Tổng thống đắc cử Htin Kyaw và nhà lãnh đạo đảng NLD Aung San Suu Kyi. (Nguồn: AP) |
Quốc hội Myanmar đã bầu ông Htin Kyaw, một nhà điều hành cấp cao của đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên của nước này kể từ khi quân đội lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 1962. Đây là một bước ngặt đánh dấu bước phát triển dân chủ của quốc gia Đông Nam Á này.
Tân Tổng thống Htin Kyaw là phụ tá thân cận của bà Suu Kyi, lãnh đạo NLD. Ông được cho là người ít am hiểu về quan hệ quốc tế và năng lực chính trị chưa được nhìn nhận. Trong khi đó, bà Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống do những hạn chế trong Hiến pháp. NLD chỉ có thể thay đổi Hiến pháp nếu nhận được sự đồng ý của quân đội. Do vậy, nhiều người lo ngại rằng dù đã có được chính quyền dân sự nhưng con đường ở phía trước của Myanmar vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thách thức thứ nhất là NLD phải tạo ra một chính phủ vững chắc. Mặc dù thắng lớn trong cuộc Tổng tuyển cử cuối năm ngoái nhưng NLD không có nhiều chính trị gia có năng lực, vì vậy, NLD phải dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài đảng, bao gồm các chuyên gia đã làm việc cho chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Thein Sein và quân đội.
Thứ hai, quan hệ giữa chính phủ mới với quân đội vẫn tiếp tục là vấn đề gai góc. Sau cuộc Tổng tuyển cử, bà Suu Kyi nỗ lực thuyết phục quân đội hợp tác trong việc xóa bỏ hoặc đình chỉ thi hành điều luật trong Hiến pháp khiến bà không thể trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, phía quân đội từ chối yêu cầu, từ đó cho thấy sự không tin tưởng lẫn nhau giữa quân đội và bà Suu Kyi.
Mặc dù mối quan hệ này sẽ không mấy suôn sẻ, nhưng NLD vẫn phải tích cực hợp tác với quân đội để đối phó với nhiều vấn đề trong nước như vấn đề xung đột sắc tộc. Song song với đó, NLD phải đẩy nhanh các nỗ lực nhằm soạn thảo đề cương phát triển kinh tế đối ngoại. Trong quá trình bầu cử, bà Suu Kyi và NLD vẫn chưa đưa ra được một chính sách chính trị và kinh tế rõ ràng. Chính phủ mới nên theo đuổi một chính sách tài khóa thực tế, mở cửa để hợp tác với đối tác bên ngoài.
Trong lĩnh vực ngoại giao, chính quyền mới sẽ phải thận trọng trong mối quan hệ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ hay những nước có ảnh hưởng trong khu vực như Mỹ và Nhật Bản.
Trong những năm chính quyền quân sự cầm quyền, chính sách ngoại giao của Nay Pyi Taw dường như có phần nghiêng về phía Bắc Kinh bởi thời điểm đó Myanmar vẫn phải chịu những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng trong vòng 5 năm, Tổng thống Thein Sein nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, giữ một khoảng cách nhất định với Trung Quốc. Do vậy, đi tiếp con đường ngoại giao như thế nào để tạo môi trường phát triển ổn định cho Myanmar cũng là một bài toán khó đối với chính quyền mới.
Người dân Myanmar kỳ vọng rất nhiều vào tương lai phía trước. Vì vậy, nếu hy vọng thay đổi của họ không được hiện thực hóa, họ sẽ vô cùng thất vọng. Bà Suu Kyi cũng như chính quyền mới đang chịu một trách nhiệm lịch sử nhằm đem lại cuộc sống đủ đầy cho người dân cùng một nền dân chủ thực sự cho đất nước.