Từ vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp cho rằng, ngành giáo dục phải tự soi lại mình. |
Học sinh ngồi nhầm lớp từ bệnh thành tích?
Đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng học sinh THCS không biết đọc, viết. Năm 2016 ở Sóc Trăng có trường hợp học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 vì chưa đọc thông viết thạo; năm 2019, trường THCS Đông Phước A, Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang dù đạt chuẩn quốc gia nhưng theo phản ánh của báo chí thì có đến 5 em học sinh từ lớp 6 lên lớp 7 đọc viết còn kém.
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp cho rằng hiện tượng này dù có ở một vài nơi, nhưng chỉ cần 2 trường hợp cũng đã là số nhiều. Tuy nhiên, rất có thể còn ở một số nơi chưa bị lộ ra. Nếu chỉ 10 trường hợp như vậy thôi cũng đủ làm ngành giáo dục phải tự soi lại mình.
Thầy Tùng cho rằng, đây là sự bạo lực tinh thần "rất ác" với một đứa trẻ ở tuổi 11. Bọn trẻ chỉ cần chưa làm bài, chưa thuộc bài hay chưa hoàn thành dự án học tập thôi đã nơm nớp, lo lắng khi cô kiểm tra. Vậy mà đây còn không đọc, viết thành thạo thì sẽ lo lắng, sợ hãi đến nhường nào khi đến lớp.
Có những em phải bỏ học vì sợ hãi, xấu hổ khi đến lớp. Nếu để học sinh đó đúp lại, học chậm một năm, đủ kiến thức để lên lớp thì có khi em học sinh đó đã không bỏ học.
Theo thầy Tùng có 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Trước hết chính là bệnh thành tích trong giáo dục ở một số trường, một số địa phương. Tiếp đó phải kể tới sự vi phạm đạo đức nhà giáo của một số giáo viên và nhà quản lý giáo dục.
Ở đây, thầy Quang Tùng nhấn mạnh hành động vi phạm này tương tự việc làm hàng giả, hàng kém chất lượng trong ngành giáo dục. Và nữa còn có nguyên nhân từ việc chưa thực sự quyết liệt, triệt để trước hiện tượng không phải xảy ra lần đầu tiên và duy nhất này của các cấp quản lý giáo dục.
Giáo dục cần theo xu hướng cá thể hóa
Có rất nhiều lý do khiến một học sinh không tiếp thu đủ lượng tri thức đáp ứng yêu cầu trình độ căn bản, đủ để tiếp tục lên lớp hoặc lên bậc học cao hơn. Cá thể hóa tới từng học sinh được xem như xu thế của giáo dục tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Có học sinh thông minh, tiếp thu nhanh thì cũng đồng nghĩa sẽ có những em chậm hơn, đòi hỏi được lặp đi lặp lại tri thức, rèn kỹ năng nhiều hơn.
Thầy Quang Tùng cũng khẳng định, điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy địnhCấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông. Trong đó quy định cụ thể trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định. Bản thân trường Lômônôxốp nơi thầy Tùng làm Hiệu trưởng đã từng nhận học sinh ở nước ngoài về quá 2 tuổi so với quy định về học lớp 6.
Về giải pháp cho trường hợp học sinh học lực yếu kém mà trên thực tế là con số không nhỏ (Khối THCS vào khoảng 4,4% tương đương 242.000 em), thầy Quang Tùng cho rằng, những lớp ôn tập hè do từng nhà trường tổ chức với quy mô nhỏ đến rất nhỏ.
Ở đó, giáo viên có điều kiện kèm cặp, bổ trợ kiến thức hổng, thiếu cho từng em học sinh. Qua kiểm tra, đánh giá đủ năng lực cơ bản mới xét duyệt việc lên lớp hay lên cấp học mới. Trường hợp các em thực sự khó khăn trong tiếp nhận tri thức thì nhà trường, thầy cô phối hợp cùng phụ huynh tìm hướng đi khác cho các em. Học nghề cũng là lựa chọn tốt trong trường hợp nhiều em có khả năng thực hành kĩ năng thay vì tiếp thu tri thức khoa học.
Lâu dài, ngành giáo dục cũng cần đa dạng hóa mô hình các trường lớp đặc biệt dành cho học sinh tiếp thu quá chậm hoặc có vấn đề về tâm lý. Thực tế hiện nay, ở nhiều trường công, tình trạng học sinh mỗi lớp quá đông thì việc tiếp nhận thêm học sinh học lại sẽ gây khó khăn không nhỏ cho giáo viên trong quá trình dạy dỗ, rèn luyện. Phía phụ huynh biết rõ tình trạng thực tế của con để tránh áp lực và tạo điều kiện để con em được hòa đồng cùng bạn bè.