Tuy nhiên, tăng lương tối thiểu, giới hạn giờ làm việc và sự chấm dứt Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng nghĩa với sự tăng trưởng kinh tế xuất sắc gần đây của Việt Nam sẽ giảm dần nếu không thay đổi kịp thời.
Việt Nam cần phải tạo ra lực lượng lao động dựa vào tri thức và có tay nghề nếu muốn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Không còn là nước có nền kinh tế được hỗ trợ bởi lao động giá rẻ và giá trị xuất khẩu thấp, giờ đây, đất nước này cần mô hình tăng trưởng mới chú trọng vào chất lượng, năng suất và tri thức.
Mất ưu thế cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo
Việc tăng nhu cầu đào tạo lực lượng lao động ở Việt Nam một phần là do dự báo thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề xuất phát từ việc tăng lương. Ví dụ, ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam có lợi thế về nguồn kỹ sư công nghệ giá rẻ trong một thời gian dài. Một kỹ sư có kinh nghiệm lâu năm về công nghệ thông tin có thể kiếm khoảng 2000 USD/ tháng, bằng một nửa so với các kỹ sư ở nước láng giềng Thái Lan. Tuy nhiên, với mức lương ngày càng tăng, người ta lo ngại rằng các doanh nghiệp sẽ tìm đến các nước có giá nhân công rẻ để phục vụ nhu cầu về công nghệ thông tin của họ.
Hàng năm, Việt Nam vẫn tăng lương tối thiểu. Năm ngoái, mức lương đã tăng lên 13%, nhưng năm nay Chính phủ Việt Nam đã ngừng lại ở mức tăng chỉ 7,3%. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng 10-11%. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ muốn tăng 6,5%.
Việt Nam có thể mất ưu thế trong lĩnh vực chế tạo. (Nguồn: Technologymag) |
Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckardt, Việt Nam còn có thế mất ưu thế cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo. Một trong những thách thức là việc tăng lương, trong khi năng suất vẫn còn thấp. Năng suất lao động của Việt Nam đang tăng trung bình 4%/ năm.
Một nhân tố khác góp phần làm giảm lợi nhuận và kiềm chế tăng trưởng là thời gian lao động. Trong khi làm thêm giờ là phương pháp mà nhiều người lao động dựa vào để tăng thu nhập tối thiểu, Bộ Luật Lao động của Việt Nam giới hạn số giờ làm thêm một nhân viên là 200 giờ mỗi năm. Trừ một số công nhân làm việc trong ngành dệt may, da, chế biến thủy sản, viễn thông, hoặc các lĩnh vực cấp nước, cấp điện, được giới hạn ở mức 300 giờ trong một năm, tức là khoảng hơn một giờ mỗi ngày. Trong khi đó các nhân viên tại Lào có thể làm việc 540 giờ trong một năm, ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và có thể làm việc 860, 1250, và 1850 giờ một năm.
Theo TalkVietnam, cả hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc tại Việt Nam đang vận động Chính phủ để tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba giờ làm thêm tối thiểu, và cho rằng đây là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng. Trong khi đó nhân viên cũng có chung mong muốn như vậy. Một cuộc khảo sát gần đây tại khu công nghiệp Thăng Long tại Hà Nội cho thấy, 97% người lao động muốn có thể làm việc nhiều giờ hơn để tăng thu nhập.
Cần lao động có tay nghề
Theo Bloomberg, TPP được xem là một cơ hội để Việt Nam tăng GDP lên đến 11%; thuế nhập khẩu vào Mỹ và Nhật giảm sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu các hàng dệt may; trong khi ngành thủy sản Việt Nam được hưởng lợi từ cơ chế loại bỏ thuế nhập khẩu đối với tôm, mực và cá ngừ.
Kết quả cuộc khảo sát về triển vọng kinh doanh ở các nước ASEAN năm 2017 của Amcham Singapore cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ tại ASEAN đề cử Việt Nam là điểm đến đầu tư ưa thích của họ. Khá nhiều trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với kỳ vọng về các lợi ích từ TPP. 61% các công ty Mỹ hoạt động tại Việt Nam cho biết TPP có thể làm ảnh hưởng đến địa điểm đầu tư tương lai của họ.
Cùng với việc ông Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định TPP, không giống một số thành viên khác, Việt Nam vẫn tiến lên bằng việc đánh giá thực tế về tương lai của nước này trong một thế giới không TPP. Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện đầy đủ để tham gia vào TPP. Tuy nhiên, nếu không có hiệp định tư do thương mại toàn cầu này, Việt Nam không thể dựa nhiều vào lao động giá rẻ và xuất khẩu để tăng GDP nữa.
Việt Nam cần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề với kỹ năng cao và trình độ chuyên môn sâu. (Nguồn: Reuters) |
Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào lao động giá rẻ và những ngành thâm dụng vốn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được đến ngưỡng mà những nhân tố trên đã trở nên không đủ nữa. Việt Nam cần phải đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động, cải cách giáo dục đại học và nâng cao chất lượng dạy nghề để tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề với kỹ năng cao và trình độ chuyên môn sâu. Việt Nam đang từng bước tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới nơi mà các công nghệ cao sẽ được áp dụng. Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới, tập trung vào chất lượng, năng suất và tri thức.
Kết quả cuộc khảo sát của Amcham cho thấy, 36% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với việc cung cấp nhân lực được đào tạo. 64% cho rằng lao động chi phí thấp hiện nay đã đủ, trong khi chỉ có 23% doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam hiện nay cho biết họ dự định mở rộng thị trường nếu có sẵn nguồn cung cấp nhân lực được đào tạo.
Tại hội chợ việc làm gần đây ở Công viên Công nghệ cao Sài Gòn (SHTP), 23 công ty đã tìm cách để lấp đầy 1.000 vị trí việc làm còn trống. Mặc dù có hàng nghìn người tham dự nhưng chỉ có 70% số việc làm tuyển dụng được nhân sự.
Trong khi đó, Bộ Lao động Thương binh Xã hội của Việt Nam cho biết số người thất nghiệp có trình độ văn hóa tốt đang tăng lên. Tại Việt Nam, tính đến quý II năm 2016 có gần 400.000 người có trình độ văn hóa cao thất nghiệp, một nửa trong số đó có bằng đại học hoặc sau đại học.
Các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực IT, phần mềm và các ngành kỹ thuật cũng bắt đầu lên tiếng về việc thiếu các ứng viên phù hợp và các doanh nghiệp buộc phải xây dựng các chương trình đào tạo nhân viên khá tốn kếm. Nhận thức của các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam về tình trạng này là một bước đi đúng hướng. Liệu mô hình tăng trưởng mới có thể được triển khai trước khi sự thiếu hụt về lao động lành nghề trở thành trở ngại cho sự tăng trưởng ngoạn mục trước đây của Việt Nam hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.