📞

Văn và triết về cái vô lý của đời người

08:00 | 30/05/2016
Do những đảo lộn về kinh tế, xã hội, tư tưởng, tâm lý gây ra bởi chiến tranh, cách mạng công nghiệp, bước tiến nhảy vọt của khoa học kỹ thuật, xã hội tư bản phương Tây đã sinh ra triết học về cái vô lý. Triết học này ra đời trong nửa đầu thế kỷ 20, đặc biệt ở Pháp với trường phái hiện sinh (SARTRE, CAMUS...) và sân khấu của cái vô lý.  

Tôi nghĩ đến triết học về cái vô lý khi đọc cuốn tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện (giải Nobel văn chương năm 2000) nhất là những đoạn sau đây:

Mi, mi tiếp tục trèo những ngọn núi. Mỗi khi ngươi lên tới gần đỉnh, mệt nhoài, mi nghĩ đó sẽ là lần cuối cùng. Tới đích, khi sự phấn chấn trong ngươi đã dịu đi, mi cảm thấy không thỏa mãn. Càng đỡ mệt thì mi càng hậm hực; mi ngắm dãy núi nhấp nhô bát ngát, mi lại nảy ra ý muốn trèo. Những ngọn núi mi đã trèo không gây hứng thú gì nữa, nhưng mi tin là sau những dãy ấy, còn ẩn giấu những kỳ quan mà mi chưa biết. Nhưng khi mi trèo lên tới đỉnh, thì mi chẳng phát hiện ra kỳ quan nào cả, chỉ có ngọn gió quạnh hiu thổi mà thôi.

Ảnh: www.goodreads.com

Theo dòng tháng ngày, mi quen với hiu quạnh. Trèo núi trở thành một bệnh kinh niên. Mi biết là mi sẽ chẳng tìm thấy gì, mi bị sự mù quáng thúc đẩy, mi không ngừng trèo được. Trong quá trình biến diễn ấy, hẳn là mi cần có vài niềm an ủi, tự ru mình bằng những ảo tưởng, mi tự tạo ra cho mi những truyền thuyết riêng.

Cuộc hành hương của nhân vật chính đi hết núi này đến núi kia để tìm núi thiêng Linh Sơn phải chăng là cuộc đi tìm cái Đẹp, tìm tri thức Tuyệt đối, đi tìm chính bản thân mình và xã hội, tìm ý nghĩa cuộc đời? Và kết thúc là: “Thực ra, tôi chẳng hiểu gì hết. Thế đó!” Câu giải đáp vẫn chưa có.

Cuộc đời là vô lý. Linh Sơn vọng lại luận văn Huyền thoại Sisyphe (1942) của nhà văn Pháp Camus (1913 - 1960), Giải thưởng Nobel năm 1957. Sisyphe là một nhân vật thần thoại Hy Lạp. Khi chết xuống âm phủ, y bị hành tội lăn một tảng đá lớn lên đỉnh núi; đá lăn xuống sườn dốc, lại phải lăn lên, và cứ vĩnh viễn làm công việc nặng nhọc và vô lý ấy. Camus đã dùng hình tượng Sisyphe để biểu trưng cho triết học của ông: cái vô lý của phận người và vũ trụ. Cảm xúc vô lý xuất hiện khi người ta thấy chẳng có lý do nào thật sự cắt nghĩa được cuộc sống: tất cả đời sống hàng ngày (ăn, uống, thức, ngủ, đại tiểu tiện, mặc quần áo...), danh lợi, quyền lực, yêu ghét, vui buồn, kể cả chân - thiện - mỹ phải chăng chỉ là ước lệ, - tất cả đều bị cái chết xóa đi hết? Theo logic, những tư tưởng ấy phải dẫn đến tự sát. Camus điểm qua những thái độ tinh thần trước vấn đề, tất cả dẫn đến ngõ cụt. Phải chăng chỉ còn cách “tự sát triết học”, khước từ lý trí mà do đó vứt bỏ được cái vô lý. Điều này có thể làm được về phương diện tinh thần; nhưng nếu áp dụng vào đời sống thực tế thì chỉ có cách tự giết mình đi để giết cảm giác vô lý trong mình. Như vậy là hủy diệt con người để chấm dứt vấn đề; đó đâu phải là giải pháp thực sự! Camus khuyên là cần có sự nổi loạn khiến con người luôn luôn chống lại cái vô lý, do đó đem lại một ý nghĩa cho phận người, mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống qua một cuộc đấu tranh luôn luôn bắt đầu lại. Như vậy, con người không hủy bỏ được cái vô lý, nhưng sẽ có tầm cao hơn vì luôn luôn đẩy lên giới hạn của cái vô lý, luôn luôn có sự hứa hẹn của một thắng lợi mới.

Tới đây thì tư tưởng Cao Hành Kiện dường như gặp tư tưởng Camus. Một bên trèo hết núi nọ đến núi kia để tìm một Linh Sơn ảo vọng, một bên chấp nhận thân phận lăn đá với ý thức rối loạn vĩnh viễn để khẳng định tính người. Nhưng thái độ hai nhà văn nói lên sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Hai bên đều xuất phát từ cá nhân chủ nghĩa. Nhưng cái cá nhân của Camus dữ dội, bi quan vì vô vọng, có tính thách thức. Cái cá nhân của Cao Hành Kiện bình thản hơn, hòa với thiên nhiên hơn (nhất là cách viết thường không dùng “tôi” mà dùng “mi, cô ta, anh ấy”), thấm nhuần Phật Lão, lạc quan hơn vì vẫn không ngừng trèo núi tuy biết rằng hy vọng sẽ hão huyền.

Mặc dù tiếp thụ ảnh hưởng phương Tây, Linh Sơn mang nhiều nét văn hóa Trung Quốc. Tác phẩm không hẳn là tiểu thuyết kiểu cổ điển vì không có một câu chuyện kể mạch lạc và có mở có đóng; cũng không phải kiểu tiểu thuyết mới Pháp vì có hàng trăm câu chuyện kể (những mảnh tự truyện, - chuyện những người gặp trên đường, - chuyện những mối tình ngắn ngủi, - chuyện người xưa, chuyện ma quỷ, chuyện triết lý v.v...) rất hấp dẫn.