📞

Việt Nam – “Thiên đường không xa”

22:39 | 21/08/2016
Đó là tên một bộ phim do người Iran làm để giới thiệu về du lịch Việt Nam. Trả lời phóng viên bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc 18 và Hội nghị Ngoại giao 29 (21-26/8), Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch nhấn mạnh du lịch cũng chính là trọng tâm trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Iran.

Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác Việt Nam – Iran?

Về mặt chính trị, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong thời gian qua phát triển tốt đẹp. Sự phối hợp giữa Việt Nam và Iran trong các vấn đề quốc tế cũng rất chặt chẽ. Tuy vậy, hợp tác kinh tế còn nhiều vấn đề. Thứ nhất, Iran vẫn bị cấm vận. Chính vì thế, hợp tác kinh tế, thương mại suy giảm.

Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác kinh tế là rất lớn vì hai nước có nhiều phương diện có thể bổ sung cho nhau. Chính vì thế, trong chuyến thăm tới Iran vào tháng 3/2016, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, hai nước hoàn toàn có thể nâng kim ngạch thương mại lên 2 tỷ USD, trong khi kim ngạch thương mại hiện giờ mới có 100 triệu. Con số gấp 20 lần này hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng Tổng thống Rouhani cũng nói, cả doanh nghiệp hai bên đều phải tích cực và năng động thì mới có thể thực hiện được mục tiêu đó. Nếu không, con số chỉ là trên giấy tờ.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch.

Việc Iran và các cường quốc thế giới đã đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran vào tháng 7/2015, các lệnh trừng phạt được bãi bỏ thì việc trao đổi buôn bán song phương sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy hợp tác giữa hai bên cũng có những khó khăn. Tuy lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ nhưng trên thực tế các ngân hàng vẫn còn nhiều nghi ngại, chưa thực hiện được các giao dịch. Làm việc với phía Iran cũng có những khó khăn bởi vì có những cái mà chúng ta muốn nhanh hơn thì các bạn chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa phải thực sự năng động, quyết liệt nên vẫn phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được con số 2 tỷ USD.

Thưa Đại sứ, trọng tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là gì?

Sứ quán đặt mục tiêu thúc đẩy du lịch lên hàng đầu. Điều này không phải không có lý do khi mà khách du lịch của Iran tới Thái Lan là 700.000 người/năm. Trong khi đó, du khách Iran sang Việt Nam chỉ mới dao động trong khoảng 1.000-2.000 người. Như thế, cứ 500 người Iran sang Thái Lan thì mới có 1 người tới Việt Nam. Điều đó cho thấy tiềm năng về du lịch còn rất lớn.

Ngoài ra, thương mại cũng là một xuất phát điểm tốt cho quan hệ Việt Nam và Iran. Việt Nam có thể bán rất nhiều thứ sang Iran, chẳng hạn hoa quả, nông sản, giày dép... Giày dép Việt Nam được bán rất nhiều ở Iran và được các bạn Iran rất ưa thích. Nhất là giày da hợp tác với các hãng nước ngoài như Nike, Adidas...

Ngược lại, Iran có thể bán nhiều mặt hàng cho Việt Nam như dầu lửa, khí đốt, các sản phẩm hóa dầu. Chính vì thế, như tôi nói ở trên, tiềm năng hợp tác hai bên là rất lớn.

Đại sứ đã triển khai rất nhiều biện pháp sáng tạo để thúc đẩy du lịch?

Có thể xem du lịch sẽ là bước đột phá trong quan hệ giữa Việt Nam với Iran. Người Iran đã sang tới Thái Lan, đã rất gần Việt Nam rồi. Chúng ta có rất nhiều danh lam, thắng cảnh, bãi biển đẹp nên tiềm năng rất lớn. Khi đến Việt Nam để đi du lịch thì người ta còn còn tự tìm thấy tiềm năng khác, sẽ là khởi điểm cho các mối quan hệ trên các lĩnh vực khác.

Khi nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch, Đại sứ quán đã tổ chức hội thảo, mời các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sang để giới thiệu du lịch Việt Nam cho phía bạn. Tuy nhiên, hội thảo thường chỉ giới hạn trong nhóm người. Do vậy, chúng tôi đã tổ chức triển lãm ảnh, mời các nghệ sĩ âm nhạc dân tộc sang biểu diễn. Tháng 1 vừa qua, chúng tôi mời một đoàn làm phim Iran sang Việt Nam để quay một bộ phim về du lịch. Đấy là bộ phim đầu tiên bằng tiếng Ba Tư về du lịch Việt Nam.

Quang cảnh buổi chiếu phim "Thiên đường không xa". (Nguồn: TTXVN)

Có bạn Iran hỏi tôi rằng tại sao lại để người Iran làm phim về Việt Nam? Tôi nói, chúng tôi có rất nhiều đĩa quảng bá du lịch Việt Nam và dễ dàng công chiếu chúng. Tuy nhiên, để người Iran hiểu thì tốt nhất là để người Iran làm phim cho người Iran. Chính vì thế, chúng tôi đã tổ chức chiếu bộ phim đó ở Sứ quán hai lần và mỗi lần có khoảng 300 khách tham gia. Các bạn Iran đều đánh giá rất cao bộ phim cũng như các danh lam, thắng cảnh Việt Nam.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tên phim là “Thiên đường không xa”. Người Iran nói Việt Nam là thiên đường du lịch không xa. Đó là đánh giá của người Iran nên tôi cho rằng nó thể hiện sự khách quan và chắc chắn sẽ tạo được những hiệu ứng tốt.

Sắp tới Sứ quán sẽ tổ chức roadshow đi tới 5 tỉnh của Iran để người Iran hiểu rằng nhắc đến Việt Nam không phải là nói đến chiến tranh nữa, mà đấy là thiên đường du lịch, là tiềm năng để hợp tác. Đó là điều Sứ quán nỗ lực để thay đổi nhận thức của người Iran về Việt Nam. Có người Iran làm trong lĩnh vực du lịch nói với tôi một điều mà tôi cho là rất đáng suy nghĩ: Người Iran rất biết về Việt Nam nhưng không phải như một điểm đến của du lịch, mà như một địa điểm của chiến tranh. Chính vì thế, chúng ta phải làm rất nhiều để thay đổi tư duy đó của người Iran. Lúc đó, chúng ta mới có thể thúc đẩy để hợp tác phát triển được.

Vậy theo Đại sứ, theo chiều ngược lại, người Việt Nam hiểu về Iran như thế nào?

Chiều người Việt Nam hiểu về Iran cũng thế. Nhiều người Việt Nam hiểu rất sai về Iran. Có một chị làm về truyền thông, khi sang Iran có nói với tôi là lúc chuẩn bị đi Iran thì mọi người đều gàn, đều hỏi tại sao lại đi Iran. Và cuối cùng chị ấy đã âm thầm đi mà không dám nói với ai là chị ấy đi Iran cả. Như thế cũng dễ hiểu tại sao người Việt Nam hiểu không đầy đủ về Iran.

Iran không còn chiến tranh. Chiến tranh Iran – Iraq đã kết thúc từ năm 1988, cách đây gần 30 năm. Họ đàm phán về chương trình hạt nhân nhưng không phải chiến tranh như ở Iraq, Syria, Yemen,… Nếu nói đến Iran mà nghĩ đến chiến tranh thì đấy cũng là một lực cản trong việc thúc đẩy hợp tác các mặt với Iran. Vì vậy, chúng ta việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Đó cũng là một cách để khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng phát triển giữa Việt Nam và Iran.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)