TIN LIÊN QUAN | |
Bắt đầu thảo luận các nội dung chính tại Hội nghị ISOM | |
Chuyên gia quốc tế đánh giá cao đề xuất của Việt Nam về các ưu tiên trong Năm APEC 2017 |
Tháng 11/1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nhìn lại chặng đường phát triển của Diễn đàn, cũng như tiến trình tham gia của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 tin tưởng, APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò đi đầu thúc đẩy xu thế liên kết kinh tế sâu rộng và Việt Nam sẽ lĩnh hội được những cơ hội và thu về nhiều lợi ích mới.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. |
Thưa Đại sứ, gần 20 năm hội nhập mạnh mẽ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn APEC đã đem lại cho chúng ta những lợi ích thiết thực nào?
Chặng đường tham gia APEC gần hai thập kỷ qua là một giai đoạn mang tầm chiến lược của ta, luôn gắn với những bước đột phá trong công cuộc đổi mới và triển khai đường lối đối ngoại của đất nước, đồng thời mang lại những lợi ích cụ thể, rất thiết thực đối với các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Trước hết, việc tham gia hợp tác APEC và tăng cường quan hệ song phương với các thành viên Diễn đàn góp phần rất quan trọng vào nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của nước ta. Sự tích cực tham gia, đóng góp giải quyết các quan tâm chung của khu vực đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi, thúc đẩy các vấn đề, lợi ích của ta và ASEAN. Đến nay, 13 trong 25 đối tác chiến lược, toàn diện của nước ta là các thành viên APEC, trong đó có nhiều trung tâm chính trị - kinh tế hàng đầu thế giới, như Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore... Toàn bộ thế đan xen lợi ích dài hạn, bền vững chưa từng có đó đã và đang góp phần gia tăng sức mạnh mềm quốc gia, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước.
APEC còn quy tụ hầu hết các đối tác kinh tế, đầu tư, công nghệ, đào tạo nhân lực… hàng đầu của Việt Nam, chiếm khoảng 75% tổng giá trị thương mại quốc tế, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước ta cũng như khoảng 80% du khách nước ngoài đến Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi tiếp cận khoa học, công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, tìm kiếm đối tác chiến lược, tranh thủ nguồn lực, dự án và hỗ trợ của APEC, tham gia các chuỗi cung ứng…, thiết thực góp phần nâng cao nội lực của đất nước và phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong 30 năm đổi mới.
Việc triển khai các cam kết, thỏa thuận hợp tác, đồng bộ hóa chính sách… của APEC đã góp phần tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới trong nước, nhất là hoàn thiện thể chế pháp lý, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nâng cao kiến thức và trải nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập, doanh nghiệp có thêm cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm... Người dân có nhiều lựa chọn nâng cao đời sống, việc làm, hàng hóa, dịch vụ... Thế hệ trẻ có điều kiện học tập, nghiên cứu trong môi trường giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Hiện khoảng 80 % du học sinh nước ta đang học tập ở các nền kinh tế thành viên APEC, nhất là Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Tuy nhiên, để nâng cao sự tham gia, đóng góp của nước ta trong các hoạt động đa phương nói chung và hợp tác APEC nói riêng, chúng ta cũng cần nhận thức đầy đủ những hạn chế, bất cập. Hiệu quả tận dụng các cơ hội mà hợp tác APEC mang lại vẫn còn thấp; đóng góp của ta vào quan tâm chung còn hạn chế, nhất là trong đề xuất ý tưởng, chính sách; sự tham gia của địa phương, doanh nghiệp còn thiếu chủ động; phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ còn thiếu, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…
Cục diện thế giới tiếp tục định hình và một đặc trưng là xu thế hội nhập, liên kết kinh tế đa tầng nấc. Theo Đại sứ, đặc trưng này tác động thế nào đến hợp tác và vai trò của Diễn đàn APEC?
Bước vào thế kỷ 21, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, tình hình thế giới nói chung và đặc biệt là ở châu Á – Thái Bình Dương chuyển biến hết sức nhanh chóng, có nhiều phát triển mang tính bước ngoặt. Nổi bật là sự phát triển chưa từng có của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang gia tăng mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, thúc đẩy sự hình thành cục diện hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc, với tư duy, cách tiếp cận hoàn toàn mới, nội hàm hợp tác, quy mô liên kết ngày càng sâu rộng... Các cơ chế hiện có tăng cường liên kết, đồng thời hình thành nhiều cơ chế mới. Đây là một nhân tố rất then chốt góp phần củng cố hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Có thể nói, trong sự phát triển sôi động đó, APEC tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong thích ứng với những xu thế mới, thúc đẩy cải cách và chuyển đổi. Trong các giai đoạn trước, APEC tập trung hợp tác trên ba trụ cột là tự do hoá thương mại và đầu tư, thuận lợi hoá kinh doanh và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Hiện nay, nội hàm hợp tác của Diễn đàn đang chuyển mạnh sang tăng trưởng chất lượng, các vấn đề thương mại – đầu tư thế hệ mới, kinh tế số, kinh tế mạng, thương mại điện tử, kết nối, kết nối các chuỗi cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đào tạo nhân lực … Cách tiếp cận hợp tác ngày càng mang tính liên ngành, nâng lên tầm toàn cầu gắn với nỗ lực ứng phó với các thách thức chung của nhân loại. Nỗ lực cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp tục được đẩy mạnh.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trao đổi với đại biểu dự cuộc họp ISOM APEC (ngày 8/12/2016). |
Vì vậy, vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực thể hiện không chỉ trong việc tiếp tục đi đầu khởi xướng ý tưởng, sáng kiến liên kết, mà còn nâng lên là cơ chế điều phối hợp tác, thỏa thuận thương mại tự do (FTA), nhất là việc thúc đẩy hình thành khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Xây dựng tầm nhìn của APEC sau năm 2020, các thành viên còn xác định cần nâng cao vai trò Diễn đàn lên thành một cơ chế lãnh đạo tầm toàn cầu trong xử lý các thách thức chung, tìm giải pháp cho các quan tâm của người dân và doanh nghiệp.
Thế giới tiếp tục đổi thay rất phức tạp và chỉ còn vài năm nữa APEC sẽ bước sang thập kỷ phát triển thứ tư. Như vậy, với vai trò chủ nhà của APEC 2017, chúng ta cần thể hiện như thế nào để vừa hài hoà lợi ích chung, vừa tận dụng được cơ hội phát triển đất nước, thưa Đại sứ?
2017 được dự báo là một năm khó khăn với rất nhiều ẩn số. Môi trường an ninh, phát triển rất phức tạp, khó đoán định hơn trước. Chưa tìm được giải pháp cho các vấn đề khủng hoảng kinh tế, khủng bố, di cư, thiên tai, trong khi bất bình đẳng xã hội, xu hướng dân tuý, chủ nghĩa bảo hộ... gia tăng. Có thể nói rằng, khác với 25 năm qua kể từ sau Chiến tranh Lạnh, tư duy chính sách, quan hệ quốc tế, tương quan lực lượng kinh tế và chính trị... tất cả đều đang biến đổi, có xu hướng sắp xếp lại. Tuy nhiên, thách thức càng nhiều, nhu cầu hợp tác, liên kết càng lớn.
Diễn đàn APEC cũng đang ở một trong những thời điểm chuyển đổi mạnh mẽ nhất kể từ khi hình thành, đang định hình mục tiêu và hướng đi cho giai đoạn phát triển tiếp theo sau năm 2020. Nhiều nền kinh tế thành viên cũng đang chuyển đổi ở các mức độ khác nhau cả về kinh tế, chính trị, xã hội, 2017 sẽ diễn ra bầu cử ở nhiều nền kinh tế thành viên then chốt. Tình hình đó đòi hỏi nước chủ nhà cần có năng lực quan tâm chung, năng lực sáng tạo, dự báo xu thế, vận động tranh thủ các nền kinh tế khác.
Bài học lớn về hợp tác đa phương của Việt Nam trong suốt chặng đường vừa qua là giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đề cao chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; nắm bắt xu thế, quan tâm chung, tiếp cận và xử lý mọi vấn đề trên cơ sở “mẫu số chung”. Là chủ nhà của Diễn đàn kinh tế lớn, đòi hỏi ta phải xử lý khéo léo, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích khu vực và quốc tế, những khác biệt lợi ích giữa các thành viên đang phát triển và các thành viên phát triển, các vấn đề kinh tế truyền thống với các vấn đề kinh tế - thương mại mới, các vấn đề xã hội, tác động của diễn biến chính trị, an ninh...
Để tận dụng được cơ hội mà APEC 2017 mang lại, cần tiếp tục phát huy bài học về kết hợp chặt chẽ đối ngoại đa phương với đối ngoại song phương, nâng cao tính chủ động của các Bộ, ngành trong đóng góp, đề xuất sáng kiến, khởi xướng ý tưởng đối với quan tâm chung... Những năm tới cũng là giai đoạn nước rút khi nước ta nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, do đó bài toán đặt ra là phải tạo được chuyển biến quan trọng trong việc tham gia hội nhập của địa phương, doanh nghiệp.
Có thể nói, Năm APEC 2017 còn là cơ hội lớn để chúng ta hình thành văn hóa hội nhập bền vững. Từ các hoạt động dày đặc của Năm APEC, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, mọi tầng lớp nhân dân đều có cơ hội để nâng cao cách thức ứng xử, tham gia hoạt động, đề xuất sáng kiến, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam..., trong đó có vai trò rất quan trọng của các cơ quan truyền thông trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Việc nâng tầm đóng góp vào hợp tác APEC thời gian tới và đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là sự kết tinh, hội tụ đường lối hội nhập quốc tế toàn diện, đối ngoại đa phương năng động và hội nhập kinh tế sâu rộng của nước ta, mà trong đó châu Á - Thái Bình Dương là một trọng tâm chiến lược.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 Sáng 8/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã tới tham dự và ... |
Khai mạc Hội thảo về các ưu tiên của năm APEC 2017 Sáng nay, 8/12, Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ... |
CEO các nước APEC đang quan tâm đến điều gì? Các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc nhóm lạc quan nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đầu tư xuyên ... |