Nhiều hãng hàng không châu Á phải suy nghĩ về việc thay đổi chiến lược tăng trưởng, hạ giá cước vận chuyển hoặc đình chỉ một số tuyến hàng hóa nội địa. (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng nổ và sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu đã khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không châu Á bị đe dọa. Nhiều hãng hàng không trong khu vực phải suy nghĩ về việc thay đổi chiến lược tăng trưởng, hạ giá cước vận chuyển hoặc đình chỉ một số tuyến hàng hóa nội địa.
Không giống như vận chuyển bằng đường biển, hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không chủ yếu là những hàng hóa nhỏ, có giá trị cao và yêu cầu tốc độ giao hàng nhanh như đồ điện tử, thực phẩm tươi sống. Cước phí vận chuyển hàng hóa chiếm khoảng 10-30% tổng doanh thu của các hãng hàng không lớn của châu Á. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến doanh thu này bị thu hẹp rõ ràng tại một số hãng hàng không có trụ sở tại các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Singapore, Thái Lan.
Một công ty hàng không tại Singapore cho biết, doanh thu từ dịch vụ vận chuyển hàng hóa của hãng đã giảm 8,4% trong khoảng thời gian từ tháng 4-6 năm nay so với cùng kỳ năm trước. Công ty này cũng cho biết, phần lớn sự sụt giảm về doanh thu là do nhu cầu gửi hàng hóa giảm mạnh từ một số quốc gia trong bối cảnh bất ổn thương mại.
Hãng hàng không hàng đầu Thái Lan - Thai Airways International cũng đã "dính đạn" trong quý II năm 2019 khi doanh thu từ vận chuyển hàng hóa giảm tới 18,8%. Hãng này cho biết, sự sụt giảm này một phần đến từ thuế quan "trả đũa" của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trong khi đó, cuối tháng 8 vừa qua, Tập đoàn hàng không ANA Holdings của Nhật Bản đã điều chỉnh lịch bay từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2020. Hãng đã cắt giảm các chuyến bay vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Tokyo (Nhật Bản) từ 7 xuống còn 6 chuyến khứ hồi trong một tháng.
"Nhu cầu vận chuyển hàng hóa theo đường hàng không tại một số thị trường hàng hóa quốc tế đã chậm lại", Tập đoàn hàng không ANA Holdings cho biết trong một bản tin mới đây. Doanh thu hàng hóa của ANA Holdings cũng đã giảm 17% trong khoảng thời gian từ tháng 4-6 so với cùng kỳ năm trước, phần lớn do nhu cầu gửi hàng giảm từ thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, để bù đắp cho khối lượng hàng hóa giảm dần, tập đoàn này sẽ hạ giá cước vận chuyển để thu hút khách hàng.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không toàn cầu vẫn cần thiết, chỉ có hoạt động vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không tại châu Á bị ảnh hưởng nặng nề.
Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành của IATA khẳng định, thuế quan "ăn miếng trả miếng" của Mỹ và Trung Quốc không chỉ phá vỡ chuỗi cung ứng xuyên châu Á - Thái Bình Dương mà cả các tuyến thương mại trên toàn thế giới.
Một số hãng hàng không đối phó với vấn đề này bằng cách liên kết với các thị trường mới để giữ doanh thu. Korean Air Lines, hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc, hiện đang phải đối mặt với doanh thu hàng hóa giảm trong năm nay, đã tìm cách mở rộng kết nối với các thị trường mới nổi. Hãng này cũng đã ra mắt các chuyến bay mới và tăng tần suất chuyến bay cho các tuyến tại khu vực Đông Nam Á như Hà Nội (Việt Nam) và Manila (Philippines). Ngoài ra, Korean Air Lines cũng lên kế hoạch đình chỉ một số tuyến bay vận chuyển hàng hóa nội địa, tập trung vào tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Nhà phân tích K Ajith tại công ty môi giới chứng khoán UOB Kay Hian có trụ sở tại Singapore chia sẻ với trang Nikkei Asian Review rằng, vận chuyển hàng hóa hàng không là một "vũ khí quan trọng" của thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. Ông K Ajith cũng cảnh báo, vận chuyển hàng hóa hàng không châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ bị "tấn công" nhiều hơn trong những tháng tới khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Nhà phân tích K Ajith dự đoán, thu nhập của các hãng hàng không châu Á sẽ tiếp tục giảm đến đầu năm 2020.