Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump ngày 13/7 là hồi chuông cảnh tỉnh với các chính trị gia. (Nguồn: Getty) |
Các chính trị gia từ mọi đảng phái trên khắp châu Âu đã theo dõi vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với cảm giác lo sợ. Nhiều người nhận thấy mối nguy hiểm tương tự cũng đang ngày càng gia tăng ở chính quốc gia của họ.
Không còn là chuyện hiếm
Đón nhận thông tin ông Trump đã cận kề cái chết, các nhà lãnh đạo châu Âu đều cho rằng: "Nếu điều đó có thể xảy ra ở Mỹ, thì cũng có thể xảy ra ở đây".
Theo nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, vụ ám sát bất thành là biểu tượng của "bạo lực làm suy yếu nền dân chủ", đồng thời cảnh báo trên mạng xã hội rằng Pháp cũng không an toàn trước nguy cơ bạo lực này.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh: "Trên toàn thế giới, có những giới hạn không bao giờ được phép vượt qua. Đây là lời cảnh báo cho tất cả mọi người, bất kể là đảng phái chính trị nào, để khôi phục lại phẩm giá và danh dự cho chính trị".
Đối với nhiều chính trị gia châu Âu, vụ tấn công nhằm vào ông Trump không chỉ là lời cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra, mà còn cho thấy bạo lực và ám sát chính trị giờ đây không còn là chuyện hiếm.
Thời gian qua, liên tiếp diễn ra nhiều vụ ám sát chính trị gia. Hồi tháng 5, Thủ tướng Slovakia Robert Fico bị thương nghiêm trọng sau khi bị bắn nhiều phát trong một vụ tấn công có động cơ chính trị. Tháng trước, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bị chấn thương cổ sau khi bị một người đàn ông tấn công khi đang đi bộ qua trung tâm Copenhagen.
Đức chứng kiến một loạt các vụ tấn công bạo lực nhằm vào các chính trị gia, trong đó phải kể đến vụ tấn công nhằm vào ông Matthias Ecke, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 6. Ông Matthias Ecke đã phải nhập viện sau khi bị tấn công trong khi đang dán áp phích vận động tranh cử.
Tại Anh, trong 8 năm qua, 2 thành viên Quốc hội đương nhiệm đã bị sát hại. Nghị sĩ Công đảng Jo Cox bị một kẻ theo chủ nghĩa tân phát xít làm thiệt mạng vào năm 2016 trong chiến dịch trưng cầu dân ý về Brexit và nghị sĩ Bảo thủ David Amess bị một người ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ám sát khi đang gặp gỡ cử tri vào năm 2021.
Sau cuộc bầu cử căng thẳng tại Anh hồi đầu tháng 7 và cuộc tấn công nhằm vào ông Trump, Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle tiết lộ rằng điều duy nhất khiến ông mất ngủ vào ban đêm là suy nghĩ về việc một nghị sĩ khác sẽ bị sát hại.
Ông Hoyle cho biết đã viết thư cho cựu Tổng thống Mỹ để bày tỏ tinh thần đoàn kết, thẳng thắn tuyên bố rằng: "Chúng ta đang trong cuộc chiến với những kẻ cực đoan không tin vào nền dân chủ".
Tình hình an ninh đáng báo động
Nhiều vụ việc vừa qua đã chứng minh, không chỉ các ứng cử viên cực hữu mới là mục tiêu của các hành vi bạo lực và đe dọa.
Cuộc bầu cử Anh vừa qua đã xuất hiện làn sóng đe dọa cử tri và ứng cử viên trên khắp vương quốc này. Đáng chú ý, các nghị sĩ Công đảng đương nhiệm và những ứng cử viên có khả năng trở thành nghị sĩ mới phàn nàn về hành vi của một số người ủng hộ các ứng cử viên độc lập.
Các ứng cử viên của Công đảng cho biết, làn sóng giận dữ và các hành vi đe dọa liên quan đến lập trường của đảng này về xung đột Israel-Hamas, trong đó một số hành vi đã vượt quá giới hạn khiến họ khó có thể chấp nhận được.
Hiện tại, cảnh sát hiện đang điều tra chiến thắng của ông Shockat Adam - ứng cử viên độc lập ủng hộ Gaza đã đánh bại ông Jonathan Ashworth, một thành viên chủ chốt trong Nội các dự kiến của Thủ tướng Keir Starmer, để trở thành nghị sĩ Quốc hội mới của Leicester South.
Trong suốt thời gian vận động tranh cử, các tờ rơi được phát rộng rãi trong khu vực bầu cử này gọi ông Ashworth là "người bỏ lệnh ngừng bắn" và là "người ủng hộ diệt chủng", ngoài ra bức ảnh chụp hình ông được ghép chồng lên hình ảnh trẻ em đang khóc lóc và những đống đổ nát. Các tờ rơi này không thuộc bất kỳ chiến dịch vận động tranh cử nào, là hành vi vi phạm tiềm ẩn luật bầu cử. Phía ông Adam đã phủ nhận mọi trách nhiệm.
Đó không phải là vụ việc bạo lực ngôn từ duy nhất, trả lời tờ The Sunday Times, ông Ashworth cho biết khi đưa cô con gái 10 tuổi của mình đi vận động tranh cử, ông phải đối đầu với một cử tri. Người này nói rằng "mọi người đều khinh thường ông".
Lực lượng cảnh sát đang điều tra thêm về các vụ việc khác trên khắp Vương quốc Anh. Một ứng cử viên giấu tên của Công đảng chia sẻ với Politico rằng trong suốt chiến dịch tranh cử, họ lo ngại về việc đưa con cái của mình vào khu vực bầu cử vì có nguy cơ chúng sẽ bị ngược đãi hoặc đe dọa. Ứng viên này được khuyên không nên đi đâu một mình.
Ứng viên khác tiết lộ thêm rằng các cuộc vận động tranh cử công khai đặc biệt có vấn đề do an ninh không được bảo đảm, khiến một số người rút lui khỏi cuộc đua. Số khác cho biết các cử tri đã bị quấy rối bên ngoài các điểm bỏ phiếu.
Một trong những mục tiêu chính của các hành vi bạo lực ở Anh là ông Nigel Farage - người từng ủng hộ Brexit và là lãnh đạo đảng Cải cách Anh, đồng thời cũng là bạn thân của ông Trump.
Ông Farage từng nhiều lần bị ném đồ uống và các vật dụng khác vào người khi vận động tranh cử nơi công cộng và được bảo vệ 24/7.
Một ngày sau vụ việc xảy ra với bạn thân, ông Farage nhanh chóng chỉ ra sự tương đồng giữa cách ông bị đối xử và cuộc tấn công nhắm vào ông Trump.
"Chúng ta đã thấy điều đó trong chính trường Anh. Những gì chúng ta thấy qua các phương tiện truyền thông chính thống và mạng xã hội là hàng triệu người đang trở nên thù hận. Tôi phải nói với bạn rằng, tôi e là chúng ta không còn cách quá xa khả năng xảy ra những vụ việc tương tự", ông Farage nói với GB News.
Ông Farage cũng cho biết bị tấn công ở nơi công cộng vào tuần trước: "Lần gần đây nhất có người ném đồ uống vào tôi là vào ngày 10/7. Tôi thường không công khai những chuyện này".
Ông Nigel Farage bị ném đồ uống khi vận động tranh cử ở nơi công cộng. (Nguồn: X) |
Tìm kiếm các giải pháp
Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC) diễn ra vào ngày 18/7 tại Cung điện Blenheim ở miền Nam nước Anh là cơ hội để các nhà lãnh đạo châu Âu lên tiếng phản đối bạo lực chính trị sau vụ ám sát Trump. Một trong ba cuộc họp bàn tròn trong khuôn khổ hội nghị này được dành riêng để thảo luận về việc "bảo vệ và đảm bảo nền dân chủ".
Chính phủ của tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đang hy vọng sẽ trở thành tấm gương cho các quốc gia châu Âu khác trong lĩnh vực này sau khi Bộ Nội vụ tiến hành đánh giá nhanh chiến dịch vận động bầu cử vừa qua tại Anh để hiểu bản chất của mối đe dọa mà các ứng cử viên phải đối mặt và mức độ bảo vệ mà họ nhận được.
Bộ trưởng Nội vụ Vương quốc Anh Yvette Cooper khẳng định: "Những cảnh tượng đáng xấu hổ mà chúng ta thấy ở một số khu vực trong chiến dịch vận động bầu cử vừa qua không được phép lặp lại".
Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đã ban hành luật mới để bảo vệ các chính trị gia trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng. Tại Slovakia, các nhà lập pháp thông qua luật mới hồi tháng trước sau vụ ám sát hụt Thủ tướng Fico, theo đó, cấm tụ tập gần nhà của các chính trị gia hoặc trụ sở chính phủ.
Đầu năm nay, chính phủ Anh công bố sẽ chi thêm 31 triệu GBP để bảo đảm an ninh cho các nghị sĩ.
Mặc dù vậy, với nhiều chính trị gia hàng đầu, mối đe dọa vẫn còn quá rõ ràng. Ông Geert Wilders, lãnh đạo đảng Tự do (PVV) cực hữu của Hà Lan, người đã được bảo vệ 24/7 trong nhiều năm qua vì những lời đe dọa rằng ông sẽ bị sát hại, đăng trên nền tảng X: "Những gì đã xảy ra ở Mỹ cũng có thể xảy ra ở Hà Lan. Đừng đánh giá thấp khả năng đó".