📞

Xu hướng bảo hộ sẽ không ảnh hưởng đến APEC

09:00 | 10/09/2017
Dù nhận định xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng trên toàn cầu là một thách thức, tuy nhiên chuyên gia kinh tế-tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, xu hướng này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu phát triển bao trùm của các nền kinh tế trong khu vực APEC.
Chuyên gia kinh tế-tài chính Cấn Văn Lực.

Một trong những sáng kiến quan trọng của nước chủ nhà Việt Nam được đưa ra tại Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM 3) lần này là phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Ông đánh giá thế nào về sáng kiến này?

Đây là một trong những sáng kiến nằm trong bốn ưu tiên quan trọng mà Việt Nam cùng các nước đã kỳ công xây dựng từ cuối năm ngoái cho tới đầu năm nay cho Năm APEC Việt Nam 2017. Sáng kiến này cũng đã nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế thành viên APEC.

Tại Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội ngày 28/8 vừa qua, các nền kinh tế đã tập trung thảo luận ba nội dung quan trọng: mức độ bao trùm về kinh tế, bao trùm về tài chính, bao trùm về xã hội. Diễn đàn đã nhấn mạnh tính kết nối cũng như sự lan tỏa giữa ba cấu phần này. Đồng thời, Diễn đàn cũng điểm lại những thành tựu về bao trùm kinh tế, bao trùm tài chính và xã hội giữa các nền kinh tế APEC cũng như những vấn đề tiếp theo cần tiếp tục được xử lý.

Nhìn chung, nếu đánh giá về tăng trưởng bao trùm trên cả ba phương diện này thì ở các nền kinh tế APEC, dù đã có nhiều tiến triển trong thời gian qua nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi mức tăng trưởng mới chỉ dừng ở mức độ trên mức trung bình của thế giới.

Tôi lấy ví dụ như về bao trùm tài chính, nếu như mức bình quân của thế giới là 60% số người trưởng thành có tài khoản ngân hàng thì khu vực APEC dao động khoảng 69%, cao hơn bình quân thế giới không nhiều. Rõ ràng, APEC vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Bên cạnh đó, vấn đề bất bình đẳng về thu nhập, bất bình đẳng trong các dịch vụ kinh tế, tài chính và xã hội vẫn còn tương đối cao và đang có xu hướng tăng lên. Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, dù khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các nước đã thu hẹp lại nhưng trong bản thân nội bộ từng nước lại đang có xu hướng tăng lên. Vì vậy, trước mắt mỗi nước cần tập trung giải quyết các thách thức trong nội bộ của mình, đặc biệt là thu hẹp khoảng cách về chênh lệch thu nhập, giàu nghèo giữa các thành phần kinh tế.

Có thể nói, Diễn đàn lần này do Việt Nam tổ chức là cơ hội rất tốt để cho các nước tiếp tục hoàn thiện các công việc đã nêu ra từ đầu năm, tạo nền tảng quan trọng để chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.

Trong các nền kinh tế APEC, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện trong thời gian vừa qua, về cả ba mảng kinh tế, tài chính và xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử như trên lĩnh vực kinh tế, để có được nền kinh tế tăng trưởng bao trùm, chúng ta phải thúc đẩy nhiều hơn nữa để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ trong xã hội, nâng cao năng lực của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị …

Về tài chính bao trùm, rõ ràng chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển. Hiện nay số người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chỉ khoảng 40%, thấp hơn so với bình quân của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về bao trùm xã hội, sự tham gia của các thành phần xã hội trong tiếp cận dịch vụ, đặc biệt là mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần bàn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quan tâm hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người khuyết tật, sinh viên… Sự tham gia của phụ nữ trong quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải được thúc đẩy nhiều hơn.

Cuối cùng, tăng trưởng bao trùm phải đi đôi với phát triển bền vững. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường cũng cần được quan tâm và chú trọng.

Ông nói nhiều đến thách thức, vậy triển vọng thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm trong khu vực APEC như thế nào?

Nhìn chung, triển vọng đang rất tốt vì các nước đều đạt được tiếng nói chung. Trong các chương trình nghị sự vừa qua, các nước đã thống nhất những việc cần phải ưu tiên làm trước và làm sau, tập trung nhấn mạnh việc giảm mức độ chênh lệch về thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế, tăng cường kết nối để cùng phát triển.

Tôi tin tưởng, thông qua các chương trình hoạt động thiết thực của mình, các nền kinh tế trong khu vực sẽ đi đến thống nhất và đưa ra một chương trình, lộ trình hành động cụ thể, dài hơi. Đây cũng là một cấu phần rất quan trọng để góp phần vào Tầm nhìn của APEC 2030 mà các nước đang thảo luận cũng đóng góp cho việc hoàn thiện văn kiện của Hội nghị các quan chức cấp cao APEC tới đây tại Đà Nẵng.

Trong khi các nền kinh tế APEC đang nỗ lực thúc đẩy toàn cầu hóa, tự do thương mại và đầu tư thì trên thế giới, chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại lại đang có xu hướng gia tăng. Xu hướng này có gây cản trở đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bao trùm của các nền kinh tế trong APEC hay không?

Có thể nói đây là một trong những nội dung quan trọng mà các chương trình nghị sự của APEC vừa qua đề cập đến như một thách thức. Tuy nhiên, tôi cho rằng, xu hướng này sẽ không ảnh hưởng nhiều vì tại Hội nghị SOM 3 tại TP. Hồ Chí Minh, các nền kinh tế thành viên APEC đều đã đi đến thống nhất là tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do.

Rõ ràng, tự do thương mại đã góp phần giảm chênh lệch về thu nhập, chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước. Thương mại tự do cũng góp phần tạo ra việc làm, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của từng nền kinh tế trong APEC. Lấy Việt Nam làm ví dụ, nhờ có tự do thương mại, hiện nay, chúng ta đang có độ mở về kinh tế khá lớn, xuất nhập khẩu của Việt Nam đang chiếm khoảng 170% quy mô của nền kinh tế, đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là một kênh quan trọng.

Tôi cho rằng, các nền kinh tế thành viên cần kiên trì theo đuổi, thúc đẩy tự do hóa thương mại. Ngoài ra, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc phát triển thị trường, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông nhận định như thế nào về mức độ cam kết của Mỹ đối với tự do thương mại?

Tôi nghĩ Mỹ vẫn đang ở trạng thái nghe ngóng và tại các Hội nghị SOM lần này, đoàn Mỹ cũng đã đóng góp một số ý kiến quan trọng. Về cơ bản, Mỹ sẽ không đi ngược lại với xu thế tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang muốn đàm phán lại một số các hiệp định để đảm bảo thương mại trở nên bình đẳng hơn và phục vụ nhiều hơn cho lợi ích của nền kinh tế Mỹ. Tôi nghĩ đây là quyết định riêng của Mỹ và các nước nên tôn trọng.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)