Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận vai trò nước chủ nhà của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2017). Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ năm 2006.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế của khu vực và quốc tế vẫn đang trong quá trình hồi phục chậm chạp sau khủng hoảng, vai trò của APEC đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Việc đăng cai tổ chức các hoạt động APEC của Việt Nam cũng đặt ra nhiều trọng trách lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Việt Nam đã sẵn sàng cho năm chủ nhà của APEC 2017 – Đó là khẳng định của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 trong cuộc trò chuyện với phóng viên.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. |
Xin Đại sứ cho biết công tác chuẩn bị cho APEC 2017 đã và đang được triển khai như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Công tác chuẩn bị cho APEC 2017 được chúng ta triển khai rất sớm, có trách nhiệm, ngay sau khi Hội nghị cấp cao APEC 2013 thông qua chính thức việc Việt Nam sẽ đăng cai. Cuối năm 2013 đầu 2014, chúng ta đã thành lập Nhóm công tác liên ngành. Từ giữa năm 2015, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2017, trực tiếp chỉ đạo cho năm APEC 2017.
Trong một thời gian ngắn, nhưng chúng ta đã triển khai công tác chuẩn bị rất tích cực, chu đáo trên tất cả các lĩnh vực nội dung, vật chất, hậu cần, tuyên truyền, lễ tân, đào tạo cán bộ... Chúng ta cũng đã chủ động tham vấn, tranh thủ được sự đồng lòng, ủng hộ rộng rãi của các đối tác quốc tế và các nền kinh tế thành viên APEC.
Dự kiến chúng ta phải chuẩn bị tổ chức cho khoảng 200 hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ, trong đó có 20 hội nghị cấp Bộ trưởng trở lên và Tuần lễ Cấp cao. Như vậy, chúng ta phải chuẩn bị cơ sở vật chất, an ninh, y tế, chỉnh trang đường phố… rất chu đáo, khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, vừa để quảng bá bảo đảm thành công của các hội nghị, vừa để bạn bè có cơ hội tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp và địa phương, quảng bá đất nước.
Hiện chúng ta đang xây dựng cơ sở vật chất ở nhiều tỉnh thành cả nước. Điều quan trọng là chúng ta nâng cao nhận thức của các bộ ngành trong công tác đóng góp về sáng kiến, trong công tác tổ chức bộ máy để chúng ta tổ chức tốt hơn đáp ứng yêu cầu mới của APEC. Chúng ta phải có nhiều sáng kiến hơn với tinh thần mới là chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình.
Đại sứ có thể cho biết chúng ta sẽ chuẩn bị những sáng kiến gì cho năm APEC 2017?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Trong các sáng kiến hiện nay đều tập trung vào các ưu tiên lớn của APEC, phù hợp với yêu cầu mới của tăng trưởng và liên kết. Trong đó, điều quan trọng nhất là tăng trưởng chất lượng. Do vậy chúng ta phải có sáng kiến về tăng trưởng chất lượng, về kết nối, về tái cơ cấu kinh tế rất phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và rất phù hợp với yêu cầu mới của APEC hiện nay.
Chúng ta cũng sẽ có những sáng kiến đặc biệt coi trọng về tăng cường và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các sáng kiến về đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là trong kỷ nguyên số. Việt Nam cũng như những thành viên đang phát triển của APEC rất quan tâm đến giảm khoảng cách phát triển kết nối ở vùng sâu vùng xa, nông nghiệp, an toàn lương thực và an ninh nguồn nước.
Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông báo chí trong việc tổ chức năm APEC 2017?
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Trong thế giới hội nhập và kỷ nguyên công nghệ số, thời đại công nghệ thông tin hiện nay, vai trò của báo chí tuyên truyền là rất lớn. APEC coi đây là mặt trận rất lớn và có hẳn một cơ quan riêng của APEC về truyền thông. Hiện nay, chúng tôi đang cùng với các địa phương, các doanh nghiệp đẩy mạnh thông tin về những lợi ích mà APEC mang lại cho địa phương, người dân, doanh nghiệp chúng ta.
APEC 2017 là cơ hội mang APEC đến với người dân và doanh nghiệp nước ta, cũng như giới thiệu Việt Nam ra với bạn bè khu vực, quốc tế. Chúng ta rất cần tranh thủ đề cao truyền thống nhân văn của người Việt Nam là hiếu khách, tình nghĩa, thể hiện văn hóa hội nhập mới của một Việt Nam năng động, đổi mới.
Năm tới, chúng ta sẽ có nhiều trọng trách nhưng cũng là một cơ hội lớn cho hội nhập của đất nước. Chúng tôi hy vọng công tác chuẩn bị sẽ tạo một cú hích cho Việt Nam phát triển, tăng thêm quan hệ đối tác, thu hút thêm nguồn lực, đồng thời tăng cường quảng bá cho Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!