📞

Văn nghệ sĩ kiều bào: Đi và tri ân Trường Sa

Dư Hồng Quảng 14:33 | 01/05/2022
Trên tàu Kiểm ngư KN 491, năm 2018, tôi có dịp cùng đoàn công tác số 10 với hơn 70 kiều bào từ 24 nước đã có hải trình đáng nhớ ra quần đảo Trường Sa.

Nhiều người trong số họ là văn nghệ sĩ. Với những tác phẩm của mình, họ đã và đang chia sẻ để có thêm nhiều người hiểu về vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Cao Sơn Tùng vội vàng ký họa những khoảnh khắc ở Trường Sa.

Ký họa hải trình

Một sớm tinh mơ, sau gần hai ngày đêm lênh đênh trên tàu kiểm ngư KN 491, vượt 350 hải lý, chúng tôi thấy mờ xa một dải đất với ngọn hải đăng nhỏ nhoi nhấp nháy. Sắp được đặt chân lên đảo Song Tử Tây, đảo đầu tiên trong chuyến hải trình và là điểm đảo cực Bắc của quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, ai nấy đều háo hức. Tất cả dồn về mũi tàu, ai cũng muốn chụp được hình ảnh rõ nét nhất làm kỷ niệm. Trên boong, duy nhất một người chăm chú ký họa.

Đó là Cao Sơn Tùng, chuyên gia phần mềm Trường Đại học Quốc gia Singapore, một trong những Việt kiều trẻ nhất tham gia chuyến hải trình ra quần đảo Trường Sa.

Đặt chân lên Song Tử Tây, Tùng vội vã ghi chép từ buổi lễ chào cờ - hát Quốc ca thiêng liêng trên đảo, chiến sĩ hải quân bồng súng dưới cột mốc chủ quyền, mái chùa Việt cong cong bên mép sóng, nụ cười tuổi thơ hồn nhiên trong lớp học ghép, di tích cột mốc xác lập chủ quyền quốc gia năm 1956 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa…

Hành trình của đoàn công tác số 10 chúng tôi đến với 10 đảo chìm, đảo nổi. Ban ngày gặp gỡ quân dân trên các đảo, cố gắng ký họa càng nhiều càng tốt những khoảnh khắc khó quên; tối về tàu thức đêm chọn ảnh, ghép hình biên soạn kỷ yếu cho toàn tàu, Cao Sơn Tùng cố gắng từng giây, từng phút để 10 ngày giữa trời biển Trường Sa trở nên ý nghĩa nhất trong những năm tháng tuổi trẻ của mình.

Trở về Singapore, trước khi hoàn thiện cuốn nhật ký hải trình độc đáo về biển đảo Việt Nam, Tùng liên tục chia sẻ những hình vẽ của mình trên trang facebook Trường Sa - DK1, 10/2018. Anh nghĩ đó là một cách để góp phần nhỏ bé lan tỏa lòng yêu nước trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Các văn nghệ sĩ kiều bào trong đoàn công tác số 10 khi đặt chân lên đảo.

Chung gốc “máu đỏ da vàng”

Đó là lời của nhà báo, nhà văn Lê Thị Hiệu, được biết đến với bút danh Hiệu Constant, người Việt đang định cư tại Pháp. Trước khi tham gia đoàn kiều bào ra Trường Sa, chị đã cùng 40 nhà văn Việt Nam từ 12 nước trên thế giới về Phú Thọ, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng. Trong chuyến về nguồn đặc biệt ấy, Hiệu Constant rất tâm đắc với lời của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Từ miền đất cội nguồn này, người Việt đã xây dựng cơ đồ trải mấy nghìn năm. Hậu duệ của các vua Hùng đến nay đã có mặt khắp năm châu bốn biển, sinh cơ lập nghiệp, thành đạt, thành danh và luôn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Các nhà văn rất vinh dự và tự hào, về đất Tổ là về cội nguồn văn hóa của dân tộc”.

Là người con đất Tổ, tôi rất vui khi gặp lại Lê Thị Hiệu trên tàu KN 491 ra quần đảo Trường Sa. Chị cười bảo, cứ như lời nhà Phật thì “tu trăm năm mới cùng thuyền”, thế giới rộng lớn, có đến mấy tỷ người, thế mà chúng ta được ngồi chung một chuyến tàu ra với đảo xa là có duyên lắm đấy.

Rồi chúng tôi cùng chia sẻ về truyền thuyết 50 người con theo Mẹ Âu Cơ lên núi, 50 người con theo Cha Lạc Long Quân xuống biển, mở mang bờ cõi. Chị rất thích nghe về chi tiết trong lăng vua Hùng thứ sáu hiện còn ghi lời vua: “Khi ta chết, hãy chôn ta trên núi Cả. Ở trên cao, ta sẽ trông nom bờ cõi cho muôn đời con cháu mai sau”. Bên cạnh lăng mộ vua có bụi tre đằng ngà vàng óng gợi nhớ chuyện cậu bé làng Gióng vâng lời vua ra quân giúp nước, nhổ tre đằng ngà đánh tan giặc Ân.

Lê Thị Hiệu bảo nhiều năm sống xa Tổ quốc, chị luôn nhớ về cố hương. “Sông dù lớn bao nhiêu cũng đổ về với biển, lá tươi tốt bao nhiêu khi già cũng rụng về cội rễ. Nước mắt nào cũng mặn, dòng máu nào cũng đỏ, người Việt mình cho dù sống ở bất kỳ phương trời nào, chính kiến ra sao, cuối cùng thì vẫn hướng về cội nguồn, về với quê hương Tổ quốc của mình. Vậy tại sao chúng ta không thể trở về để cùng nhau đoàn kết, góp phần xây dựng Việt Nam ngày một giàu mạnh hơn nữa?”.

Chia tay biển đảo, chị cho biết sau chuyến đi ý nghĩa này, sẽ viết một tập ký sự Trường Sa, bằng tiếng Việt và cả tiếng Pháp. Khi xem hình ảnh cây muống biển trên cát trắng Trường Sa trên trang cá nhân của chị, tôi đã bình luận: “Bên cạnh những cây phong ba, bão táp, bàng vuông cứng cỏi chống chọi nắng gió Trường Sa, cây muống biển thân mềm cũng kiên cường không kém. Nhà văn viết gì về chuyện này đi, Hiệu Constant?”. Chị trả lời ngay: “Chắc chắn là sẽ có anh ạ! Sẽ có cả chuyện ngồi trên tàu ra thăm miền đất thứ tư của Tổ quốc, giữa biển trời mênh mông của xứ sở, được nghe cán bộ Sở Ngoại vụ Phú Thọ kể chuyện vua Hùng!”. Sau ba miền Bắc, Trung, Nam, chị Hiệu gọi biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa là “miền đất thứ tư” của Tổ quốc. Tôi thêm trân trọng chị ở điều này.

Cô giáo Liên và em bé Trường Sa.

Những vần thơ từ Sofia

Đến với vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc, người đàn ông tròn 60 tuổi vẫn háo hức không kém gì cánh trẻ. Mạnh mẽ, nhanh nhẹn, tháo vát, chụp ảnh chỗ này, ghi chép chỗ kia, bác Nguyễn Hữu Thao, kiều bào tại Bulgaria khiến các nhà báo chuyên nghiệp phải khâm phục.

Bác Thao bảo bác còn kém một Việt kiều ở cùng phòng trên tàu tới 19 tuổi. Đó là ông Bùi Công Tuyến, sinh ra ở Lào, bị tật ở chân do ngày nhỏ bị ngã không có điều kiện chữa chạy. Gần 80 năm sinh sống trên đất bạn, ông Tuyến không nghĩ có ngày được ra tận Trường Sa của nước mình. Bác Thao bảo so với ông Tuyến, mình còn trẻ và khỏe hơn nhiều, vậy nên phải cố gắng hơn. May mắn được đến vùng đất xa xôi nhất của Tổ quốc, bác Thao cố gắng ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, để khi về Sofia, sẽ có cái để nói với kiều bào ta và bạn bè quốc tế, để họ hiểu rõ hơn về vùng biển đảo thiêng liêng này.

Đáng nói là, xúc động trước trời biển, quân dân Trường Sa, bác Thao đã làm được những vần thơ tâm huyết. Kinh doanh buôn bán ở châu Âu, để có cuộc sống no đủ như hôm nay, bác Thao và đồng bào ta phải trải qua bao gian khó. Những lúc như thế, bác Thao lại làm thơ về quê hương, nguồn sức mạnh động viên mình vượt lên hoàn cảnh. Bác Thao yêu thơ và thích làm thơ vì thế.

Ấn tượng với những bài thơ Trường Sa bác Thao trình bày ngay trên tàu 491, tôi chăm chú đọc ngay những bài thơ bác chia sẻ trên mạng khi đã về Bulgaria. Đang ở Sofia, nhận được điện thoại của một chiến sỹ hải quân từ đảo Phan Vinh (thuộc quần đảo Trường Sa), bác Thao xúc động viết: “Ôi người lính đảo xa/ Anh làm tôi xúc động/ Giữa châu Âu thanh bình/ Nhớ Trường Sa cuộn sóng”.

Nếu nói thơ là tiếng lòng đồng điệu thì bác Thao đang nói giúp chúng tôi những cảm xúc, suy tư sau một chuyến đi rất ý nghĩa trong đời: “Một chuyến đi cùng các anh giữa ngàn trùng/ Cho tôi hiểu thêm thế nào người lính đảo/ Cảm phục các anh mấy mươi năm trời chống chọi với phong ba giông bão/ Hy sinh máu xương giữ biển đảo quê nhà”.

Đúng là, một chuyến đi để ta biết ơn những người lính đang canh giữ nơi tuyến đầu sóng gió. Một chuyến đi để ta biết trân trọng hơn những gì mình đang có. Một chuyến đi để ta không quá nhỏ bé, tầm thường.