📞

Vụ ám sát nhà khoa học Iran đẩy Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden vào thế khó?

Minh Nhật 18:01 | 14/12/2020
TGVN. Rào cản đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong việc thực hiện mục tiêu khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran càng gia tăng sau vụ ám sát nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh.
Nhiều người ở Iran và châu Âu đang hy vọng căng thẳng sẽ sớm hạ nhiệt khi ông Biden lên nắm quyền ở Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Làm cách nào để tránh leo thang căng thẳng khi những người theo đường lối cứng rắn ở Tehran đe dọa sẽ đáp trả bằng vũ lực sau vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh? Câu hỏi này đang ám ảnh các chính trị gia hàng đầu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.

“Tối hậu thư” của Iran

Vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh xảy ra vào ngày 27/11 ở phía Đông Tehran. Hiện vẫn chưa rõ ông Mohsen Fakhrizadeh, người được cho là nhà khoa học hạt nhân quan trọng nhất ở Iran, bị ám sát như thế nào.

Có vẻ như vụ việc xảy ra khi ông đang ngồi trên xe riêng đi thăm bố mẹ vợ ở Absard, cách thủ đô Tehran 90 phút lái xe. Các nguồn tin ở Iran đã đưa ra nhiều kịch bản mâu thuẫn nhau về vụ ám sát này. Một nguồn tin cho rằng ông Fakhrizadeh bị hơn một chục tay súng tấn công, trong khi một nguồn tin khác lại cho rằng ông bị trúng đạn từ một khẩu súng máy điều khiển từ xa đặt bên đường.

Mặt khác, ông Biden sẽ tiếp quản quyền lực từ Tổng thống Donald Trump vào tháng 1/2021. Nhiều người ở Iran và châu Âu đang hy vọng căng thẳng sẽ sớm hạ nhiệt khi ông Biden lên nắm quyền. Tuy nhiên, vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh rất có thể sẽ làm tiêu tan hy vọng đó.

Câu hỏi mang tính quyết định là liệu có thể khôi phục Thỏa thuận Iran được ký vào năm 2015 hay không?

Với tên chính thức là Thoả thuận Hành động chung (JPA), Thỏa thuận hạt nhân Iran là cam kết của Iran về việc đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nhóm nhóm P5+1, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức, nới lỏng các lệnh trừng phạt và thắt chặt quan hệ kinh tế với nước này.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này cách đây 2 năm và chuyển sang chính sách gây áp lực tối đa, triển khai các biện pháp trừng phạt thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Kể từ đó, Thỏa thuận hạt nhân Iran rơi vào bế tắc.

Ngày 2/12 vừa qua, Hội đồng giám hộ ở Tehran phê chuẩn một dự luật mà đã được Quốc hội Iran thông qua, quy định rằng hoạt động thanh sát các cơ sở hạt nhân theo yêu cầu trong thỏa thuận sẽ chấm dứt nếu Mỹ không nới lỏng đáng kể các lệnh trừng phạt đối với các công ty dầu mỏ và ngân hàng Iran trước tháng 2/2021. Đồng thời, các thanh sát viên từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ buộc phải rời khỏi đất nước này.

Luật mới của Iran cũng yêu cầu chính phủ tăng cường làm giàu urani. Thỏa thuận năm 2015 xác lập mức độ làm giàu urani tối đa là 3,67%, đủ để vận hành một nhà máy điện hạt nhân.

Đây được coi là “tối hậu thư” của Iran nhằm yêu cầu Mỹ và các nước châu Âu rút bớt các lệnh trừng phạt chống Iran.

Theo IAEA, Iran đang vượt ngưỡng làm giàu urani (ở mức độ được hy vọng là không quá lớn). Đồng thời, nước này đã tích trữ lượng urani gấp 12 lần mức cho phép. Luật mới yêu cầu chính phủ tăng khả năng làm giàu urani lên mức 20%. Điều đó đồng nghĩa với việc Iran có thể sản xuất vật liệu phân hạch để chế tạo vũ khí chỉ trong vòng vài tháng.

Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ngay lập tức phản đối đạo luật này. Vốn được cho là người ôn hòa, ông Rouhani tỏ rõ quan điểm rằng ông không muốn căng thẳng leo thang. “Chính phủ không đồng ý về dự luật này và cho rằng dự luật này sẽ gây tổn hại đến hoạt động ngoại giao”, ông Rouhani nhấn mạnh.

Rào cản đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong việc thực hiện mục tiêu khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran càng gia tăng sau vụ ám sát nhà vật lý hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh. (Nguồn: Reuters)

Bài toán khó cho ông Biden

Israel và Saudi Arabia từ lâu đã phản đối gay gắt việc nối lại quan hệ Mỹ-Iran. Mặt khác, chừng nào còn trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump có thể sẽ tiếp tục theo đuổi "chính sách tiêu thổ" (tiêu hủy bất cứ thứ gì có thể có ích cho quân địch). Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho người kế nhiệm là ông Biden.

Đối với châu Âu, thỏa thuận hạt nhân Iran lúc đầu là một thành công lớn về chính sách đối ngoại. Họ hy vọng thỏa thuận này sẽ mang lại sự ổn định và cải thiện phần nào tình hình ngoại thương cho một khu vực từ lâu đã rơi vào khủng hoảng và hỗn loạn. Đức, Pháp và Anh đều là những bên tham gia then chốt trong các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận này.

Tuy nhiên, theo cách nhìn nhận của Iran, châu Âu hầu như không có gì để đề xuất trong thỏa thuận này. Giáo sư khoa học chính trị Nasser Hadian, người có quan hệ tốt với các quan chức cấp cao trong Chính phủ Iran, nói rằng Mỹ là bên duy nhất có thể đưa ra quyết định. Ông cũng cho biết người Iran hết sức giận dữ sau vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh.

Có những quan điểm đối lập nhau ở Washington về khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận Iran. Và tất nhiên, những người theo quan điểm của ông Trump kịch liệt phản đối điều này. Các đảng viên Cộng hòa khác có thể đồng ý quay trở lại thỏa thuận trong những điều kiện nhất định. Họ không chỉ muốn làm điều gì đó đối với chương trình hạt nhân của Iran và lực lượng dân quân do Tehran tài trợ, mà còn yêu cầu xóa bỏ thời hạn và biến thỏa thuận Iran thành thỏa thuận vĩnh viễn.

Về phần mình, ông Biden đã đưa ra quan điểm rõ ràng trong chiến dịch tranh cử. Trong một bài xã luận đăng trên CNN hồi tháng 9, ông Biden viết: "Chúng ta cần nhanh chóng thay đổi đường hướng. Điểm mấu chốt là Iran đang tiến gần hơn tới mục tiêu chế tạo được bom hạt nhân so với thời điểm ông Donald Trump nhậm chức".

Vì lý do đó, ông Biden cam kết: "Tôi sẽ chỉ cho Tehran một con đường đáng tin cậy để quay trở lại biện pháp ngoại giao". Theo ông Biden, bước đầu tiên là Iran phải tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hạt nhân. Khi đó, Mỹ sẽ quay trở lại thỏa thuận như là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Ông Biden cũng nói rõ rằng những cuộc đàm phán đó sẽ tập trung vào rất nhiều vấn đề, bao gồm cả việc trả tự do cho các công dân Mỹ bị cầm tù và cuộc chiến ở Yemen. Chương trình của ông Biden về cơ bản giống với ý tưởng "thỏa thuận hạt nhân mở rộng" mà Ngoại trưởng Đức Maas đang tìm cách đưa ra.

Mới đây, nhà báo Thomas Friedman của tờ New York Times đã đặt câu hỏi với ông Biden rằng liệu ông có ý định theo đuổi kế hoạch của mình sau vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh hay không. Tổng thống đắc cử Mỹ trả lời: "Sẽ rất khó, nhưng tôi sẽ làm vậy".

Tuy nhiên, điều không chắc chắn nhất vẫn là tình hình ở Tehran. Nước này có một số trung tâm quyền lực khác nhau. Quốc hội và Hội đồng giám hộ sẽ làm theo ý họ hay Chính quyền Rouhani sẽ chiếm ưu thế? Câu trả lời phụ thuộc vào Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Thêm vào đó, không thiếu những lời lẽ hiếu chiến vào lúc này. Một bài báo có tiêu đề "Mạng đền mạng" trên Kayhan, tờ báo theo tưởng bảo thủ của Iran, đã đề xuất một cuộc tấn công trả đũa vào thành phố cảng Haifa của Israel.

Giáo sư Hadian nhận định rằng nếu ông Biden không chấp nhận tối hậu thư mà những người theo đường lối cứng rắn ở Iran đã đưa ra, thì họ cam kết sẽ tiến hành một cuộc chiến quy mô lớn. Đó sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân chưa từng thấy trong không gian và ở khu vực này.

Hiện giới lãnh đạo ở Tehran hiện vẫn tỏ ra khá bình tĩnh khi mà chỉ còn vài tuần nữa là chính quyền Trump mãn nhiệm. Tuy nhiên, xét về dài hạn, những năm vừa qua có thể là thời điểm đánh dấu sự thay đổi về thái độ của Iran.

Thái độ này có thể đóng một vai trò nhất định trong cuộc bầu cử tổng thống Iran ngày 18/6/2021. Ông Rouhani không được phép tái tranh cử và có thể lãnh tụ tối cao Khamenei sẽ dành khoảng thời gian từ giờ cho đến thời điểm đó để đàm phán về khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, khoảng thời gian từ khi lên nhậm chức lãnh đạo Nhà Trắng đến tháng 6/2021 là không nhiều để ông Biden gỡ rối và đạt được một thỏa thuận hạt nhân Iran mới.

(theo Der Spiegel)