1. Vai trò của ASEAN lên cao trong năm Việt Nam làm Chủ tịch
Việt Nam có quyền tự hào khi nhìn lại một năm làm chủ tịch ASEAN. Sự gắn kết ngày càng gia tăng giữa ASEAN với châu Á nói riêng, các cường quốc trên thế giới nói chung đã tạo thế cho quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, tạo điều kiện để các nước thành viên mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Từ nay, ASEAN đã có một sức mạnh mới, một vị thế mới mà nói như một nhà bình luận nổi tiểng của tờ The Nation thì “những nước lớn đều đang muốn thích nghi với tầm nhìn của ASEAN”.
2. Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên
Đỉnh điểm của những căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên trong năm qua “phát nổ” vào ngày 23/11, khi Triều Tiên bắn khoảng 200 quả đạn pháo vào hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Tiếp đó, hàng loạt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật, tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc ... cộng với “ngòi nổ” từ vụ chìm tàu Cheonan hồi tháng 3 khiến nguy cơ chiến tranh không thể không được tính đến.
3. WikiLeaks làm thay đổi ngoại giao thế giới
Đêm 28/11 được gọi là “sự kiện 11/9 về ngoại giao” khi hàng trăm nghìn trang tài liệu mật liên quan tới nhiều quốc gia, đặc biệt là vai trò ngoại giao của Mỹ trong các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan... đã bị tiết lộ trên trang web WikiLeaks. Vụ việc đã đẩy đến những căng thẳng trong chính giới và khiến ông chủ trang mạng Julian Assange “bỗng dưng” nổi tiếng và gặp rắc rối. Sau khi bị bắt tại Anh với cáo buộc cưỡng bức và quấy rối tình dục, Assange đang được tại ngoại nhưng phải đối mặt với lệnh dẫn độ về Thụy Điển.
4. Cuộc chiến tiền tệ lên đỉnh điểm
Thế giới bỗng xôn xao khi Bộ trưởng Tài chính Brazil cho rằng đang xảy ra một cuộc chiến tiền tệ ở cấp độ toàn cầu, khi các nước thi nhau hạ giá đồng tiền để cạnh tranh. Tâm điểm chú ý là hai người khổng lồ Trung Quốc và Mỹ. Bất chấp mọi lời kêu gọi, Trung Quốc chỉ tăng giá Nhân dân tệ một cách cầm chừng và hình thức. Trong khi Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt nếu Trung Quốc không nâng giá nội tệ. Vấn đề tiền tệ tiếp tục làm nóng Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế G20 Seoul. Người đứng đầu IMF cảnh báo, nếu các nước tiếp tục dùng tỷ giá để giải quyết khó khăn kinh tế, thế giới sẽ đến lúc đối diện với một cuộc chiến tiền tệ thực sự.
5. Mỹ rút quân khỏi Iraq, tăng lực lượng cho Afghanistan
Cam kết của Mỹ ở Iraq - từ nỗ lực quân sự của các binh lính sang nỗ lực dân sự của các nhà ngoại giao - vẫn được thực hiện bất chấp thế bế tắc chính trị nguy hiểm và tình trạng bạo lực nổi lên gần đây ở đất nước này. Song song với quá trình rút quân ở Iraq, cái tên Afghanistan lại được nhắc đến nhiều hơn khi Mỹ, quyết định tăng viện đưa tổng số lính Mỹ ở nước này lên tới trên 100.000.
6. Mỹ tăng cường cam kết tại Đông Nam Á và Đông Bắc Á
“Quay trở lại châu Á” được cho là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama kể từ khi ông lên cầm quyền với những tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của ASEAN giải quyết các vấn đề tranh chấp hay tổ chức hàng loạt cuộc tập trận quân sự ở Đông Bắc Á, các chuyến thăm con thoi. Còn nói như Tổng thống Obama thì “Mỹ đã tăng cường liên minh hiện tại, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác mới, siết chặt lại quan hệ với các tổ chức trong khu vực”.
7. Nga – Mỹ kí Hiệp định Start mới
Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới giữa Mỹ và Nga vào những ngày cuối cùng trong năm 2010 gửi đi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân. Đây cũng có thể được coi là thắng lợi ngoại giao và chính trị đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama. START mới, được Tổng thống Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký hồi tháng Tư năm nay, hạn chế số đầu đạn hạt nhân tối đa của mỗi nước xuống còn 1.550 trong vòng 7 năm tới, tức giảm khoảng 30% so với mức giới hạn năm 2002.
8. World Cup lần đầu tiên được tổ chức ở châu Phi
Diễn ra từ 11/6 đến 11/7 trong tiếng kèn vuvuzela inh ỏi và màu sắc độc đáo của các dân tộc châu Phi, World Cup đầu tiên tại “lục địa đen” đã “hút” hơn 300 ngàn lượt khách quốc tế với chi tiêu hơn nửa tỉ USD và quan trọng hơn, dẹp tan nỗi lo ngại về an ninh dấy lên trước đó. Và cũng lần đầu tiên, Tây Ban Nha giành cúp vàng thế giới và là đội tuyển châu Âu đầu tiên giành chức vô địch trong kỳ World Cup tổ chức bên ngoài lục địa của mình.
9. Khủng hoảng nợ công lây lan ở châu Âu
Không còn bó hẹp trong phạm vi Hy Lạp, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lan rộng sang Ireland và sắp tới có thể là Italy, Tây Ban Nha rồi Bồ Đào Nha... Trong những ngày cuối năm 2010, tâm điểm Ireland khiến lo ngại về nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino trong toàn khu vực sử dụng EUR. Tương tự các “nạn nhân” trước, những chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm kiềm chế chi tiêu công của Chính phủ Ireland cũng đang phải đối mặt với làn sóng phản đối, bãi công quyết liệt từ người dân. Nhiều người cho rằng đó là do lỗi của các chính trị gia.
10. 33 thợ mỏ Chile được cứu thoát kỳ diệu
Cả đất nước Chile và hàng tỷ người trên thế giới như vỡ òa trong hạnh phúc tột độ khi Luis Urzua, thợ mỏ cuối cùng được đưa lên mặt đất an toàn hôm 14/10. Lần đầu tiên trong lịch sử khai thác quặng mỏ, 33 thợ mỏ bị kẹt sâu 700m trong lòng đất suốt 69 ngày đêm đã được cứu thoát. Đây là biểu tượng của ý chí con người vào niềm tin sẽ được sống, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tinh thần nhân đạo cao cả của nhà cầm quyền Chile đối với từng mạng sống của con người.