Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (thứ bảy từ trái sang) dự Hội thảo hợp tác và phát triển du lịch Việt - Nga. |
Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các nước, các khu vực khiến cho khoảng cách địa lý không còn nhiều ý nghĩa. Công nghệ thông tin, với việc sử dụng viễn thông, vô tuyến, khả năng truy cập internet nhanh và hiệu quả vào kho kiến thức vô tận của nhân loại đang làm giáo dục dựa trên công nghệ ấy trở thành giáo dục phổ thông, thường xuyên và từ xa. Internet là một thành tựu của nhân loại, nhưng cũng được ví như con dao hai lưỡi bởi cùng với những ưu việt đó, qua internet những sản phẩm phi văn hóa với chuẩn mực đạo đức xa lạ, thậm chí đối trọng, đã thâm nhập vào các nước và de dọa việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong hội nhập, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là quan trọng, bởi nếu nhân cách là những phẩm chất để con người trở thành chính họ, thì văn hóa chính là cái làm cho dân tộc không là cái bóng của dân tộc khác. Song giữ gìn bản sắc không phải là một hiện tượng cố hữu, bất biến. Văn hóa luôn nằm trong quá trình hiện đại hóa, nó phải trở thành sức sống hiện đại của dân tộc. Mặt khác, giữ gìn bản sắc không loại trừ sự tiếp biến văn hóa; văn hóa dân tộc phải hội lưu với văn hóa nhân loại, rồi theo dòng chảy của nó mà tiếp thu những cái "chân, thiện, mỹ" của các nền văn hóa trên thế giới để bồi đắp cho văn hóa bản địa. Rõ ràng, giữ gìn bản sắc cũng phải trên cơ sở vừa kế thừa, vừa không ngừng tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại đặng làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần củng cố và làm phong phú hơn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và "tinh hoa" ở đây cũng phải hiểu trên cơ sở kế thừa, chứ không phải là một thứ bất biến.
Như vậy, văn hóa phải xây dựng nền tảng cho việc mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong kinh tế. Trong lĩnh vực kinh tế và quan hệ kinh tế quốc tế, chúng ta đã mất một thời gian dài để phấn đấu từ quan hệ xin-cho, dựa vào viện trợ, giúp đỡ từ nước ngoài là chính sang quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Còn trong giao lưu văn hóa, ngay từ đầu ta đã thể hiện sự bình đẳng, ngang hàng của một nền văn hóa chính thống đã trải qua bao thăng trầm của hàng ngàn năm lịch sử. Qua đó, làm cho người ngoài không chỉ biết Việt Nam như một đất nước “bầm dập” vì chinh chiến, anh dũng kiên cường trong chiến tranh khốc liệt chống thực dân, đế quốc và bành trướng bá quyền, mà còn làm cho họ nhận thức được Việt Nam là một đất nước, một dân tộc từ cội nguồn văn hóa lâu đời của mình với kho tàng vô giá về tự nhiên và văn hóa, cả văn hóa vật thể và phi vật thể, luôn thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa và giá trị nhân văn của hòa bình, của độc lập, tự do. Chính cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Đại sứ thiện chí UNICEF - cố diễn viên điện ảnh Hollywood nổi tiếng Audrey Hepburn đã nói lên được điều này trong chuyến thăm Việt Nam vào những năm 90 của thế kỷ trước. Rõ ràng, thông qua các hoạt động văn hóa, bạn bè thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, trên cơ sở đó từng bước tạo dựng lòng tin, đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, trong giao lưu tất có giao thoa. Giao thoa là sự xâm nhập, xâm lấn, pha trộn hay hòa trộn giữa các nền văn hóa với nhau. Do đó, giao lưu văn hóa là phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh: hợp tác với những nền văn hóa lành mạnh, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp; tích cực đấu tranh với những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa. Cần phải biết chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách chủ động, tích cực, có tầm nhìn, có kế hoạch, trên cơ sở hiểu rõ nền văn hóa của mình và những nhu cầu ưu tiên của đất nước mình để chọn đúng thứ mình cần. Trước mắt là phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, và về lâu dài là làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí. Có như vậy, chúng ta mới có thể khắc phục được khiếm khuyết mà Hội nghị Trung ương IX đã nhận xét là "hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa với nước ngoài còn hạn chế; vẫn còn tình trạng tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa bên ngoài, tác động tiêu cực đến văn hóa trong nước".
Trong quá trình giao lưu văn hóa, việc quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam cần được tiến hành ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc tổ chức các lễ hội, các sự kiện văn hóa Việt Nam, các buổi biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang, ẩm thực, triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc thù Việt Nam… mới chỉ là những hoạt động bề rộng, bề nổi. Cần phải có những hoạt động theo chiều sâu. Rất nhiều học giả, người nước ngoài, cộng đồng quốc tế yêu quý kho tàng văn hóa Việt Nam với các loại hình nghệ thuật đã hoặc sẽ được UNESCO vinh danh như ca trù, quan họ, hát xoan, chầu văn, hát xẩm, vĩ dặm... vì họ thấy được cái hay, cái lạ của những loại hình này, nhưng điều đó chưa giúp họ thấy hết chân giá trị của nền văn hóa mang màu sắc Việt. Do đó, cần có nhiều hình thức và công trình nghiên cứu nêu bật được bề dày của truyền thống, bản sắc các loại hình văn hóa Việt Nam để "làm no" hiểu biết của người nước ngoài về Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần làm họ mãn nhãn. Như vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế, văn hóa phải đóng vai trò là kênh truyền tải "về hình ảnh một dân tộc văn hiến, yêu chuộng hòa bình, một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và không ngừng phát triển".
Những người làm công tác văn hóa đối ngoại, nhất là những người chịu trách nhiệm về giao lưu, hội nhập văn hóa phải hiểu biết sâu sắc, yêu tha thiết và tự hào đúng mực, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ của nền văn hóa nước nhà. Trang bị cho họ hiểu biết đầy đủ về văn hóa nước nhà là việc làm cơ bản và lâu dài, nhưng cũng rất cấp thiết, để mỗi người là một chủ thể văn hóa trong quá trình hội nhập. Đây cũng là một nội dung cần thiết hàng đầu cần xây dựng để tạo sức mạnh mềm cho quốc gia, dân tộc.
Một việc làm quan trọng khác là tăng cường gắn kết văn hóa với chính trị và kinh tế đối ngoại. Suy cho cùng, dù là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế hay ngoại giao văn hóa, quan hệ con người với con người vẫn là cốt lõi. Do đó, cần đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, một phương thức quan trọng của ngoại giao văn hóa. Bài học về ngoại giao nhân dân trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước và trong công cuộc đổi mới rất cần được lưu tâm. Trong hội nhập kinh tế hiện nay, đội ngũ doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở những hoạt động kinh tế; họ cần trở thành những "doanh nhân văn hóa", một lực lượng đáng kể trong ngoại giao nhân dân.
Cuối cùng, để thực hiện tốt hội nhập toàn diện, cần có một khung pháp lý hoàn chỉnh cho các hoạt động văn hóa và văn hóa đối ngoại. Trong văn hóa đối ngoại, lợi ích cùng giá trị tạo dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau phải có thời gian thể nghiệm và chiêm nghiệm, chứ chưa thể cân đo, đong đếm ngay được. Vì vậy trong hoạt động cụ thể, cần có những quy chế, quy định rõ ràng được làm gì, làm đến đâu; nếu người làm công tác văn hóa đối ngoại mà chỉ lo cho "tròn vai", "xong việc" với những kết quả không tương xứng là không đáp ứng được yêu cầu.
Một điều rất quan trọng và thiết thực là cần gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ trao trọng trách xúc tiến việc dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Việc này đã trở nên quan trọng và cấp thiết vì một khi khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho gần năm triệu kiều bào thuộc các thế hệ khác nhau sống ở khắp năm châu, họ sẽ trở thành những người mang đặc trưng văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Và đó cũng là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển lâu dài của đất nước.
Thế giới chúng ta đang sống giống như biển cả mênh mông. Các quốc gia trong cộng đồng quốc tế là những con tàu đang vượt sóng, mà một động cơ quan trọng là văn hóa, yếu tố xác định bản sắc của con tàu. Trước “đợt sóng” toàn cầu hóa và hội nhập liên tục “xô bờ”, từ “người thuyền trưởng” cho tới các “thuyền viên”, “thợ máy”... phải nhanh nhạy trong nhận thức, chuyển biến kịp thời về tư duy, nhất là tư duy văn hóa để mỗi người trên cương vị của mình góp phần vận hành, chèo lái có hiệu quả hội nhập văn hóa, một trong ba trụ cột quan trọng của chính sách đối ngoại, vì hội nhập quốc tế nói chung, và hội nhập văn hóa nói riêng là sự nghiệp của toàn dân.
Nguyễn Mạnh Cầm
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao