📞

Xung đột Israel-Palestine: Ngoại trưởng Mỹ và sứ mệnh 'ngoại giao con thoi' ở Trung Đông

Quang Hiếu 13:55 | 31/05/2021
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Đông với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken có đạt được những mục tiêu mà cả Mỹ và cộng đồng quốc tế kỳ vọng?
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại sân bay Quốc tế Queen Alia, thủ đô Amman (Jordan), một điểm dừng chân trong chuyến công du 'ngoại giao con thoi' ở Trung Đông. (Nguồn: AFP)

Trong bối cảnh căng thẳng bùng phát giữa Israel và Palestine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng một trong những mục tiêu chính của ông hiện nay là giải quyết “giai đoạn lơ là” của Washington với người Palestine trong những năm gần đây.

Sứ mệnh không đơn giản

Mới đây, ông Biden đã cử Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gấp rút đến Trung Đông để tìm cách hỗ trợ tái thiết Palestine sau xung đột Israel-Hamas. Đồng thời, Nhà Trắng cũng bày tỏ ý định hồi sinh các nỗ lực đàm phán hòa bình giải quyết căng thẳng Israel-Palestine.

Trong một tuyên bố, ông Biden nhấn mạnh: “Tôi tin rằng người Palestine và người Israel đều xứng đáng được sống một cách an toàn và bảo đảm, cũng như được hưởng các biện pháp tự do, thịnh vượng và dân chủ như nhau. Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao lặng lẽ và không ngừng nghỉ hướng tới mục tiêu đó”.

Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao tại khu vực Trung Đông đang gia tăng rõ rệt. Mới đây ngày 25/5, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng có chuyến thăm Trung Đông để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Chuyến công du “ngoại giao con thoi” kéo dài 4 ngày của ông Blinken (25-28/5) dừng chân ở 4 điểm, bao gồm Jerusalem, Ramallah (Palestine), Cairo (Ai Cập) và Amman (Jordan). Qua đó, có thể thấy chính sách trước mắt của Mỹ với Trung Đông phần nào dựa trên sáng kiến ngoại giao do Ai Cập dẫn đầu, giúp đem lại lệnh ngừng bắn Israel-Hamas hồi tuần trước.

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Đông với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, ông Blinken đã đặt ra những mục tiêu khiêm tốn là giúp xây dựng lại Gaza và giảm căng thẳng ở khu vực Jerusalem đang tranh chấp.

Tuy nhiên, ông Blinken cũng hiểu rằng Mỹ không thể ngay lập tức theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình mà không có hành động cụ thể để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

Với chuyến đi vỏn vẹn 4 ngày, Ngoại trưởng Mỹ chỉ hy vọng tạo ra một “môi trường tốt hơn” để có thể chỉ đường dẫn lối đến các cuộc hòa đàm sau này.

Sứ mệnh hàng đầu của ông Blinken trong chuyến công du này là bảo đảm lệnh ngừng bắn được duy trì và không để cho xung đột, bạo lực nối lại như 11 ngày giao tranh dữ dội giữa Israel và lực lượng Hamas vừa qua, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Đồng thời, ông Blinken cam kết sẽ "tập hợp sự ủng hộ của quốc tế" để xây dựng lại khu vực Gaza bị ảnh hưởng nặng nề, và hứa hẹn rằng không có khoản viện trợ nào đến tay lực lượng Hamas. Thay vào đó, ông cố gắng hậu thuẫn đối thủ của Hamas là chính quyền Palestine (PA) được quốc tế công nhận.

Thế khó của Mỹ

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu là bảo đảm lệnh ngừng bắn được duy trì và thực hiện cam kết của Tổng thống Mỹ Biden về xây dựng mối quan hệ tốt hơn với người Palestine, Ngoại trưởng Blinken rõ ràng có một số thách thức đáng kể cần phải vượt qua, đặc biệt khi không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ với chính quyền Israel.

Chính quyền ông Biden đã rất nỗ lực để tiếp tục nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với Israel. Phía Mỹ cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chuyến công du Trung Đông của ông Blinken là khẳng định “cam kết chặt chẽ của Washington đối với an ninh của Israel” nhằm trấn an đồng minh.

Bất chấp một số lời kêu gọi từ đảng Dân chủ yêu cầu Mỹ ngừng bán vũ khí cho Israel, ông Biden vẫn hứa sẽ giúp nước này củng cố hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) - rất hiệu quả khi đánh chặn tới 90% trong số 4.000 quả rocket được Hamas bắn ra trong cuộc xung đột gần nhất.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại cuộc họp báo chung ở Jerusalem vào ngày 25/5. (Nguồn: AFP)

Thế khó của Mỹ hiện tại là nếu tiếp tục duy trì cam kết của Washington đối với Israel như người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden sẽ gây ra sự bất bình trong giới lãnh đạo Palestine, những người muốn tin rằng chính quyền mới thực sự muốn chấm dứt "giai đoạn lơ là" trong quan hệ giữa Mỹ và Palestine.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt dốc trong quan hệ Mỹ-Palestine là việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2017.

Sự kiện này khiến giới lãnh đạo Palestine phản ứng bằng cách cắt đứt quan hệ với chính quyền ông Trump. Cũng bởi vậy, Palestine hầu như đứng ngoài trong hầu hết các nỗ lực hòa giải Trung Đông gần đây như Hiệp định Abraham dẫn đến bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab.

Mặt khác, sự đối lập bên trong Palestine giữa tổ chức Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas và lực lượng vũ trang Hamas cũng là yếu tố “gây rối” cuộc xung đột.

Nhiều nhà quan sát tin rằng Hamas cố tình “khai hỏa” cuộc xung đột như một phương tiện để nâng cao uy tín rằng họ sẽ lãnh đạo Palestine tốt hơn, sau khi Tổng thống Mahmoud Abbas hủy bỏ vô thời hạn các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội dự kiến diễn ra trong tháng 5.

Do đó, thách thức lớn khác mà Ngoại trưởng Mỹ phải đối mặt khi thực hiện sứ mệnh của mình trong khu vực là tìm cách cung cấp sự giúp đỡ hữu hình cho người Palestine mà không có bất kỳ sự can dự nào với Hamas, vốn bị Washington coi là tổ chức khủng bố.

Xây dựng điều gì đó tích cực

Chính quyền ông Biden cho hay sẽ cùng với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Dải Gaza. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ thực hiện việc này với sự hợp tác của chính quyền Palestine "thông qua việc không cho phép Hamas tái trang bị kho vũ khí quân sự".

Điều này nói thì dễ hơn làm, vì Hamas cho đến nay vẫn là lực lượng thống trị ở Dải Gaza và họ cũng tỏ ra không mấy quan tâm đến việc tham gia một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Mặc dù vậy, sứ mệnh ngoại giao con thoi của ông Blinken dường như đã đem về thành quả tích cực khi nhận được sự ủng hộ ngoại giao và cam kết viện trợ từ các nước Arab đồng minh.

Một trong những kết quả tích cực khác của chuyến đi là kế hoạch mở lại Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem với tư cách là cơ quan đại diện của Mỹ tại Palestine. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện mối quan hệ của Washington với giới lãnh đạo Palestine. Quốc vương Jordan Abdullah trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ ở thủ đô Amman cũng hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch này.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El -isi gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại thủ đô Cairo. Ông Blinken đề cao vai trò của Ai Cập giúp chấm dứt xung đột Israel-Hamas tại Dải Gaza. (Nguồn: Egypt Today)

Tại Cairo, sau cuộc gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Sameh Shoukry, ông Blinken đã đề cao vai trò của quốc gia Bắc Phi này trong việc bảo đảm một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Ngoại trưởng Mỹ ca ngợi Ai Cập là một “đối tác thực sự và hiệu quả” đã giúp chấm dứt xung đột tại Gaza và đang giúp “xây dựng một điều gì đó tích cực” cho khu vực.

Phát biểu trước khi tới Jordan, ông Blinken khẳng định: “Tôi nghĩ chúng ta đều tin tưởng mạnh mẽ rằng người Palestine và người Israel đều xứng đáng bình đẳng, được sống trong an toàn và an ninh để được hưởng bình đẳng về tự do, cơ hội và phẩm giá. Và chúng tôi đang cùng nhau giải quyết vấn đề đó”.

Trong khi đó, Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi cho rằng những diễn biến mới nhất giữa Israel và Palestine đã tái khẳng định sự cần thiết của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên với sự tham gia của Washington.

Tuyên bố của Tổng thống Ai Cập cho biết Washington và Cairo nhất trí tăng cường phối hợp trong việc củng cố lệnh ngừng bắn và khởi động quá trình tái thiết ở Dải Gaza.

Không thể phủ nhận rằng trong chuyến thăm đầu tiên với tư cách Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông, ông Blinken cùng với nỗ lực ngoại giao con thoi của mình phần nào đã đem đến bầu không khí tích cực và triển vọng “hâm nóng” các cuộc hòa đàm giữa các bên.

Tuy nhiên, trong các sứ mệnh đặt ra với ông Blinken, xét về nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza có thể được coi là thành công, thì tham vọng giúp người Palestine mà vẫn "đẹp lòng" Israel vẫn còn nhiều thách thức.

(tổng hợp)