lớn trong văn kiện Đại hội Đảng XIII.
Về mục tiêu, Đại hội XIII của Đảng khẳng định “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.
Điều này thể hiện sự quán triệt sâu sắc quan điểm “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trước hết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vốn được thể hiện xuyên suốt trong suốt cuộc đời hoạt động của Người: “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”, “luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”, “lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”.
Về định hướng, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét qua việc “chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề và các cơ chế quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể”.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã được vận dụng vô cùng khéo léo trong chọn lựa vấn đề và cơ chế để nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam: “phù hợp với yêu cầu” nghĩa là phải xem xét nhu cầu, mục tiêu trong nước và quốc tế để chọn đúng và trúng vấn đề; “phù hợp với khả năng” nghĩa là phải đánh giá được năng lực đóng góp của Việt Nam để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong giải quyết vấn đề; và “phù hợp với điều kiện cụ thể” nghĩa là phải có “ngũ tri” để phân tích tình hình, lựa chọn thời cơ, mức độ, cách thức tham gia tối ưu nhất.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh tiếp tục được Đảng ta kế thừa, phát huy trong hoạch định đường lối đối ngoại tại Đại hội XIII - Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban chấp hành Trung ương XII đọc báo cáo về văn kiện Đại hội XIII ngày 26/1/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Có thể thấy, trên nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã hoạch định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, kiên định mục tiêu bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, đồng thời thể hiện tinh thần hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia của các dân tộc trên thế giới từ khi lập nước.
Đặc biệt, đường lối đối ngoại tại Đại hội Đảng XIII, trong đó có mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc và định hướng nâng tầm đối ngoại đa phương, đã thể hiện mạnh mẽ tính kế thừa về nội dung, phong cách ngoại giao của Người, chứng minh giá trị trường tồn của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trước sự phát triển của quốc tế và những thay đổi của đất nước.
(*) Trần Quốc Trung, Phan Quỳnh Nga, Nguyễn Quang Minh, Lưu Trí Dũng, Vũ Lý Thanh Hiền, Nguyễn Thị Minh Hiền, Nguyễn Thị Thu Mi, Hoàng Mai Linh