Biến thể Delta là phiên bản dễ lây lan nhất của virus gây bệnh Covid-19. (Nguồn: COI) |
Theo các nghiên cứu mới đây, các loại vaccine Covid-19đã được sản xuất nhằm chống lại virus SARS-CoV-2, vẫn tỏ ra hiệu quả trước biến thể Delta. Bởi lẽ, chủng này không khác so với chủng virus ban đầu đến mức nó có thể “né” được các mũi tiêm.
Tuy nhiên, biến thể Delta, “phiên bản mới” của virus SARS-CoV-2, đủ khác biệt nên con người sẽ cần cả hai liều tiêm vaccine công nghê mARN hoặc liều tăng cường cho vaccine đơn liều để có được phản ứng miễn dịch cần thiết giúp cơ thể được bảo vệ đầy đủ.
Tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể
Biến thể Delta là phiên bản dễ lây lan nhất của virus gây bệnh Covid-19. Chỉ trong vài tuần, nó đã trở thành chủng phổ biến nhất ở Mỹ, hiện chiếm 83% các ca nhiễm tại quốc gia này.
Hiện các nghiên cứu vẫn đang tiến hành ở nhiều quốc gia, nhưng nhìn chung kết quả đều khẳng định một điều: Các loại vaccine Covid-19 đã được cấp phép dù có phần giảm hiệu quả đối với biến thể Delta, tuy nhiên chúng vẫn có thể bảo vệ con người khỏi các diễn biến nghiêm trọng của bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ nhận định rằng tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể trước biến thể mới, và khuyến khích mọi người đi tiêm chủng.
Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC, cho biết vaccine cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại sự lây nhiễm, ngăn bệnh trở nên nghiêm trọng và khả năng tử vong do biến thể Delta.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Saskatchewan (Canada), khẳng định: “Chúng ta vẫn có thể dương tính với virus, nhưng phần lớn những người được tiêm chủng đủ liều sẽ không bị bệnh nặng hoặc hoàn toàn không có triệu chứng của bệnh”.
Vaccine tạo ra các kháng thể trung hòa, ngăn chặn virus xâm nhập và nhân lên. (Nguồn: Indiatimes) |
Cách vaccine “chiến đấu” với virus
Khi các nhà khoa học phát triển vaccine ngừa Covid-19 vào năm ngoái, biến thể Delta vẫn chưa xuất hiện.
Điều này chứng tỏ sức mạnh của các mũi tiêm, đồng thời phản ánh nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm vào các phân đoạn lớn của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Protein gai, nhô ra trên bề mặt virus SARS-CoV-2, là đặc điểm nhận diện của mầm bệnh và đối tượng để các nhà nghiên cứu vaccine tìm cách kích hoạt khả năng miễn dịch của cơ thể người.
Giống như hầu hết các loại vaccine khác, vaccine Covid-19 hoạt động bằng cách đánh lừa cơ thể rằng đã bị nhiễm virus, huấn luyện hệ thống miễn dịch tạo ra “vũ khí” để có thể chiến đấu khi mầm bệnh thực sự xuất hiện.
Vaccine tạo ra các kháng thể trung hòa, ngăn chặn virus xâm nhập và nhân lên. Các kháng thể tìm cách ngăn chặn virus bằng cách liên kết với protein gai, do đó ngăn virus lây nhiễm sang các tế bào lành.
Các đoạn của protein gai thay đổi khi virus đột biến thành các biến thể mới. Điều đó khiến các kháng thể do vaccine tạo ra khó liên kết với protein đột biến hơn vì các kháng thể có thể không nhận ra một số bộ phận bị đột biến.
Mô tả phản ứng của biến thể mới khi gặp vaccine Covid-19, Tiến sĩ Saad Omer, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale (Mỹ), cho biết: “Giống như bạn huấn luyện một phi công trên một loại máy bay, nhưng chuyến bay thực tế lại sử dụng một mẫu máy bay hơi khác”.
Tuy nhiên, vì vaccine nhắm chủ yếu vào protein, nên cho đến nay không có biến chủng nào, kể cả biến chủng Delta, có thể điều chỉnh lượng protein đột biến đủ để loại bỏ khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra.
Các nhà nghiên cứu cho biết, số lượng kháng thể được tạo ra ở những người được tiêm chủng vẫn đủ nhiều để liên kết với protein gai và ngăn chặn virus.
Vì sao cần tiêm đủ hai liều?
Theo các nghiên cứu, mỗi người cần tiêm đủ hai liều mới có thể chống đỡ được với biến chủng mới, vì các kháng thể trung hòa không hoạt động hiệu quả sau liều đầu tiên và cơ thể cần một lượng kháng thể cao hơn với virus “phiên bản mới”.
Thêm vào đó, hai liều vaccine sẽ kích hoạt các kháng thể trung hòa lên mức cao hơn, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
Tiến sĩ Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết: “Liều thứ hai cung cấp sự bảo vệ đến mức tối ưu, trong khi liều đầu tiên chỉ tạo ra mức kháng thể dưới ngưỡng tối thiểu, không đủ để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm virus”.
Liều thứ hai cũng làm tăng số lượng hai loại “vũ khí” khác của hệ thống miễn dịch, bao gồm tế bào T săn lùng các tế bào bị nhiễm rồi tiêu diệt chúng, và tế bào B ghi nhớ, lưu thông trong máu và hỗ trợ tạo ra các kháng thể khi phát hiện ra virus.
Ông Shane Crotty, một nhà virus học tại Viện Miễn dịch học La Jolla tại California (Mỹ), cho biết cả hai đều có khả năng giúp ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng. Đơn cử là, tế bào T nhận ra các tế bào virus theo nhiều cách hơn là các kháng thể trung hòa và có khả năng duy trì khả năng chống lại các biến thể.
Tiến sĩ Crotty kết luận: “Những tế bào T và tế bào B sẽ phát triển mạnh để ngăn chặn biến thể của virus”. Một khi cơ thể bị nhiễm bệnh, các tế bào này sẽ hoạt động, loại bỏ virus trước khi bệnh tiến triển xấu.
Tiến sĩ Rasmussen giải thích: “Về cơ bản, điều này xảy ra ngay lập tức với một người đã được tiêm chủng, trong khi có thể mất đến hai tuần đối với một người chưa được tiêm chủng”.
Vaccine Pfizer và vaccine AstraZeneca đều có hiệu quả cao đối với biến chủng Delta sau hai mũi tiêm. (Nguồn: WSJ) |
Theo một nghiên cứu trên gần 20.000 người được công bố trên Tạp chí Y học New England, vaccine Pfizer và vaccine AstraZeneca đều có hiệu quả cao đối với biến chủng Delta sau hai mũi tiêm.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE) chỉ ra rằng sau hai liều, vaccine Pfizer có hiệu quả 88% đối với biến chủng Delta, so với 36% sau liều đầu tiên. Trong khi đó, hiệu quả của hai liều vaccine AstraZeneca đem lại là 67%, so với 30% sau một liều.
Càng sớm càng tốt
Đánh giá được tầm quan trọng của vaccine, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine cho toàn dân.
Tuy nhiên, thành bại của chiến lược này còn nằm ở chính hiểu biết, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vaccine Covid-19.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng I cho biết, người dân được tiêm vaccine Covid-19 thì nên tiêm càng sớm càng tốt, đừng kén chọn vaccine hay lo ngại, trì hoãn tiêm.
Người có bệnh nền (như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, bệnh tim mạch, viêm gan B-C…) nếu đã điều trị ổn định càng nên tiêm để tránh biến chứng nặng do Covid-19.
“Quan trọng nhất là không để bệnh tấn công vào đối tượng nguy cơ, thậm chí phải ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng này để giảm tải bệnh nặng”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Tiêm chủng vaccine Covid-19 vừa là quyền lợi đối với bản thân, vừa là trách nhiệm đối với cộng đồng. (Nguồn: TTXVN) |
Đồng quan điểm này, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đánh giá tiêm chủng là một thành phần thiết yếu quan trọng của dịch vụ y tế, do đó hoạt động tiêm chủng cần được tiếp tục duy trì nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch an toàn theo đúng hướng dẫn của Chính phủ.
Theo bác sĩ Chính, bất kỳ sự gián đoạn nào của hoạt động tiêm chủng, thậm chí chỉ gián đoạn trong thời gian ngắn cũng làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh, dẫn đến tử vong và gia tăng gánh nặng trên các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhiều lần nhấn mạnh vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70-85% sẽ giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Như vậy, tiêm chủng vaccine Covid-19 vừa là quyền lợi đối với bản thân, vừa là trách nhiệm đối với cộng đồng. Người dân được tiêm vaccine sớm bao nhiêu thì sẽ bảo vệ an toàn cho bản thân và những người xung quanh sớm bấy nhiêu.