📞

Xung đột Azerbaijan - Armenia: Cách một kẻ yếu chiến đấu trong chiến tranh hiện đại

Lê Ngọc 10:00 | 04/04/2021
Cuộc chiến Azerbaijan - Armenia năm ngoái tại Nagorno-Karabakh đã chứng tỏ việc sử dụng thành thạo công nghệ quân sự hiện đại cho phép các quân đội và quốc gia nhỏ tránh sa lầy vào một cuộc chiến hao người tốn của.

Đầu cuộc chiến Nagorno-Karabakh năm 2020, nhiều binh sĩ Armenia tưởng họ sẽ đối mặt với một cuộc chiến tương tự cuộc chiến mà họ đã giành thắng lợi hồi năm 1994. Nhưng trên thực tế, công nghệ quân sự mới đã làm thay đổi tất cả...

Sự xuất hiện của các vũ khí cảm tử lưu động thực sự thay đổi bộ mặt chiến tranh. (Nguồn: Forbes Times)

Phán đoán sai của Armenia

Với kho vũ khí lớn, xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 do Nga chế tạo và được bao phủ bởi một mạng lưới các hệ thống tên lửa phòng không tầm cao S-300, người Armenia chắc rằng sẽ chiếm ưu thế hoặc ít nhất là giữ trận tuyến phòng ngự một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, họ đã hoàn toàn thất thủ trước Azerbaijan, vốn chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến tranh hiện đại, chứ không phải lặp lại cuộc chiến trước đây.

“Mặc dù có một số tính toán, phán đoán trước khi chiến tranh bùng nổ, nhưng các lực lượng Armenia đã bị mất tinh thần bởi một phương cách chiến tranh không liên quan gì đến phương pháp tiêu hao hỏa lực cũ học theo cách của Liên Xô cũ vào năm 1994.

Quân Armenia đã thất thủ cả về cục diện chiến tranh lẫn tinh thần và sau đó bị tiêu diệt", tác giả Eric Chan đánh giá trên tờ The Diplomat.

Azerbaijan được ghi nhận là đã đạt được điều đó chủ yếu thông qua việc sử dụng các vũ khí cảm tử lưu động (suicide drone, hay kamikaze drone, còn được gọi là máy bay không người lái tự sát - kamikaze).

Những phương tiện chiến tranh mới như Harop - có nguồn gốc Israel và máy bay không người lái Bayraktar TB2 - do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, được trang bị đạn thông minh dẫn đường chính xác.

Một số phóng sự gần đây đã phác họa cách Azerbaijan sử dụng máy bay không người lái Harop để tàn phá hệ thống phòng không của Armenia.

Chiến thuật và phương pháp này hoàn hảo ở sự đơn giản tuyệt đối và hiệu quả. Baku đã chuyển đổi các máy bay phản lực cổ điển Antonov An-2 do Liên Xô chế tạo thành mồi nhử được điều khiển từ xa, bay lên bầu trời để nghi binh và đánh lừa, khiến các hệ thống S-300 của Armenia kích hoạt radar, nhờ đó, Harops của Azerbaijan có thể xác định vị trí và tiêu diệt các mục tiêu một cách chính xác.

Ít nhất 6 trong số S-300 đắt tiền của Armenia đã bị phá hủy theo cách này. Đoạn video do các quan chức Armenia công bố đã cho thấy một cách sống động các cuộc tấn công như vậy của Harop.

Khi S-300 bị suy yếu, lực lượng mặt đất của Armenia ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc không kích của máy bay không người lái.

Theo dõi cuộc xung đột, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ghi nhận: Những chiếc TB2 vũ trang, sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ, đã phá hủy các thiết bị quân sự trị giá khoảng 1 tỷ USD của Armenia.

Điều này không hề cường điệu vì có khoảng 240 xe tăng Armenia đã bị phá hủy, trong khi đó, Azerbaijan chỉ mất khoảng 36 chiếc. Ngoài ra, lực lượng Azerbaijan bắt giữ ít nhất 39 xe tăng và 24 xe bọc thép của Armenia.

Khi công nghệ áp đảo số lượng

Baku đã đạt được thành tích ấn tượng với khoản chi tương đối nhỏ cho các loại vũ khí công nghệ cao đã được họ tăng cường theo thời gian. Các vũ khí từ Israel được Azerbaijan mua từ năm 2006 đến năm 2019 có tổng giá trị ước tính khoảng 825 triệu USD.

Gần đây, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tiết lộ, trong giai đoạn 2016-2020 “vũ khí có nguồn gốc Israel chiếm 69% vũ khí nhập khẩu của Azerbaijan”.

Trước chiến tranh, trong c9 tháng đầu năm 2020, Baku đã chi 123 triệu USD mua trang thiết bị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Con số này là rất lớn đối với một quốc gia có quy mô như Azerbaijan, nhưng chắc chắn những vũ khí được mua đã mang lại cho nước này một lợi thế công nghệ cực kỳ quan trọng trước Armenia.

Ưu thế này được duy trì cho đến khi kết thúc cuộc chiến kéo dài 44 ngày giữa hai bên.

Khi người Armenia có nguy cơ mất thành phố Shusha quan trọng về mặt chiến lược ở vùng núi Karabakh, Yerevan dường như muốn gây áp lực buộc Azerbaijan phải thực hiện lệnh ngừng bắn.

Cụ thể, nước này đã sử dụng vũ khí cuối cùng - tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander do Nga chế tạo nhắm vào Baku.

Tuy nhiên, quân át chủ bài của Armenia không gây thiệt hại do Azerbaijan bởi Baku có “bảo bối” công nghệ cao khác.

Hệ thống tên lửa phòng không Barak 8 - sản phẩm do Israel Aerospace Industries (IAI) và Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) hợp tác phát triển đã đánh chặn thành công Iskander.

Một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian đã kết thúc cuộc chiến sau những tổn thất nghiêm trọng về lãnh thổ ở Nagorno-Karabakh đối với Armenia.

Có thể mất nhiều năm phân tích tổng kết và đánh giá mọi khía cạnh của cuộc chiến, nhưng Azerbaijan có thể là một trong những quốc gia đầu tiên chứng minh rằng, trong thế kỷ XXI, các quốc gia nhỏ có thể nỗ lực triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến để bù đắp cho quy mô của họ và chiếm ưu thế rõ ràng so với nhiều đối thủ mạnh hơn.

Chiến thắng mà không thắng

Trong một bài đăng gần đây trên tờ The Jerusalem Post, nhà báo Seth Frantzman đã đặt câu hỏi: Liệu việc Azerbaijan sử dụng các loại vũ khí tiên tiến, đặc biệt là những loại vũ khí cảm tử do Israel chế tạo, rốt cuộc có “dẫn đến ít thương vong hơn cho cả hai bên hay không, bằng cách đẩy nhanh chiến thắng của Azerbaijan, buộc Nga phải vào cuộc như một nhà kiến tạo hòa bình, hoặc giảm thương vong cho dân thường bằng cách cung cấp lái dẫn vũ khí chính xác tốt hơn?”.

Trong khi Baku chắc chắn thắng thế trong cuộc xung đột, họ cũng phải trả giá. Theo tính toán riêng được tiết lộ vào tháng 11 năm ngoái, Azerbaijan đã mất ít nhất 2.783 binh sĩ so với con số 2.317 của Armenia được báo cáo.

Bất chấp những tổn thất trên, Frantzman đã chỉ ra một luận điểm quan trọng. Cuộc chiến Azerbaijan-Armenia hồi năm ngoái hoàn toàn có thể lặp lại cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần thứ nhất, đó là có khả năng kéo dài 6 năm, nếu như Azerbaijan không sử dụng các loại vũ khí tiên tiến.

Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 1994, Nagorno-Karabakh lần thứ nhất đã khiến ít nhất 25.000 binh lính và dân thường của cả hai bên thiệt mạng và khiến khoảng 1 triệu người phải di cư.

Dù luận điểm này cuối cùng được xem xét, lý giải như thế nào, năm ngoái, Azerbaijan đã chứng minh một cách khéo léo cách các quốc gia ít tên tuổi không thể bị đánh giá thấp trong các cuộc chiến tranh thời hiện đại.

(theo Forbes Times)