Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã dẫn tới những thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế cũng như trong nhiều thể chế quốc tế. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, dịch bệnh… ngày càng nghiêm trọng cả về quy mô và cường độ, đòi hỏi các nước phải đẩy mạnh hợp tác nhằm giải quyết có hiệu quả các thách thức này. Trong thế giới ngày nay, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được các thách thức đặt ra, mà đòi hỏi phải có sự hợp tác, nhất là hợp tác đa phương. Do đó, ngoại giao đa phương tại các tổ chức, diễn đàn hợp tác quốc tế và khu vực ngày càng được coi trọng.
Trong bối cảnh đó, ngoại giao đa phương của Việt Nam không ngừng được đổi mới toàn diện; được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh, từ ngoại giao Nhà nước tới đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và ngoại giao nhân dân.
Với vị thế và tầm vóc mới, ngoại giao đa phương đang và sẽ có đóng góp thiết thực, góp phần làm cho bức tranh ngoại giao Việt Nam thêm đa dạng, phong phú, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đóng góp thiết thực
Khoảng 10 năm trở lại đây, ngoại giao đa phương liên tiếp gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể, có những đóng góp thiết thực, dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Có thể khái quát những thành tựu của ngoại giao đa phương Việt Nam những năm qua ở 4 góc độ chính sau:
Một là,góp phần tranh thủ được nhiều nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc gia nhập WTO là bước đi rất quan trọng, góp phần giúp nền kinh tế nước ta tiếp cận được với các thị trường rộng lớn của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ; từ đó làm cho dòng thương mại của Việt Nam không ngừng gia tăng, đầu tư nước ngoài cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong những năm qua, Việt Nam đã đồng thời đàm phán, ký kết nhiều FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA)… Với triển vọng triển khai và hoàn tất 17 FTA các loại đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm FTA của khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác, trong đó có 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chiếm trên 80% GDP toàn cầu.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị Cấp cao khóa 31 Hội đồng nhân quyền của LHQ, tháng 3/2016. |
Ngoại giao đa phương đã tận dụng tốt sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế phục vụ cho các ưu tiên phát triển như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối… Vấn đề phát triển tiểu vùng, bảo vệ nguồn nước… đã được chú trọng. Các cơ chế tiểu vùng, liên vùng đã được phát huy để thúc đẩy hợp tác phát triển tiểu vùng, nhất là tiểu vùng sông Mê-công, tăng cường tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với đất nước.
Hai là, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Những năm qua, chúng ta đã lần lượt đảm nhiệm thành công nhiều sự kiện ngoại giao đa phương lớn, có ý nghĩa quan trọng như nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2008 – 2009), vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 2010.
Hàng loạt sự kiện đa phương khác ghi dấu ấn đậm nét của Việt Nam như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (2008), Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN lần thứ 31 (2010), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Đông Á lần thứ 19 (2010), Đại hội UNESCO thế giới lần thứ 8 (2011), Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 (2015), Hội đồng thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013 – 2015, Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016…
Bên cạnh đó, chúng ta còn có nhiều đóng góp thực chất cho các diễn đàn khu vực, liên khu vực như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Hội nghị COP về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, Cuộc họp lần thứ 19 Ủy ban thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) năm 2013… Từ các hoạt động như vậy, không ít chuẩn mực quốc tế đã ra đời và vị thế đất nước không ngừng được nâng cao.
Ba là, là công cụ hữu hiệu, góp phần giúp đất nước triển khai hiệu quả chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hội nghị Cấp cao khóa 31 Hội đồng nhân quyền của LHQ, tháng 3/2016. |
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam từng bước tham gia, đóng góp ngày càng lớn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đã tham gia và phê chuẩn 7/9 công ước chủ chốt của Liên hợp quốc về quyền con người. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh pháp điển hóa các quy định pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế, như các quy định của Công ước chống tra tấn, trong việc bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số hoặc các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Việt Nam cũng đóng góp tích cực cho các chương trình nghị sự phát triển toàn cầu và là một trong số ít quốc gia hoàn thành trước hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Ở khu vực, dù trình độ phát triển còn hạn chế, nhưng Việt Nam đã và đang đi đầu trong việc cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình...
Bốn là, góp phần quảng bá về đất nước, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch… của Việt Nam, khẳng định với bạn bè thế giới về một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đất nước Việt Nam không ngừng đổi mới, năng động và phát triển.
Chủ động và tích cực
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng chủ trương triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các kênh đối ngoại, cả song phương và đa phương, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chiến lược Hội nhập của chính phủ, trong đó xác định “chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi.”
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tháng 1/2016 vừa qua, Đảng ta tiếp tục xác định chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao đa phương nhằm bảo đảm tốt hơn lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc lần thứ 11. |
Việt Nam chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác…
Đây là cơ sở rất quan trọng, cùng với thế và lực mới của đất nước sau 30 năm Đổi mới, đối ngoại đa phương Việt Nam thực sự được nâng lên một tầm cao mới, góp phần giúp Việt Nam khẳng định được uy tín, vị thế của mình trên trường quốc tế, nhất là trong quan hệ với các nước lớn.
Tiên phong trong thế kỷ XXI
Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu với số phiếu rất cao vào các cơ quan quan trọng của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy ban Di sản Thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017) và Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019).
Ở cấp độ toàn cầu, không phải ngẫu nhiên mà khi thăm Việt Nam tháng 5/2015, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã từng khẳng định Việt Nam “có thể là người đi tiên phong thực sự của Liên hợp quốc.”
Ở cấp độ khu vực, hầu hết các nước khu vực đều kỳ vọng Việt Nam sẽ có những đóng góp và tiếng nói lớn hơn, thậm chí là vai trò dẫn dắt trong các hoạt động đa phương khu vực, nhất là trong phạm vi ASEAN.
Với khuôn khổ chính sách ngày càng được nới rộng, với đội ngũ cán bộ làm công tác đa phương trẻ, năng động, tâm huyết, giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ... với uy tín đất nước ngày càng gia tăng, ngoại giao đa phương được kỳ vọng sẽ trở thành một lực lượng tiên phong trong thế kỷ XXI.