Tại phiên họp, Đại sứ Thụy Sĩ - bà Anne Lugon-Moulin - cho biết nước chủ nhà mà đại diện là Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ đã hoàn tất nhiệm kỳ Chủ tịch của GAF sau 2 năm đầu tiên nhóm này được thành lập. Thực hiện quy định của GAF về việc bầu Chủ tịch luân phiên hàng năm, sau khi tham vấn các quốc gia thành viên, Thụy Sĩ đã quyết định đề cử Việt Nam là nước đầu tiên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch GAF ngay sau nhiệm kỳ của nước chủ nhà.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phạm Hải Bằng. |
Cảm ơn các quốc gia thành viên đã tín nhiệm Việt Nam, Đại sứ Phạm Hải Bằng khẳng định sẽ nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của GAF, làm tốt vai trò cầu nối giữa các quốc gia thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và trước mắt là phối hợp triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp ngữ tại Thụy Sĩ vào tháng 3 tới.
Đại sứ Phạm Hải Bằng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, các vị Trưởng các Cơ quan đại diện ngoại giao thành viên và đặc biệt là cá nhân Đại sứ Anne Lugon-Moulin tích cực hỗ trợ Việt Nam đảm nhận thành công nhiệm vụ Chủ tịch. Ông Henri Eli Monceau - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực của OIF bên cạnh Liên hợp quốc - chúc mừng Đại sứ Phạm Hải Bằng và bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần của Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ tại Hà Nội năm 1997 vì những mục tiêu chung của Cộng đồng Pháp ngữ.Nhóm Đại sứ Pháp ngữ tại Thụy Sĩ tập hợp trên 60 Đại sứ quán các nước tại Bern và các Phái đoàn thường trực bên cạnh Liên hợp quốc tại Geneva là thành viên hoặc quan sát viên của OIF.