“Cách mạng Pháp ngồi ghế bị cáo” là tên một bài nghiên cứu tranh luận mà giáo sư đại học Pháp Maurice Aguihon viết mấy năm trước khi kỷ niệm 200 năm Cách mạng 1789 (Tạp chí Thế kỷ XX, 1985).
Đây chỉ là một trong trăm nghìn ý kiến lên án hoặc bênh vực Cách mạng 1789, của đủ các giới và trong dư luận rộng rãi, không những ở Pháp mà còn ở khắp thế giới.
Vụ án khởi tố cách đây 200 năm sẽ còn kéo dài mãi. Chừng nào con người – cá nhân hay tập thể, dân tộc – còn khát khao tự do và đấu tranh chống áp bức, cuộc tranh luận về cái hay cái dở của Cách mạng 1789 vẫn còn tiếp diễn một cách sôi nổi và mang tính thời sự.
Khi quân Cách mạng đã chặn đứng bọn ngoại xâm ở trận Valmy 1792, nhà văn hào Đức Goethe được chứng kiến sự kiện này đã nói một câu bất hủ: “Từ ngày hôm nay và từ nơi đây đã bắt đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới”.
Tóm tắt những luận điểm của bên nguyên và bên bị đơn không đơn giản. Đại thể, không ít người hiện nay ở Pháp hiểu như sau:
1. Tự do, chính sách tự do, là tốt.
2. Chủ nghĩa Jacobin - hiểu theo nghĩa: chủ trương quyền lực tập trung cao độ, độc tài - là xấu.
3. Cách mạng 1789 về cơ bản là chủ nghĩa Jacobin. Từ đó, những người lên án rút ra kết luận thật đơn giản: cuộc cách mạng ấy là xấu, ai bảo vệ nó là kẻ đáng ngờ, ai bôi nhọ nó là bạn của tự do. Người dân Pháp bình thường, do ấn tượng mạnh của thời kỳ “Khủng bố” để lại, cũng có thể nghĩ như thế vì quên mất diễn biến của lịch sử.
Những luật sư bênh vực cho Cách mạng 1789 dựa vào trình tự sự kiện đưa ra một lập luận có tính thuyết phục. “Khủng bố độc tài” không phải là bản chất của cuộc Cách mạng 1789, một cuộc cách mạng bắt đầu bằng sự khẳng định tự do, bác ái và bình đẳng, qua lời nói và việc làm của nhân dân và những đại diện của họ. Vậy thì xuất phát điểm của một cuộc cách mạng là tự do. Những nhà tư tưởng và chính khách phe hữu lại cho tinh thần khủng bố mặc nhiên ở trong nội dung Khế ước xã hội của Rousseau - triết gia có ảnh hưởng nhất đến phái Jacobin.
Thực tế bác bỏ luận điểm triết học chính trị ấy. Như đã nói ở trên, thời kỳ “Khủng bố” chỉ xuất hiện trong quá trình chống lại sự đàn áp dã man của bọn phản cách mạng, nó không phải là sự thực hiện bản chất của cách mạng. Ngoài ra, điểm lại trong lịch sử Pháp từ 200 năm nay, các chế độ nào lên án Cách mạng 1789 đều là những chế độ độc tài: Hoàng đế Napoléon I, Đệ nhị đế chế, Pétain. Trái lại, những chế độ ít nhiều bênh vực những nguyên tắc 1789 đều tiến bộ hơn.
Những nhà cách mạng Việt Nam đề cao lý tưởng nhân đạo của Cách mạng 1789. Đầu thế kỷ XX, những nhà nho tân học của ta mới bắt đầu làm quen với những triết gia Pháp thời kỳ Ánh Sáng, qua những bản dịch Trung Quốc. Người Việt Nam đầu tiên tuyên truyền phổ biến những nguyên tắc 1789 là Nguyễn An Ninh, học luật ở Pháp về (sau chết trong ngục Côn Đảo). Trong báo tiếng Pháp La Ccloche Fèlée (Chuông rè), ông giới thiệu rất kỹ bản Tuyên ngôn về các quyền con người và công dân, tố cáo thực dân Pháp phản bội lại Cách mạng 1789 của Pháp. Năm 1925, về nước sau nhiều năm lưu vọng hải ngoại. Phan Chu Trinh, trước khi chết đã nói chuyện hai lần ở Sài Gòn về một chính sách bắt nguồn từ lý tưởng 1789. Là người đã đưa cách mạng Việt Nam vào con đường xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Ái Quốc vẫn không quên đề cao Cách mạng tư sản 1789 trong Đường Kách mệnh và khi mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập (1945).
Ấy là vì những quyền tự do dân chủ mà Cách mạng 1789 đã đề ra và đạt được không phải là của riêng giai cấp tư sản Pháp (về sau đó có lúc họ phản lại), mà là những thắng lợi có tính chất nhân bản của loài người nói chung.