1. Thỏa thuận về ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 12/12 ghi dấu ấn lịch sử quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống biển đổi khí hậu của toàn thế giới khi 195 nước dự Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Pháp đã thông qua thỏa thuận nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu, được đánh giá là một bước tiến hết sức quan trọng trong nỗ lực chung nhằm ứng phó hiệu quả với một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất thế kỷ XXI.
2. Khủng bố toàn cầu thay đổi chiến thuật
Khủng bố được xem như một từ khóa chi phối sự quan tâm của thế giới trong năm qua với hàng loạt vụ đánh bom, bắt cóc con tin, xả súng, đặc biệt là các vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (ngày 7/1) và nhà hát Bataclan (ngày 13/11) ở Paris (Pháp), vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập (ngày 31/10)… Chiến thuật khủng bố có nhiều thay đổi, có sự kết nối giữa các nhóm với nhau, tấn công theo hình thức nhóm hoặc có khi theo dạng “con sói đơn độc”, nhằm vào cả những nơi được xem là văn minh nhất thế giới. Điều này kéo theo sự thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với sự tham gia sâu rộng của nhiều quốc gia.
3. Khủng hoảng di cư
Số người di cư đến châu Âu năm 2015 vượt ngưỡng 1 triệu người, trong đó gần một nửa là người Syria, trở thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Dòng người nhập cư vào châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại gây nhiều lo ngại và tranh cãi trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU).
4. Kết thúc đàm phán TPP
Sau hơn năm năm đàm phán tích cực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước thành viên đã chính thức được ký kết vào ngày 5/10. Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ XXI, được kỳ vọng có thể giúp kinh tế toàn cầu gia tăng thêm 300 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với tính chất mở cửa sâu rộng, các tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và xuất xứ nội khối, TPP cũng mang tới nhiều thách thức cho các quốc gia thành viên.
5. Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập
Ngày 31/12, Cộng đồng ASEAN (AC) chính thức ra đời với ba trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, “đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, bảo đảm hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung” (Tuyên bố hình thành AC năm 2015).
6. Trung Quốc xây đảo trái phép ở Biển Đông
Trung Quốc gia tăng các hành động xây dựng và tôn tạo trái phép các đảo và bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, làm leo thang căng thẳng, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, hủy hoại môi trường sinh thái ở Biển Đông. Đây được xem là một phần trong chiếc lược củng cố vị trí của Trung Quốc trên Biển Đông, bất chấp phản đối của các nước trong khu vực và thế giới.
7. Nhân dân tệ chính thức vào giỏ tiền tệ IMF
Ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết định bổ sung Nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế, từ ngày 1/10/2016. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc trên con đường tăng cường ảnh hưởng quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu.
Tất nhiên, Trung Quốc sẽ còn phải trải qua con đường dài, khó khăn để quốc tế hóa đồng nội tệ. Tuy nhiên, từ nay, Nhân dân tệ có điều kiện tác động tới các nền kinh tế khác, Trung Quốc sẽ không chỉ xâm nhập thị trường toàn cầu bằng hàng hóa giá rẻ mà còn bằng chính đồng tiền của họ.
8. FED lần đầu tiên tăng lãi suất từ năm 2008
Ngày 16/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 0,25%-0,5%, sau bảy năm duy trì ở mức 0–0,25% kể từ tháng 12/2008, sau khi hạ lãi suất để kích thích kinh tế trong thời kỳ Đại suy thoái.
Với tình hình kinh tế hiện tại, FED cho biết sẽ nâng lãi suất với lộ trình từ từ, hướng tới mục tiêu 3,5% trong dài hạn. Tuy nhiên, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, những gì xảy ra ở Mỹ gây tác động tới nhiều nơi trên khắp thế giới. Việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi. Lãi suất đồng USD cao hơn có thể khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Các nước có thể cũng phải trả nhiều hơn cho những khoản nợ vay bằng USD.
9. Nga can thiệp quân sự vào Syria
Chiến dịch tăng cường quân sự đối phó với khủng bố tại Syria của Tổng thống Vladimir Putin đánh dấu bằng việc Nga bất ngờ tung chiến dịch không kích hàng loạt mục tiêu vào ngày 30/9. Sau ba tháng Nga điều lực lượng tới Syria, giới phân tích thừa nhận, Moscow đang đạt được các mục tiêu đề ra với chi phí thấp và có thể duy trì chiến dịch trong nhiều năm. Với sự trợ giúp của Nga, quân đội Syria đã thu hồi lại một số địa bàn trọng yếu của IS và phiến quân đối lập.
10. Thảm họa kinh hoàng
Các thảm họa do tự nhiên và cả do con người cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người, thiệt hại hàng tỷ USD, đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh địa ngục trần gian. Tiêu biểu là trận động đất kép, cường độ 7,8 độ richter (ngày 25/4) và 7,3 độ richter (ngày 12/5) xảy ra ở Nepal khiến gần 9.000 người chết và khoảng 22 nghìn người bị thương, ước tính gây thiệt hại kinh tế hơn 6 tỷ USD. Về “nhân tai” thì ít nhất 2.411 người hành hương về Mecca, Saudi Arabia bị thiệt mạng trong vụ dẫm đạp ngày 24/9 tại đây, trở thành thảm kịch đẫm máu nhất trong lịch sử Saudi Arabia liên quan đến việc tín đồ Hồi giáo đến kính viếng các thánh địa Hồi giáo trong vương quốc vùng Vịnh.