TIN LIÊN QUAN | |
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về tình hình Darfur | |
Đại dịch Covid-19 chưa xong, Ấn Độ còn phải đương đầu với 'thảm họa châu chấu' |
Covid-19 là cuộc khủng hoảng thách thức nhất mà LHQ phải đối mặt kể từ sau Thế chiến II. (Nguồn: UN media) |
Tác động tiêu cực tới chủ nghĩa đa phương
LHQ đang chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập trong trong năm nay. Thế nhưng do đại dịch Covid-19, năm kỷ niệm đang trở thành một năm khủng hoảng. Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký LHQ, đã gọi đại dịch là "cuộc khủng hoảng thách thức nhất mà LHQ phải đối mặt kể từ sau Thế chiến II".
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có trụ sở tại Geneva đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống virus, song gần đây bị chính quyền Tổng thống Trump chỉ trích về phản ứng chậm trễ và không hiệu quả đối với đại dịch và lập trường của tổ chức này đối với Trung Quốc. Các cơ quan khác của LHQ và các tổ chức quốc tế cũng đang gặp khó khăn để ứng phó với đại dịch.
Cho đến nay, phản ứng của các quốc gia thành viên đối với đại dịch chủ yếu là đơn phương và Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ chưa có nhiều cuộc họp về khủng hoảng này. HĐBA chỉ họp một phiên trực tuyến lần đầu tiên vào ngày 9/4 và sau đó đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ và kêu gọi sự đoàn kết.
Richard Gowan, chuyên gia giám sát công tác vận động của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại LHQ ở New York và Thomas Biersteker, Giáo sư về quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại Viện nghiên cứu chính trị Geneva đã chia sẻ quan điểm về phản ứng của LHQ trước đại dịch Covid-19.
Chuyên gia Richard Gowan cho rằng đại dịch thực sự là một phép thử mang tính quyết định cho sự tồn tại của LHQ trong thế kỷ XXI. Nếu LHQ thành công trong việc hợp tác để ngăn chặn dịch bệnh này và nếu các cơ quan của LHQ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều phối cuộc chiến chống dịch, điều đó sẽ cho thấy giá trị và tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nước yếu và nghèo, cần nhiều hỗ trợ kỹ thuật và kinh tế để vượt qua đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nếu các chính phủ không phối hợp và lựa chọn cách tiếp cận đơn phương, thì điều này sẽ để lại hậu quả tiêu cực đối với hợp tác đa phương trong các vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến quyền con người.
Còn Giáo sư Thomas Biersteker nhận định, phản ứng ban đầu của hầu hết các quốc gia dường như là đóng cửa biên giới và không đề cập hệ thống đa phương. Chủ nghĩa đa phương chắc chắn đang phải đối mặt với một thách thức lớn, nhưng còn quá sớm để kết luận về sự tồn tại.
Căng thẳng Mỹ - Trung là một nhân tố khiến HĐBA khó có thể đưa ra những tuyên bố về đại dịch. (Nguồn: thepigeonexpress) |
Căng thẳng Mỹ - Trung và cạn tiền
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị giải thích sự “tê liệt” của HĐBA ứng phó với đại dịch, chuyên gia Richard Gowan cho rằng, dù phần lớn thành viên HĐBA muốn hành động, phải thừa nhận rằng HĐBA không thể và không nên cố gắng thay thế WHO trong việc chỉ đạo và can thiệp các vấn đề y tế quốc tế.
Nhưng ở mức tối thiểu, HĐBA nên phản ứng với tác động có thể xảy ra của đại dịch đối với sự ổn định và an ninh ở các khu vực như châu Phi và Trung Đông.
Lý do chính khiến HĐBA không hành động là căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ đã nhấn mạnh rằng bất kỳ nghị quyết nào của HĐBA về căn bệnh này đều cần nêu rõ nguồn gốc của dịch xuất phát từ Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh không thể chấp nhận. Các cường quốc hàng đầu thế giới đang đắm chìm trong một trò chơi đổ lỗi trong thời khắc khủng hoảng.
Căng thẳng Mỹ - Trung về cơ bản là một trò chơi đổ lỗi giữa hai nước, trong đó Mỹ cố gắng buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, điều này khiến cho việc hợp tác đa phương trở nên khó khăn.
Về phản ứng của các cơ quan khác ngoài HĐBA, chuyên gia Richard Gowan đánh giá, hệ thống của LHQ chưa phản ứng nhanh trong việc nắm bắt quy mô khủng hoảng. Ngay cả đến giữa tháng 3, rất nhiều quan chức LHQ ở New York vẫn không nhận thức đầy đủ về tác động chiến lược của đại dịch.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Guterres và LHQ sau đó đã phản ứng nhanh hơn. Một loạt tuyên bố của Tổng Thư ký về hệ lụy an ninh, kinh tế, xã hội của đại dịch đã cho thấy tầm nhìn xa hơn nhiều lãnh đạo các quốc gia.
Và ở cấp độ làm việc, các quan chức nhân đạo, hòa bình và các chuyên gia của LHQ hiện đang rất nỗ lực tìm cách giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng.
Liên quan đến tình hình ngân sách của LHQ, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu đối với đóng góp tài chính của các quốc gia thành viên và trên thực tế, khủng hoảng thanh khoản tài chính đang diễn ra ở Geneva.
WHO bị thiếu hụt tài chính trầm trọng. Khi được thành lập, 100% chi phí hoạt động của tổ chức này là từ các khoản đóng góp của các nước thành viên, nhưng con số đó hiện dưới 20%.
Về lâu dài, các nước nghèo sẽ cần nhiều viện trợ phát triển hơn để đối phó với hậu quả của dịch Covid-19, giống như các chính phủ đang phải cứu trợ trong nước và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm ngân sách viện trợ phát triển ra nước ngoài.
Trong những tháng tới, sẽ có những cuộc tranh luận gay gắt tại LHQ, vì các nước nghèo kêu gọi một khoản viện trợ lớn để giúp phục hồi hậu khủng hoảng, trong khi các nước tài trợ lại nói rõ rằng họ đã cạn tiền.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giám đốc Văn phòng LHQ tại Geneva Tatiana Valovaya cảnh báo về dòng tiền của LHQ đã giảm mạnh do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng khiến việc cải tạo tòa nhà Palais des Nations lịch sử ở Geneva (cần khoảng 850 triệu CHF) đã bị đình trệ, điều này sẽ ảnh hưởng đến thời hạn khánh thành, dự kiến vào năm 2024.
Trụ sở của LHQ không hoàn toàn đóng cửa nhưng hầu hết nhân viên đều làm việc tại nhà, tương tự như ở Geneva. Hội nghị Giải trừ quân bị và Hội đồng Nhân quyền LHQ đã phải tạm dừng các phiên họp. Hầu hết các hội nghị và cuộc họp khác, như Hội nghị Lao động Quốc tế, đã bị hủy bỏ.
Được biết, hằng năm, có khoảng 12.000 hội nghị và các cuộc họp được tổ chức tại Geneva.
| LHQ kêu gọi tinh thần đoàn kết toàn cầu chống đại dịch Covid-19 TGVN. Ngày 18/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi toàn thể người dân trên toàn thế giới cần đoàn kết ... |
| Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để tập trung đối phó dịch Covid-19 TGVN. Ngày 3/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu, hối thúc các ... |
| Đại hội đồng Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua nghị quyết về chống đại dịch Covid-19 TGVN. Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 2/4 đã thông qua nghị quyết về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó ... |