Người dân hai nước Armenia-Azerbaijan từng là đồng bào chung sống cạnh nhau trong thời kỳ Liên Xô cũ. Tranh chấp lãnh thổ khu vực Nagorno-Karabakh bắt đầu nổ ra vào cuối những năm 1980. Cuộc chiến dai dẳng với nhiều cuộc nổi loạn đã để lại nhiều vết thương cho người dân nơi đây suốt nhiều thập kỷ qua.
Xung đột Armenia-Azerbaijan đã để lại biết bao nỗi đau và tiếp tục dấy lên sự thù địch giữa hai quốc gia. (Nguồn: AP) |
Trong hai tuần qua, những nỗi đau chưa kịp lành từ 40 năm trước lại bị khơi dậy bởi một cuộc chiến thời hiện đại với những chiến hào, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các cuộc oanh tạc bằng pháo.
Hơn 500 quân lính và người dân Armenia đã thiệt mạng, cùng với đó là số thương vong chưa xác định từ phía Azerbaijan. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Moscow ngày 10/10 đã không còn hiệu lực khi cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm, khiến tiếng súng dường như không bao giờ dừng tại khu vực này.
Cuộc chiến đẫm máu
Trong diễn biến của cuộc xung đột lãnh thổ Nagorno-Karabakh, phía Azerbaijan tỏ thái độ kiên quyết muốn giành lại vùng đất mà họ cho là đã bị Armenia chiếm đóng từ những năm 1990. Cuộc chiến này được xem như cuộc tranh chấp đẫm máu nhất thế kỷ tại khu vực Nam Caucasus (nằm giữa châu Âu và châu Á, giữa biển Đen và biển Caspian).
Các chuyên gia đánh giá, tình hình xung đột hiện tại có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với những hậu quả không thể lường trước. Nhiều quốc gia lân cận đã có động thái can dự vào vấn đề này, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Azerbaijan, đồng thời là một thành viên của NATO; Nga - vốn có hiệp ước quốc phòng với Armenia và cả Iran - với biên giới giáp với miền Nam nước này.
Đối với người dân trong khu vực, cuộc chiến này là sự tiếp nối của những tranh chấp về cả lãnh thổ lẫn văn hóa lịch sử, bắt nguồn từ hơn một thế kỷ trước. Quá khứ về một cuộc sống hòa bình giữa người dân Azerbaijan và Armenia dưới mái nhà chung Liên Xô giờ đây đã quá xa vời.
Những góc nhìn tiêu cực
Ông Babayants, một người tị nạn từ Azerbaijan từ năm 1989 cho biết: “Mỗi nước đều muốn khẳng định chủ quyền của mình trên vùng Nargono-Karabakh cho nên, việc chung sống là điều không thể”.
Ở bên kia biên giới, những dải núi xám xanh là địa phận được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, kể từ cuộc chiến tranh vào những năm 1990, nó đã bị kiểm soát bởi Armenia. Phần lãnh thổ này bao gồm cả vùng đất nơi đa số người Armenia sinh sống là Nagorno-Karabakh, cùng vùng đất bao quanh nó và liên kết nó với Armenia.
Trong hàng thập kỷ, các điều phối viên đã tìm cách để trả lại vùng lãnh thổ này cho Azerbaijan, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân Armenia tại khu vực biên giới. Đối với ông Babayants, lịch sử đã cho thấy rằng đây là điều bất khả thi. Về phía Azerbaijan, những mất mát của họ là một bi kịch của quốc gia.
Theo NYTimes, hơn 500.000 người Azerbaijan đã bị trấn áp, đôi khi là bằng các biện pháp bạo lực và trục xuất khỏi vùng đất tranh chấp này. Trong đó, hơn 200.000 người tiếp tục bị ép rời khỏi địa phận của Armenia. 10% người dân Azerbaijan đã mất nhà cửa tại Armenia và các vùng bị Armenia kiểm soát.
Mong muốn của họ là được rời khỏi những khu nhà xập xệ và trở về với cuộc sống vùng quê của mình. Điều này đã trở thành một nguồn lực chính trị mạnh mẽ tại Azerbaijan và giúp lý giải cho sự ủng hộ trong nước đối với những động thái của Tổng thống Ilham Aliyev.
Cả Armenia-Azerbaijan đều giữ vững quan điểm thù địch bởi xung đột đã kéo dài quá lâu và dường như họ đã không còn ký ức về một quá khứ hoà bình. (Nguồn: AP) |
Tấm bi kịch khó tàn
Tuy nhiên, những dấu tích về sự căng thẳng giữa hai nước đã khiến cho người dân Armenia luôn tâm niệm rằng, bất kỳ sự nhượng bộ nào với Azerbaijan xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh đều sẽ mang lại hiểm họa cho họ.
Nhìn lại quá khứ, những người Armenia nói rằng, người Azerbaijan từng dùng bạo lực sắc tộc nhằm vào họ trong và sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đồng thời chỉ ra sự hỗ trợ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nguyên nhân chính, nhất là quá khứ đau buồn về tội ác diệt chủng năm 1915. Mặt khác, cũng không thể phủ nhận được những hành động đáp trả bạo lực của người Armenia đối với người Azerbaijan, như việc giết hại hàng trăm thường dân Azerbaijan gần thị trấn Khojaly năm 1992.
Về phần mình, nhiều người Azerbaijan đổ lỗi cho những chính sách của Armenia dưới thời Thủ tướng Nikol Pashinyan, vì đã khiến hai nước giải quyết căng thẳng bằng quân sự. Trong khi Azerbaijan thua cuộc trong cuộc chiến kết thúc vào năm 1994, tiềm lực kinh tế của nước này trong những năm gần đây đã cho phép họ xây dựng quân đội hùng mạnh với những vũ khí tối tân nhất, như máy bay không người lái có vũ trang và các loại vũ khí tinh vi khác mua từ Israel, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Mà những thứ này hoàn toàn vượt quá khả năng của Armenia.
Cả Azerbaijan và Armenia đều giữ vững quan điểm thù địch bởi xung đột đã kéo dài quá lâu và dường như họ đã không còn ký ức về một quá khứ hoà bình. Hai bên đều đáp trả nhau bằng những lời lẽ không mấy thân thiện, liên tục đôi co với báo giới về tình hình cuộc chiến tại khu vực Nagorno-Karabakh và sử dụng mạng xã hội để thể hiện quan điểm, cũng như tung ra các video để tôn vinh những chiến tích trên tiền tuyến.
Serob Smbatyan, 30 tuổi một bác sĩ tim mạch sống tại thành phố Kapan, miền Nam Armenia, từng phục vụ trong quân đội ở Nagorno-Karabakh, cho biết: “Tôi không thể nghĩ ra hai dân tộc nào trên thế giới căm ghét nhau nhiều hơn người Armenia và Azerbaijan.”
Thomas de Waal, một nhà báo, chuyên gia người Anh, nổi tiếng với tác phẩm phân tích về khu vực Nagorno-Karabakh mang tên “Black Garden” (tạm dịch: “Khu vườn đen”), bày tỏ lo ngại rằng Azerbaijan sẽ chiếm ưu thế trong cuộc chiến khi chỉ sau hơn hai tuần, khả năng phòng thủ và các tuyến tiếp tế của Armenia đã hoàn toàn suy yếu. Theo ông, trong trường hợp xấu nhất, Azerbaijan sẽ chiếm đóng toàn bộ khu vực Nagorno-Karabakh, chứ không chỉ đơn thuần là vùng đất cũ của Azerbaijan mà Armenia đang kiểm soát.
Trong khi nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối, nhà báo Thomas de Waal lại cho rằng, quá khứ chung sống hòa bình giữa người Azerbaijan và Armenia dường như chỉ là sự ảo tưởng, bởi họ đã và vẫn luôn tồn tại ở hai thế giới song song chưa từng có điểm chung.
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. |
| Armenia-Azerbaijan: Iran có thể tham gia xung đột Nagorno-Karabakh, tuyên bố không dung thứ những cuộc tấn công tiếp diễn TGVN. Báo Vzglyad của Nga ngày 16/10 đăng nhận định của chuyên gia phân tích chính trị Semyon Baghdasarov cho rằng, cùng với Nga và ... |
| Tổng thống Aliyev: Cuộc chiến với Armenia là cuộc chiến giải phóng Azerbaijan TGVN. Ngày 16/10, Sputnik đăng tải bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliye với hãng thông tấn Rossiya Segodnya của Nga ... |
| Azerbaijan nói về việc lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ TGVN. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố, Baku và Ankara chưa ... |