📞

Vì sao lính Mỹ ‘tháo chạy’ khỏi Afghanistan và Iraq?

Thế Việt 21:00 | 22/09/2020
TGVN. Lầu Năm Góc đang rút hầu hết quân đội khỏi Afghanistan và Iraq. Trải qua nhiều năm chiến tranh, họ không bao giờ đạt được mục tiêu đề ra cho các cuộc xâm lược, mà chỉ mang lại sự hỗn loạn cho các quốc gia này. Tài liệu của Sputnik giải thích một số lý do tại sao người Mỹ sẽ từ bỏ những gì họ đã khởi đầu và lính Mỹ 'tháo chạy' khỏi Afghanistan và Iraq.
Ba lí do khiến lính Mỹ ‘tháo chạy’ khỏi Afghanistan và Iraq. (Nguồn: Sputnik)

Kế hoạch không thể thực hiện ở Afghanistan

Quyết định rút quân đã được Mỹ đưa ra vào mùa Xuân vừa qua. Cho đến nay, chỉ còn lại 8.500 binh sĩ và sĩ quan Mỹ ở Afghanistan, và đến giữa tháng 10, quân số sẽ giảm xuống còn 4.500.

Đây là kết quả của hiệp ước hòa bình giữa chính phủ Mỹ và phong trào cực đoan Taliban. Theo văn kiện này, người Mỹ có nghĩa vụ rút quân khỏi 5 căn cứ quân sự trong vòng 14 tháng. Về phần mình, Taliban cam kết sẽ giải phóng Afghanistan khỏi những phần tử khủng bố.

Đây là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Quân đội Mỹ xâm lược đất nước năm 2001, ngay sau vụ tấn công ngày 11/9, với mục tiêu chống khủng bố quốc tế và Taliban, những kẻ đã che chở cho các thủ lĩnh của Al-Qaeda.

Số lượng quân viễn chinh tăng đều đặn, đạt 110.000 người. Trong 19 năm chiến sự, Mỹ mất hơn 2.300 binh sĩ và khoảng 20.000 người bị thương. Hàng trăm người Afghanistan thiệt mạng trong các cuộc không kích nhầm mỗi năm. Năm 2019, Lầu Năm Góc đã công nhận hơn một trăm nạn nhân dân sự. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, số liệu chính thức khác xa thực tế: số người chết cao hơn nhiều.

Và với tất cả những điều này, theo lời Sergei Sudakov, thành viên của Học viện Khoa học Quân sự, Mỹ vẫn không thể đạt thành công đáng kể trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nhiều giảng viên từ Mỹ đã không huấn luyện đúng cách cho quân đội Afghanistan chống khủng bố. Dù hàng tỷ USD vũ khí và trang thiết bị đã được cung cấp cho đất nước, hàng chục căn cứ huấn luyện được xây dựng, nhưng người Afghanistan chưa bao giờ học được cách chiến đấu.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Sudakov nhận định rằng điều quan trọng nhất không phải là số lượng quân nhân được triển khai trong nước, mà là kết quả của hoạt động. Người Mỹ đã thất bại trong việc không thể làm cho khu vực ổn định và không thể đối phó với nhiều nhóm khủng bố.

Thực vậy, trong suốt những năm Donald Trump làm tổng thống, chưa một vụ tấn công khủng bố nào xảy ra trên đất Mỹ, nhưng cái giá phải trả cho sự “an toàn” này là những tổn thất lớn và liên tục của quân đội.

Không được chào đón ở Iraq

Tình hình cũng không khá hơn ở Iraq, nơi người Mỹ xâm lược năm 2003 với lý do loại bỏ vũ khí hóa học. Washington sau đó cáo buộc Tổng thống Saddam Hussein hỗ trợ các phần tử khủng bố Al-Qaeda.

Liên quân phương Tây đã tiêu diệt quân đội Iraq chỉ trong một tháng. Không có vũ khí hóa học nào được tìm thấy, nhưng một cuộc săn lùng Hussein đã được công bố. Hussein đã lẩn trốn trong khoảng sáu tháng, và cuối cùng bị bắt, bị xét xử và treo cổ. Có vẻ như Mỹ đã đạt được các mục tiêu. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Đất nước chìm vào cuộc nội chiến giáo phái tàn khốc. Do những bất đồng giữa người Shi’ite và người Sunni, các cuộc đổ máu đã bắt đầu, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng.

Người Mỹ, trong khi theo dõi những gì đang xảy ra từ phía sau hàng rào cao của các căn cứ quân sự, đã cố gắng giải quyết tình hình bằng chiến lược “Làn sóng lớn”. Hơn 20.000 binh sĩ được bổ sung đến Iraq để duy trì trật tự. Nhưng cuộc tàn sát giáo phái vẫn tiếp tục.

Ngoài ra, trước sự tăng cường hiện diện quân sự, quân nổi dậy địa phương trở nên tích cực hơn - họ bắn vào các mục tiêu của Mỹ, bắn rơi trực thăng và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Và hàng nghìn người dân của các thành phố Iraq đã thiệt mạng, tổn thất trong quân đội Mỹ cũng tăng lên.

Thực vậy, trong suốt những năm Donald Trump làm tổng thống, chưa một vụ tấn công khủng bố nào xảy ra trên đất Mỹ, nhưng cái giá phải trả cho sự “an toàn” này là những tổn thất lớn và liên tục của quân đội.

Hiện có khoảng 5.000 lính Mỹ ở Iraq. Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ cắt giảm quân số xuống còn 3.000 người. Andrei Chuprygin, giảng viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Phương Đông HSE, giải thích điều này là do binh lính và sĩ quan Mỹ ngày càng cảm thấy ít thoải mái hơn ở đất nước này. Chuyên gia lưu ý: “Gần đây, đặc biệt là sau khi nhà lãnh đạo quân đội Iran Qassem Soleimani bị giết hại ở Baghdad, tình hình của Mỹ ở Iraq không được tốt cho lắm. Các đoàn xe liên tục nổ tung, nhiều vụ tấn công bằng tên lửa nhắm vào các vị trí của quân Mỹ đã xảy ra. Điều này khiến họ không muốn ở lại những khu vực như vậy”.

Người Mỹ đã không hoàn thành nhiệm vụ đặt ra vào năm 2003. Đặc biệt, họ đã thất bại trong việc truyền bá những ý tưởng về dân chủ và chủ nghĩa tự do ở Iraq, những điều vốn cũng “khập khiễng” trong chính nước Mỹ.

Trên thực tế, Iraq đã biến thành một điểm nóng khác. Ông Chuprygin nói: “Người dân Iraq ngày nay chỉ quan tâm đến một điều duy nhất: tồn tại, được mặc quần áo và có thực phẩm, có mái che trên đầu. Có người Mỹ hay không, họ không thèm quan tâm. Tâm lý từ chối ngày càng mạnh mẽ hơn”.

Không từ bỏ hoàn toàn

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia được phỏng vấn đều có ý kiến chung rằng dù giảm bớt sự hiện diện quân sự, nhưng Washington khó có khả năng rút lui hoàn toàn khỏi các tiến trình ở Trung Đông, mà họ chỉ thay đổi chiến thuật sang kiểu hòa bình hơn. Theo ông Chuprygin, thực tế cho thấy Tổng thống Trump đang suy nghĩ nghiêm túc về tính đúng đắn của việc can thiệp quân sự vào công việc của các nước thứ ba.

Theo chuyên gia Sudakov, người Mỹ sẽ không bao giờ hoàn toàn rời khỏi Afghanistan, các công ty quân sự tư nhân sẽ ở lại nước này.

Ông giải thích: “Họ sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề thực tế. Rời khỏi đất nước đồng nghĩa với việc mở cửa biên giới cho những kẻ khủng bố và đánh mất nguồn thông tin tình báo, xóa sạch mọi thứ đã gây dựng bao năm. Người Mỹ không quan tâm đến việc chủ nghĩa khủng bố lan rộng như thế nào trong không gian hậu Xô Viết hoặc ở châu Âu. Họ cần bảo vệ lãnh thổ của mình”.

(Theo Sputnik)