📞

Xung đột Israel-Palestine: Người chiến thắng cuối cùng là… Ai Cập?

Minh Vương 08:00 | 26/05/2021
Vị thế, kinh nghiệm trong dàn xếp căng thẳng Israel-Palestine đã củng cố uy tín của Tổng thống Sisi, cũng như chỗ đứng của Ai Cập tại khu vực và thế giới.

Ngày 20/5, dưới sự trung gian hòa giải của Ai Cập, Israel- Hamas đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn sáng, chấm dứt 11 ngày xung đột đẫm máu, khiến ít nhất 250 người chết và gần 2.000 người bị thương. Người ta nói nhiều đến thương vong của cuộc xung đột, thỏa thuận ngừng bắn mong manh hay tương lai của giải pháp hai nhà nước do Liên hợp quốc đề xuất, mà ít nói đến vai trò quan trọng của Ai Cập. Vậy điều gì đã làm nên thành công cho Cairo? Đó là vị thế và kinh nghiệm.

Thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Quốc vương Jordan Abdullah II ngày 17/5, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah el-Sisi cam kết sẽ hỗ trợ 500 triệu USD để tái thiết dải Gaza sau xung đột Israel-Palestine. (Nguồn: AP)

Vị thế và kinh nghiệm

Vị thế nằm ở chỗ Ai Cập là quốc gia khu vực duy nhất có quan hệ gần gũi với cả Israel và Hamas, lực lượng vũ trang Palestine đang kiểm soát dải Gaza. Từ năm 1948-1973, Ai Cập đã tham gia bốn cuộc chiến với Israel. Sau hiệp ước năm 1979, hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh. Năm 2016, Ai Cập, Israel và Hamas từng liên thủ bất đắc dĩ nhằm tiêu diệt tàn dư của Nhà nước Hồi giao (IS) tự xưng tại khu vực phía Bắc Sinai, gần biên giới dải Gaza.

Cùng lúc đó, Ai Cập vẫn duy trì quan hệ với Hamas. Hamas từng là một phần của tổ chức Muslim Brotherhood do cựu Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi dẫn dắt. Tuy nhiên, sau khi ông Abdel Fatah el-Sisi lên nắm quyền, Hamas đã cắt liên lạc với tổ chức tiền thân để duy trì quan hệ với Ai Cập và các quốc gia Arab khác. Đường biên giới giáp dải Gaza, kiểm soát các dòng hàng cứu trợ, từ thực phẩm tới vũ khí, cũng là ưu thế khiến tiếng nói của Cairo có trọng lượng đặc biệt đối với lực lượng Hamas.

Với vị thế ấy, trong ba lần xung đột gần đây nhất, Ai Cập đều đứng ra dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas và lần thứ tư này không là ngoại lệ. Với kinh nghiệm từ trước, Cairo đã áp dụng một chiến lược ngoại giao khôn khéo để thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas.

Thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Quốc vương Jordan Abdullah II tuần qua, Tổng thống Sisi cho biết đã cử nhà đàm phán sang Israel và dải Gaza, đồng thời gửi đại diện tới hai khu vực này để giám sát triển khai lệnh ngừng bắn. Cairo cam kết hỗ trợ 500 triệu USD tái thiết dải Gaza, cho phép người Palestine bị thương tới Ai Cập qua biên giới Rafah điều trị. Theo Phủ Tổng thống Ai Cập, ngày 22/5,130 xe tải chở 2.500 tấn hàng viện trợ đang tới dải Gaza.

Xung đột Israel-Palestine tạm lắng nhưng thiệt hại nó để lại là vô cùng lớn. (Nguồn: Middle East Online)

Quả ngọt

Vất vả mới ra quả ngọt – chẳng phải ngẫu nhiên mà giới phân tích đều nhận định rằng người chiến thắng duy nhất sau vòng xoáy xung đột vừa qua giữa người Israel và Palestine lại là Ai Cập.

Thứ nhất, thông qua thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas vừa qua, Cairo một lần nữa khẳng định vị thế cường quốc khu vực Trung Đông. Nỗ lực thúc đẩy đàm phán của Ai Cập đã nhận được sự tán dương của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, từ Mỹ, châu Âu và thế giới các nước Arab Hồi giáo.

Thứ hai, thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas đã khẳng định vai trò không thể thay thế của Ai Cập tại khu vực Trung Đông trong chính sách của Mỹ, buộc Washington phải có sự nhìn nhận kỹ càng hơn. Đầu năm 2021 rõ ràng không phải là quãng thời gian dễ chịu với Ai Cập.

Tổng thống Joe Biden cảnh báo sẽ không ngồi yên trước những hành động “vi phạm nhân quyền” của chính quyền ông Sisi. Dù Ai Cập từng là đồng minh quan trọng của Mỹ, song trong 4 tháng đầu nhiệm kỳ, ông Biden chưa có kế hoạch gọi điện cho ông Sisi.

Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hamas được ký kết, mọi chuyện đã khác. Ông Sisi đã có được cuộc điện đàm với ông Joe Biden. Tuy nội dung chính của cuộc điện đàm là tình hình dải Gaza, song Ai Cập cũng đã có cam kết của Mỹ về cải thiện quan hệ song phương.

Đặc biệt hơn, ông Biden khẳng định Washington sẽ nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn nước của Cairo. Tuyên bố này đặc biệt quan trọng với Ai Cập, trong bối cảnh nước này cùng Sudan đang bất đồng với Ethiopia về đập Đại Phục Hưng trên sông Nile.

Một thỏa thuận ngừng bắn chỉ bền vững một khi quá trình triển khai được giám sát và cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Do đó, Ai Cập không chỉ xúc tiến đàm phán về ngừng bắn, mà còn cam kết hỗ trợ, đảm bảo tương lai trước mắt của người Palestine sau xung đột.

Ông Mustafa Kamel el-Sayed, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Cairo nhận định ông Sisi đã chứng minh được tầm quan trọng của Ai Cập tại Trung Đông trong chính sách khu vực của Mỹ.

Thứ ba, thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas đã cải thiện hình ảnh của Tổng thống Abdel Fatah el-Sisi. Những người trung thành đã ca ngợi ông Sisi vì khả năng ngoại giao tài tình, cũng như lập trường ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine. Ngày 21/5, tên của Tổng thống Sisi phủ bóng nhiều kênh truyền thông của Ai Cập. Điều này là rất cần thiết, sau khi ông hứng chịu chỉ trích vì kế hoạch thay thế các khu dân cư bằng nhiều dự án cơ sở hạ tầng tốn kém, song chưa thể cải thiện đời sống của một bộ phận người dân nghèo.

Vị thế, kinh nghiệm trong dàn xếp căng thẳng Israel-Palestine đã củng cố uy tín của Tổng thống Sisi, vị thế địa chính trị của Ai Cập tại khu vực và trên thế giới.

(theo Washington Post)