Tháng 12/2007, tạp chí Mỹ Time bắn một phát đạn vào văn hóa Pháp với chủ đề ác cảm: The Death of French culture (Cái chết của văn hóa Pháp) nhằm chứng minh là về mọi mặt, văn hóa Pháp sau mấy thế kỷ oai hùng, không còn làm bá chủ thế giới.
Năm 1987, ở Mỹ, Viện nghiên cứu về Pháp của trường Đại học New York cùng trường Đại học Columbia đã thảo luận về sự kết thúc tính đặc thù của Pháp, trong đó có đặc thù văn hóa (Ở Pháp, chức Bộ trưởng Văn hóa vốn phải là nhà văn hóa trứ danh). Dĩ nhiên báo chí Pháp phản ánh dư luận Pháp, đưa ra những luận điểm chứng tỏ văn hóa với truyền thống lâu đời, vẫn là bậc đàn anh trên thế giới. Trong không khí toàn cầu hóa, với sự phát triển như vũ bão của kinh tế và văn hóa của nhiều quốc gia, dĩ nhiên văn hóa Pháp không thể giữ được vị trí độc tôn như trước. Trên thế giới có nhiều trung tâm văn hóa ở Âu, Á, Mỹ. Nhưng dù sao, văn hóa Pháp vẫn có một số lĩnh vực rất trội, như ẩm thực chẳng hạn (rượu vang Pháp bán rất chạy, cửa hàng ẩm thực Pháp rất đắt khách ở ngay trên đất Mỹ). Một nhà báo nữ Mỹ Flora Lewis khẳng định: Tôi đến từ một quốc gia bắt đầu mới học ăn uống (so với Pháp). Mỹ là quê hương của fast food (món ăn nhanh).
Nghệ thuật ăn uống Pháp bắt đầu từ thời Phục hưng (thế kỷ XVI) ở cung điện nhà vua và lâu đài quý tộc, sau được quần chúng hóa do những tiệm ăn ra đời với Cách mạng 1789 và bữa ăn tươi trong gia đình.
Ý nghĩa văn hóa của ẩm thực Pháp đã được kết tinh trong cuốn Sinh lý vị giác của Brillat Savarin (1755-1826), một tác phẩm cụ thể mà hài hước, có nhiều suy nghĩ hóm hỉnh mà sâu sắc về triết lý “bếp núc” như:
- Vũ trụ chẳng là cái gì cả nếu không có sự sống, mà tất cả cái gì sống đều phải được nuôi dưỡng.
- Con vật tọng cho đầy bụng, con người ăn, mà chỉ con người tinh tế mới biết cách ăn!
- Vận mệnh của các dân tộc phụ thuộc vào cách ăn uống.
- Hãy cho tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ nói cho bạn biết: bạn là người thế nào!
- Thượng đế bắt người ăn để sống, Thượng đế bảo người ăn thì phải ngon miệng, và thưởng cho người cái thú ẩm thực.
- Tham ăn là một nhận định của sự suy xét: ta thích cái gì ngon miệng hơn là cái gì kém chất lượng.
- Thú ăn uống thuộc đủ mọi lứa tuổi, mọi điều kiện xã hội, mọi đất nước, ngày nào cũng có. Nó kết hợp được với mọi thú vui khác, và tồn tại đến lúc tàn cuộc để an ủi chúng ta.
- Bàn ăn là nơi duy nhất không bị nhàm chán khi bắt đầu.
- Sự phát hiện ra một món ăn mới đóng góp cho hạnh phúc nhân loại hơn là sự phát hiện ra một tinh tú mới.
- Những người bội thực hoặc say rượu là những người không biết ăn uống.
- Trình tự dọn món ăn là từ những món nặng (bổ) đến những món nhẹ.
- Trình tự dọn thức uống là từ những món nhẹ đến những thứ có hương vị đậm hơn.
- Chủ trương không đổi rượu vang trong bữa ăn là một điều tà giáo: uống đến cốc thứ tư thì rượu ngon nhất cũng làm ta mất cảm giác.
- Tráng miệng mà thiếu pho-mát thì y như cô gái đẹp mà thiếu một con mắt.
- Mời bạn đến ăn mà không trông nom đến đồ thết bạn thì không xứng đáng có bạn.
- Bà chủ nhà phải đảm bảo là cà phê thật ngon, còn ông chủ nhà thì đảm bảo các thứ rượu đều thuộc loại nhất.
- Mời ai đến ăn là chịu trách nhiệm về hạnh phúc của người ấy trong thời gian ở nhà mình.
Khoa ẩm thực Pháp thể hiện một nền văn hóa ẩm thực cao, vì nói cho cùng, văn hóa là ứng xử và giao tiếp xã hội.
Tôi còn nhớ mãi bữa ăn rất văn hóa ở Paris cách đây hàng chục năm. Tôi cùng chị bạn là nhà thơ F.Corrèze được bà luật sư M.L.Cachin mời đến ăn tại nhà ở quận VII. Khoảng năm, sáu giờ chiều, chúng tôi cùng vợ chồng bà (ông cũng là luật sư) ngồi nói chuyện ở phòng khách có trang trí nhiều tranh cổ. Sau đó, vì là chỗ thân tình, chủ nhà mời khách sang ăn ở phòng ngủ rất rộng. Ghế và bàn gỗ, bát đĩa cổ, ánh hoàng hôn chiếu qua rèm, đèn không bật để giữ không khí yên ả chiều tháng Sáu. Bà chủ mắc chứng nan y nên đi đứng khó khăn, cầm đồ vật rất vất vả. Nhưng tính bà hiếu khách, thết mọi người từng món thịt nóng. Các món ăn đơn giản, theo đúng trình tự, đi cùng loại rượu khác nhau. Bà vừa phục vụ, vừa cầm trịch việc chuyện trò để giữ không khí ấm áp thân mật. Đúng là miếng ngon nhớ đời, ngon cả vật chất và tinh thần.