40 năm Hiệp định Paris và những bài học trong lĩnh vực ngoại giao

Theo đề nghị của Báo Thế giới và Việt Nam, tờ báo của ngành Ngoại giao, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, tôi rất sẵn lòng góp phần vào sự kiện này vì tự thấy mình là một trong số ít cán bộ ngoại giao đã đi suốt cuộc đụng đầu lịch sử giữa Ngoại giao Việt Nam và Ngoại giao Hoa Kỳ thời ấy. Tôi nghĩ có một việc nên làm là rút ra những bài học của 40 năm trước cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Ông Võ Văn Sung (bìa phải) tiễn Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ.

Sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy của quân dân ta ở miền Nam - Xuân Mậu Thân 1968, Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn buộc phải xuống thang chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc và đề nghị tiến hành đàm phán với VNDCCH. Đón trước cục diện này, từ cuối năm 1967, tại Bộ Ngoại giao ta có một tổ chức mới được thành lập gọi là Vụ 2, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Bộ Chính trị Đảng ta lúc bấy giờ. Vụ 2 do Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chuyên trách, anh Phan Hiền làm Vụ trưởng. Đây là một đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ nghiên cứu đưa ra lộ trình đấu tranh ngoại giao với Mỹ và chuẩn bị các giải pháp chính trị để kết thúc cuộc chiến tranh [1]. Trong Vụ 2 có hai nhóm công tác là Tổ "Giải pháp" và Tổ "Bước đi". Tổ "Giải pháp" do anh Đinh Nho Liêm làm Tổ trưởng chuẩn bị các kịch bản từ cao đến thấp có thể sử dụng vào thời điểm ký kết Hiệp định tùy so sánh lực lượng lúc ấy. Về phần mình, với vai trò là Tổ trưởng Tổ "Bước đi", tôi chịu trách nhiệm nghiên cứu lộ trình kết hợp đàm phán ngoại giao với các bước đấu tranh quân sự trên chiến trường trong mấy năm 1968-1970. Tổ công tác của chúng tôi là đầu mối tập trung nhiều điều cơ mật từ chiến lược đến cụ thể, cả về quân sự, chính trị và ngoại giao, vì vậy chúng tôi làm việc theo một quy chế giữ bí mật nghiêm ngặt nhất, nhằm đảm bảo tính chất bất ngờ và hiệu quả cao trong các đợt "Tấn công ngoại giao" của ta. Từ cuối năm 1970 đến năm 1973, tôi được điều sang Paris trực tiếp tham gia đàm phán; cũng từ năm 1971, Vụ 2 ở Hà Nội đổi tên thành CP50. Công khai về mặt ngoại giao tôi là Tổng đại diện Chính phủ VNDCCH tại Pháp, nhưng nhiệm vụ chính của tôi là tham gia vào nhóm do anh Lê Đức Thọ lãnh đạo đàm phán bí mật với đối tác phía Mỹ là ông Henri Kissinger. Anh Lê Đức Thọ là đại diện toàn quyền của Lãnh đạo Việt Nam đối với tất cả các cơ quan và các phái đoàn chính thức của ta, cũng như các tổ chức thuộc lực lượng kháng chiến hai miền Nam-Bắc Việt Nam tham gia đấu tranh ngoại giao tại Paris. Từ đầu năm 1971 đến cuối Hè năm 1972, nhóm "đàm phán bí mật" do anh Lê Đức Thọ lãnh đạo gồm có anh Xuân Thuỷ, Trưởng đoàn đàm phán VNDCCH tại Hội nghị 4 bên; anh Phan Hiền và tôi được giao trách nhiệm theo sát nắm bắt tình hình trong quá trình thảo luận, xem có điều gì cần anh Thọ lưu ý xem xét; ngoài ra có anh Nguyễn Đình Phương là phiên dịch tiếng Anh và tiếng Pháp. Cuối năm 1972 có thêm một số anh của CP50 từ Hà Nội sang tham gia trong công việc dự thảo văn bản Hiệp định.

Ông Võ Văn Sung sinh năm 1928 tại Đà Nẵng, hiện sống tại Hà Nội. Ông là Đại sứ đầu tiên của VNDCCH tại Pháp và một số nước Tây Âu, đại sứ VN tại Nhật Bản, thành viên đoàn đàm phán bí mật Lê Đức Thọ-Kissinger, thành viên chính thức phái đoàn VNDCCH trong Lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Tác giả các cuốn sách Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris (NXB Quân đội nhân dân-2005), Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh (NXB Chính trị Quốc gia-2010), Câu chuyện "trái nghề" (NXB Thanh niên-2010).

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Có thể nói đây là một mốc son chói lọi nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước mở đường tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Về mặt ngoại giao, Hiệp định Paris đã kết thúc thắng lợi cuộc thương lượng kéo dài giữa phe kháng chiến Việt Nam và Mỹ sau 5 năm Hội nghị 4 bên công khai và sau hơn 2 năm tiến hành thảo luận thực chất trong cuộc "đàm phán bí mật" giữa hai đoàn Lê Đức Thọ và Henri Kissinger 1971-1973. Đây thực sự là việc chưa từng có trong lịch sử thế giới mà ta gọi là "vừa đánh, vừa đàm". Kết quả cuộc thương lượng đã đáp ứng mong đợi của mọi người; nó làm cho toàn thế giới trút được gánh nặng tinh thần và tâm lý đè trĩu hàng chục năm.

Với tư cách là người trực tiếp tham gia ngay từ giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị ở Hà Nội cho đến quá trình đấu tranh ngoại giao tại Paris, tôi cảm nhận rằng sau 40 năm nhìn lại chúng ta có thể thấy rõ hơn và sâu sắc hơn ý nghĩa và giá trị của cuộc đấu tranh tổng lực Chính trị-Quân sự-Ngoại giao thời đó và có thể rút ra những bài học rất có ích cho tương lai.

1. Phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh

Lịch sử nước ta kể từ ngày Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc năm 1941 đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chứng minh rằng linh hồn của mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam là "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng tôi chỉ xin phân tích mấy điểm về "Phương pháp cách mạng" nói chung và "Phương pháp ngoại giao" của Tư tưởng Hồ Chí Minh [2].

Điểm thứ nhất: Xuất phát từ thực tế nước ta là nước nhỏ, trình độ mọi mặt so với các thế lực xâm lược thuộc loại cường quốc thì rõ ràng là chênh lệch rất lớn. Trong lịch sử thế giới ta thấy khi đương đầu với nước lớn, các nước nhỏ thường đi "Cầu viện" và các thế lực "Chi viện" có vai trò quyết định trong cuộc đối đầu và đặc biệt là khi kết thúc. Với bài học của lịch sử, Hồ Chí Minh đã xử lý đúng đắn và sâu sắc cả hai mặt là ta phải tự chủ đồng thời phải tranh thủ được sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Điểm thứ hai: Người ta thường nói "Chính nghĩa tất thắng", nhưng lịch sử cũng từng chứng kiến chính nghĩa không phải lúc nào cũng "Tất thắng" mà lắm khi phải chờ đợi, thậm chí cũng phải chịu nhiều phen thất bại. Từ đó vấn đề là phải làm sao cho chính nghĩa được "Tất thắng". Câu trả lời là phải tạo điều kiện cho chính nghĩa thắng, phải biết "Cách làm" cho chính nghĩa thắng. Nói cách khác là phải có phương pháp cách mạng thích hợp trong đó có phương pháp ngoại giao. Thực tế ở nước ta, phương pháp là yếu tố quyết định nhất cho thắng lợi.

Điểm thứ ba: Nội dung lớn nhất của phương pháp cách mạng và phương pháp ngoại giao là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Đây là ý tưởng đã có từ xưa trong lịch sử Trung Quốc, nhưng Hồ Chí Minh đã hiện đại hoá và Việt Nam hoá, nâng lên tầm cỡ thời đại. Sở dĩ như vậy là vì lần đầu tiên có cuộc “thử sức" giữa một nước nhỏ bé là Việt Nam với các thế lực xâm lược vào loại mạnh nhất thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó Việt Nam đã "vạn biến" trên cơ sở kiên trì cái "bất biến" là Tổ quốc độc lập-thống nhất. Cái bất biến này được Hồ Chí Minh và toàn dân Việt Nam thể hiện: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi". Câu nói của Hồ Chí Minh được cả loài người chia sẻ là: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Đây cũng là bản lĩnh của Người: biết lượng sức mình và sức đối phương, biết giành thắng lợi từng bước để tiến dần đến thắng lợi hoàn toàn.

Điểm thứ tư: Có thể nói ngay rằng chỉ ở Việt Nam vào thời đại Hồ Chí Minh mới có một cuộc "vừa đánh vừa đàm" nổi tiếng, trong đó quân sự và ngoại giao hợp đồng với nhau dẫn đến một sự trùng lặp kỳ tác của lịch sử là sau trận Điện Biên Phủ mặt đất thì có Hiệp định Genève và sau trận “Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội thì có Hiệp định Paris.

Không thể nói gì hơn rằng đó là thành công của phương pháp cách mạng, của phương pháp ngoại giao trên nền tảng tư tưởng hết sức đúng đắn của Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.

2. Nội lực là nhân tố đảm bảo khả năng làm chủ vận mệnh đất nước

Từ năm 1945 Bác Hồ có câu nói nổi tiếng: "Phải lấy sức ta mà giải phóng cho ta". Đây là điều rất độc đáo vì thực tế trên thế giới đã rõ ràng nếu chủ yếu dựa vào sức chi viện của nước khác thì số phận của nước cầu viện là lệ thuộc vào nước chi viện. Đó là điều dễ thấy nhưng đem ra thực hiện thì đòi hỏi rất nhiều điều kiện.

Qua thực tế Việt Nam ta thấy những điều kiện đó là:

+ Ý chí của một dân tộc "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Tôi còn nhớ năm 1946 ra Hà Nội thấy các đường phố có treo biểu ngữ bằng tiếng Anh “Independence or Death" tức là “Thà chết hơn mất Độc lập".

+ Có một ngọn cờ tập hợp: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công"; với một lãnh tụ "suốt đời chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc đó là Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

+ Có một tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình, tấm gương "Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", lấy lợi ích của dân làm nguyên tắc cao nhất, việc gì lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

+ Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chèng đế quốc Mỹ cứu nước, Liên Xô và Trung Quốc đã giúp ta rất nhiều về vật chất như vũ khí lương thực và ta cũng cần bạn cố vấn nhiều, nhưng ta vẫn đánh theo "Cách của ta".

"Cách của ta" rất đa dạng, thể hiện qua cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích mà ta gọi là "Sức mạnh tổng hợp". Những yếu tố của sức mạnh này gồm đủ mọi "Binh chủng" và rất nhiều độ tuổi, từ thiếu nhi đến "Bạch đầu quân", từ có vũ khí đến không vũ khí như đội quân tóc dài. Về cách đánh thì lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, địch tiến ta lui, địch lùi ta tiến, tiêu hao địch từng người, cướp súng địch từng cái, huy động cả loài vật như ong vò vẽ, khỉ vào các cuộc đánh phá địch... Nói chung là cách đánh chỉ có ta mới làm được, không nước bạn nào làm thay được. Vì vậy khi nói lấy nội lực của ta làm thực lực là rất thực tế. Với bề dày lịch sử mang đậm tính cách “toàn dân đánh giặc", trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ truyền thống này được nâng lên về chất lượng và quy mô đến mức có thể trở thành chủ bài để nhân dân ta làm chủ vận mệnh của chính mình.

+ Về mặt ngoại giao, trên cơ sở tự làm chủ vận mệnh của mình, ta có thể chủ động chọn giải pháp để kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ cuộc đấu tranh quân sự.

Trong hai cuộc đàm phán đi đến Hiệp định ở Hội nghị Genève năm 1954 và Hội nghị Paris năm 1973 ta có thể thấy rõ vai trò quyết định của nội lực. Cả hai hội nghị đều có các nước khác tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng ta vẫn làm chủ giải pháp. Tại Hội nghị Genève chúng ta phải chịu đựng sức ép không chỉ của đối phương mà cả từ nước bạn Liên Xô, Trung Quốc và chúng ta đã có những nhân nhượng, nhưng căn bản ta đạt được kết quả phản ánh đúng so sánh lực lượng lúc bấy giờ. Đặc biệt ở Paris ta đã tạo ra được một hình thức độc đáo là "Đàm phán bí mật" giữa ta và Mỹ. Cuộc "Đàm phán bí mật" này là sự kiện có ý nghĩa người làm chủ giải pháp chính là người nắm thực lực của mình, thể hiện qua việc Mỹ (và ta) đã dứt khoát không cho chế độ Sài Gòn tham gia cuộc đàm phán này. Thậm chí từ bên ngoài, Chính quyền Sài Gòn yêu cầu vài điều để Mỹ đưa ra mặc cả với ta nhưng bị ta từ chối khiến đại diện phía Mỹ đã thốt ra câu nói phản ánh thực chất quan hệ của Mỹ với chính quyền Sài Gòn là: "Cái đuôi lại muốn vẫy con chó". Một minh chứng khác để rõ thêm vấn đề "thực lực" là trận chiến "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972. Đây là cuộc đọ "thực lực" giữa hai bên, khi lá bài cuối cùng của Mỹ là B52 đánh Hà Nội 12 ngày đêm không khuất phục nổi quân dân ta và "thực lực" của ta trong trận đọ sức cuối cùng trực diện với Mỹ đã buộc họ phải ngồi vào bàn ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Sau 40 năm nhìn lại có thể khẳng định như lời Bác Hồ đã tiên báo từ năm 1945: "Phải lấy sức ta mà giải phóng cho ta" chính là nền tảng vững chắc nhất cho sự nghiệp cứu nước, trong đó chúng ta có cái quyền cao nhất là quyền tự quyết định công việc của Tổ quốc mình.

3. Gắn kết sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Nhờ trình độ của loài người trong thế kỷ 20 đã phát triển đến mức cao, trong đó có lĩnh vực thông tin, cuộc đấu tranh tự giải phóng của dân tộc Việt Nam diễn ra lúc thế giới bước vào "thời đại toàn cầu", khác hẳn trước kia ở đâu chỉ biết đấy. Tình hình đó giúp chúng ta tranh thủ được các nhân tố tiến bộ trên thế giới cho sự nghiệp chính nghĩa tự giải phóng tuy rằng cũng có những phức tạp tuỳ theo đối tượng mà ta tranh thủ và cũng tuỳ theo thời điểm.

Suốt thời gian quân dân ta ra sức chống thực dân Pháp tìm cách tái thống trị và chống đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, càng ngày nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ càng ủng hộ chúng ta và phản đối chính sách của Chính phủ nước họ. Hiện tượng đó xuất hiện trong thời kỳ chúng ta kháng chiến bằng quân sự, phát triển trong các thời gian ta và Pháp đàm phán ở Genève, ta và Mỹ đàm phán ở Paris và vẫn tồn tại sau khi ta và Pháp, ta và Mỹ đã đi đến ký kết thoả thuận. Từ đó đến nay rất nhiều người trước đây thuộc lực lượng xâm lược nước ta nay ân hận muốn chuộc lại lỗi lầm đã làm đau khổ cho nhân dân Việt Nam và họ chân thành mong muốn trở thành bạn của ta. Tôi suy nghĩ thấy rằng hiện tượng đó còn tiếp tục trong tương lai. Tại sao có hiện tượng đặc biệt này ở nước ta trong lúc trên thế giới cùng thời gian có không ít những cuộc xung đột giữa nước này và nước khác? Nghiên cứu tình hình trong nhiều năm qua tôi thấy có mấy nhân tố sau đây:

Thứ nhất là "Chất lượng" của dân tộc Việt Nam một dân tộc có lịch sử kiên cường mấy ngàn năm giữ nước trong hoàn cảnh thường xuyên bị đe doạ ngoại xâm. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều gắn bó với nhân dân để cùng bảo vệ Tổ quốc khi có ngoại xâm. Ở Châu Á có thời kỳ Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn) chinh phục và thống trị nhiều nơi, đánh đâu thắng đó, chiếm cả đất Trung Quốc rộng lớn, lập chế độ Nguyên Mông, nhưng đến Việt Nam ba lần thì đều bị thất bại cả ba. Chuyện này trên thế giới họ cũng biết; ví dụ: Trong thời gian tôi làm Đại sứ nước ta tại Tokyo, khi tôi được hầu chuyện với Đông cung Thái tử, về sau lên ngôi Nhật hoàng Akihito, Ngài đã chủ động nhắc lại sự kiện này và còn kể chuyện Nhật Bản lúc đó may mắn thoát khỏi Gengis Khan là nhờ cơn bão "Thần phong" ở biển Nhật Bản đã làm đắm toàn bộ thuỷ đội Nguyên Mông xâm lược.

Thứ hai là trên cơ sở kế thừa truyền thống bảo vệ độc lập của Tổ quốc qua nhiều thế hệ, đến thế kỷ 20 xuất hiện lực lượng kế tục là Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, gồm những người con ưu tú của dân tộc đã làm nên sự tích thần kỳ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; những người con tận trung với nước, chí hiếu với dân, "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Thứ ba là trong lòng dân tộc đó, đã xuất hiện vị "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới" với nhân cách tuyệt vời, tài cao, đức trọng được toàn dân tin tưởng.

Tôi nghĩ rằng chính nhờ những nhân tố như vậy mà dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã tự mình tạo ra thực lực của mình và nhờ vậy sức mạnh thời đại đã tự nhiên gắn với sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Trong thời đại Hồ Chí Minh có những điều độc đáo trong chính sách đối ngoại của Bác như: Việt Nam chỉ muốn có bạn, không muốn coi ai là thù; Việt Nam sẵn sàng "trải thảm đỏ" cho kẻ đến xâm lược ra đi với mong muốn họ trở lại làm bạn của ta [2]. Từ đó, chúng ta chứng kiến tất cả những nước có quá khứ đối đầu với ta đều đang trở thành đối tác chiến lược của ta, giúp ta chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu. Hiện nay và trong tương lai hàng ngũ đối tác chiến lược của Việt Nam sẽ ngày càng đông đảo. Vấn đề là chúng ta phải tự nâng trình độ mọi mặt của mình lên để sử dụng hiệu quả nhất quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng có chất lượng cao hơn một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

4. Vấn đề dự báo tình hình, tạo thời cơ và chọn thời điểm giải quyết

Dự báo tình hình: Sau khi nhìn lại thời gian từ cuối năm 1967 lúc ta chuẩn bị đàm phán với Mỹ cho đến ngày ký kết Hiệp định Paris có thể nói được rằng dự báo tình hình của phía ta có sự chính xác rất cao. Tôi còn nhớ khi nhóm nghiên cứu của tôi làm việc với các anh ở Bộ Chính trị, anh Lê Đức Thọ có nói rằng dự báo đến 80% là giỏi lắm rồi, nhưng chúng ta đã đạt được độ chính xác đến 90%.

Trước hết tôi nói về dự báo của ta về tình hình Mỹ bao gồm 3 nguồn: Một là thông tin do phía Mỹ đưa trên các phương tiện công khai như báo, đài, các hãng thông tin, từ phóng viên chiến trường của các nước phương Tây; hai là nguồn tin từ các báo cáo chiến trường của ta; ba là các tin do tình báo ta thu được.

Chúng tôi đánh giá nguồn thông tin thứ nhất có độ chính xác khá cao; loại báo cáo chiến trường chúng tôi chậm đưa ra phân tích vì phải chờ qua tổng hợp và xác minh của cơ quan quân sự cấp Trung ương của ta; loại thứ ba là tin tình báo thì các anh lãnh đạo chỉ phổ biến cho nhóm nghiên cứu của chúng tôi một cách gián tiếp cho nên tôi không thể nói rằng loại thông tin này chính xác mức nào. Suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước chỉ có một lần đầu năm 1975, tôi được giao trực tiếp tổ chức thu thập thông tin theo yêu cầu của lãnh đạo cao từ trong nước để giải đáp câu hỏi: "Mỹ có thể đưa quân trở lại Việt Nam hay không?". Câu trả lời của chúng tôi báo cáo là "Không có khả năng đó". Việc này tôi có kể trong Hồi ký "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris" [3]. Đến đây tôi cũng xin ghi lại một tình tiết, vì nó là một bài học kinh nghiệm về dự báo tình hình của bản thân tôi. Ngày 4/5/1969, sau khi nghe đài Mỹ phát đi vào tối ngày 3/5 tức là lúc sáng sớm ngày 4/5 theo giờ Việt Nam tôi đã xin gặp gấp hai anh Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh để báo cáo nhận định của tôi là "Nixon đã muốn giải quyết vì ông ta không đưa ra điều kiện mà Mỹ luôn nêu lên là quân Bắc Việt phải rút khỏi miền Nam". Sau khi nghe tôi đưa ra "phát hiện quan trọng" này hai anh đã từ tốn mời tôi ăn sáng, sau đó kéo chiếc màn che bản đồ chiến trường chỉ cho tôi thấy tất cả các đơn vị chủ lực của ta đều đã phải rút về miền Bắc do tiếp tế bị ngẽn. Kỷ niệm này làm cho tôi về sau biết phải cẩn thận như thế nào khi dự báo tình hình.

Tiếp theo tôi xin kể về một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng đó. Ngày 14/12/1972, trước khi lên máy bay tại sân bay Paris để quay về Hà Nội, anh Lê Đức Thọ dặn tôi: "Mình về thì nay mai chắc nó sẽ đánh Hà Nội bằng B52, việc này cậu đã biết. Cậu cần có kế hoạch hiệp đồng tốt với nhà trong trận đánh này". Do đó về mặt ngoại giao trong 12 ngày đêm B52 đánh Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp lúc đó là Maurice Schumann và tôi ngày nào cũng có những cuộc gặp nhau, có lúc còn gọi điện thoại cả vào đêm khuya để thông tin tình hình và trao đổi ý kiến. Phía Pháp cần thông tin để có thái độ còn phía ta cũng muốn Pháp góp phần lên án Mỹ. Thực tế trong những ngày đó Chính phủ Pháp đã phát tuyên bố lên án cuộc đánh phá Hà Nội mà Mỹ gọi là chiến dịch Linebaker-II. Đến ngày 30/12/1972, sau khi tôi báo tin thắng lợi của ta trong 12 ngày đêm bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52, ông Schumann đã thốt lên: "Thật là kỳ diệu!". Rồi ông đưa tôi ra thềm Bộ Ngoại giao Pháp gặp hàng chục nhà báo Pháp và quốc tế đang nóng lòng chờ sẵn ở đó để tôi thông báo cho họ về "điều kỳ diệu" ấy. Trong thời gian này song song với các hoạt động ngoại giao trên, cũng đã diễn ra cả một chiến dịch vận động dư luận rộng rãi ở Pháp và Tây Âu do tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam, các hội đoàn người Việt Nam và bạn bè quốc tế phối hợp tiến hành. Cùng với 12 ngày đêm rực lửa trong trận “Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội giữa mùa Đông năm 1972 ấy cũng là những ngày đêm hừng hực nóng bỏng tình cảm của người Việt và bạn bè của Việt Nam ở Pháp và các nước đấu tranh chống đế quốc Mỹ, bảo vệ Hà Nội anh hùng, bảo vệ đất nước của Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đã chủ động đáp trả và toàn thắng trong chiến dịch "12 ngày đêm" bởi đây thực sự là thành công tất yếu của công tác dự báo tình hình. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau này UNESCO vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất", đã có lời tiên tri thiên tài lúc sinh thời: "Chỉ sau khi bị thua ta trên bầu trời Hà Nội thì Mỹ mới thực sự chịu thua". Theo di huấn đó, trong nhiều năm bộ đội Phòng không-Không quân ta đã rèn luyện thử nghiệm đánh B52 và trước khi vào chiến dịch đã có một quyển "cẩm nang đỏ" hướng dẫn chiến đấu. Suốt 30 năm kháng chiến, tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng những đã giữ vững quyết tâm, củng cố niềm tin của nhân dân ta, mà còn dẫn dắt từng bước đi cho thắng lợi của Dân tộc.

Vấn đề tạo thời cơ: Qua thực tế diễn biến của cục diện "vừa đánh vừa đàm" giữa ta và Mỹ chúng tôi thấy được là thời cơ đúng nghĩa không tự nó đến mà ta phải tạo ra thời cơ; mặt khác nếu xuất hiện một động thái thuận lợi mà ta lại không sẵn sàng chớp lấy thì cũng coi như mất thời cơ. Từ đó theo tôi ta phải xét vấn đề thời cơ theo ý tưởng tạo ra nó; như vậy ta phải làm gì để tạo ra thời cơ?

Cục diện “vừa đánh, vừa đàm" cho ta thấy thời cơ xuất hiện từ cả hai phía. Về phía đối phương có lúc gặp phải khó khăn đột xuất về chính trị nội bộ, về điều động lực lượng khiến họ có thể không xử lý ngay được, nếu ta nắm được và kịp thời khai thác thì đó là thời cơ cho ta chớp lấy. Về sau này ta biết được ít nhất có ba lần Mỹ lâm vào hoàn cảnh đó nhưng lúc đó ta không nắm được, hoặc nếu ta biết được nhưng không sẵn sàng khai thác thì cũng bỏ lỡ thời cơ. Vì vậy, ý tưởng phải chủ động tạo ra thời cơ (và chớp lấy kịp thời) có nghĩa là ta phải thường xuyên sẵn sàng cả về lực lượng (đánh) và cả về giải pháp ngoại giao (đàm) với nhiều phương án tuỳ theo tình hình thực tế xảy ra.

Vấn đề chọn thời điểm:

Qua cục diện "vừa đánh vừa đàm" giữa ta và Mỹ, ta thấy có bốn loại thời điểm là bắt đầu, tạm ngừng, tiếp tục và kết thúc.

Các tiêu chí chọn thời điểm trên cơ sở các yếu tố như sau:

- Một là phối hợp "Bước đi" quân sự và "Bước đi" đàm phán với tinh thần hỗ trợ nhau vì "Binh chủng" quân sự tạo ra thắng lợi trên chiến trường và "Binh chủng" ngoại giao không phải chỉ phản ánh thắng lợi quân sự mà còn làm cho thắng lợi ấy được tăng thêm. Nói cụ thể là quân sự thắng một thì ngoại giao có nhiệm vụ tạo ra một cộng, một cộng bằng vai trò tích cực và chủ động như đã nói rõ trong Nghị quyết 13 của Đảng ta năm 1967 trước khi ta tiến hành Tổng tấn công và nổi dậy năm 1968 (Tết Mậu Thân) ở miền Nam: "Thông thường cái gì ta không giành được trên chiến trường thì không thể giành được trên bàn đàm phán, tuy nhiên trong thời đại hiện nay với tính chất của cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta, ngoại giao của ta có thể trên cơ sở thắng lợi quân sự và chính trị của ta mà phát huy thêm và ngoại giao có vai trò tích cực và chủ động… Khi Mỹ đề nghị nói chuyện với ta, ngoại giao của ta phải tìm cách đưa Mỹ vào đàm phán theo cách của ta và theo ý đồ của ta để đưa Mỹ đến giải pháp có lợi cho ta". Đó cũng là sự sáng tạo của Đảng ta về vai trò của ngoại giao.

- Hai là giải pháp của ta đạt được trong Hiệp định Paris đã tạo ra cơ sở pháp lý cho thực lực của ta trụ lại ở miền Nam bằng những đạo lý sáng tạo như: Người Việt Nam có quyền chiến đấu bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam cho nên vấn đề lực lượng võ trang Việt Nam bao gồm quân của Chính phủ CMLT, quân của chế độ Sài Gòn và quân miền Bắc là chuyện của người Việt Nam, Mỹ phải rút quân và không có quyền gì về vấn đề trên.

- Ba là trong giải pháp Hiệp định đã có các điều khoản về chính trị tạo ra "kịch bản" cho quá trình "ngụy nhào từng bước". Tạo chỗ dựa cho nhân dân Sài Gòn đấu tranh với chế độ Sài Gòn.

- Bốn là thời điểm đàm phán đi vào thực chất sau khi ta giành được những thắng lợi có ý nghĩa "thực chất". Tuy cuộc đàm phán của Hội nghị Paris từ năm 1968 đến đầu năm 1973, nhưng thời kỳ "Đàm phán bí mật" chỉ gọn trong mấy tháng của hai năm 1971-1972, trong hai năm đó ta và Mỹ có gần 10 lần ngưng rồi tái họp. Trên thực tế chỉ có hai lần xử lý "Thực chất" và triệt để là các cuộc gặp nhau vào tháng 10/1972 và từ ngày 30/12/1972 đến mấy ngày đầu tháng 01/1973 sau 12 ngày đêm hai bên đối đầu trong cuộc đọ sức lịch sử trên bầu trời Hà Nội.

5. Suy ngẫm về "Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh"

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris lịch sử, một lần nữa tôi muốn nhắc lại mấy điều suy ngẫm với các đồng nghiệp đương chức, đặc biệt là những bạn trẻ về phương pháp ngoại giao độc đáo và nhân bản theo Tư tưởng Hồ Chí Minh mà tôi gọi là "Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh" [3]:

-Lịch sử Cách mạng nước ta cho thấy rằng các nhà ngoại giao Việt Nam chúng ta có một niềm hạnh phúc lớn lao là phục vụ cho chính nghĩa, một sự nghiệp vốn sẵn chiếm được thiện cảm của những con người có lương tri và thiện chí trên thế giới. Sự nghiệp đó toả sáng và thấm vào lòng người bằng phương pháp của Hồ Chí Minh. Ngoại giao nói chung là mối quan hệ giữa các quốc gia, nhưng lại do con người tiến hành, vì vậy thực chất đó là quan hệ giữa con người với con người. Con người có những so le nhiều mặt nhưng nhân tố điều chỉnh những so le để cùng nhau xử lý được vấn đề chính là "tấm lòng". Vì vậy điều cốt lõi đúc kết của trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh chính là "Ngoại giao của tấm lòng".

-Với hơn 40 năm tham gia công việc ngoại giao của nước ta, tôi rất tâm đắc về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Nếu bạn nào không đồng ý như vậy, xin cũng nên đi sâu tìm hiểu thêm về công việc ngoại giao của Bác. Theo tôi, đó là cả một kho tàng kinh nghiệm lớn, một tài sản vô giá mà Bác để lại cho chúng ta. Riêng tôi nghĩ nếu Học viện Quan hệ Quốc tế có một Bộ môn nghiên cứu và giảng dạy về "Trường phái ngoại giao Hồ chí Minh" thì cũng là điều nên làm.

Hà Nội, ngày 18/12/2012

Võ Văn Sung


Tham khảo:

[1] Bộ Ngoại giao, Ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao: Cuộc đàm phán lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 89-101.

[2] Võ Văn Sung: Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

[3] Võ Văn Sung: Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.

Bài viết cùng chủ đề

50 năm Hiệp định Paris

Xem nhiều

Đọc thêm

Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với Campuchia

Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ với Campuchia

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ Việt Nam-Campuchia.
Việt Nam-Malaysia: Thúc đẩy, phát huy hiệu quả tiềm năng hợp tác trong bối cảnh bước vào giai đoạn phát triển mới

Việt Nam-Malaysia: Thúc đẩy, phát huy hiệu quả tiềm năng hợp tác trong bối cảnh bước vào giai đoạn phát triển mới

Tổng Bí thư tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch đảng UMNO và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện Tim quốc gia Malaysia

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện Tim quốc gia Malaysia

Phu nhân Ngô Phương Ly bày tỏ sự cảm phục, quý trọng tinh thần yêu nghề, hết lòng chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân của các y sĩ, ...
Thêm nhiều điều kiện đối với việc xét tuyển đại học bằng học bạ

Thêm nhiều điều kiện đối với việc xét tuyển đại học bằng học bạ

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm ...
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Petronas sớm xây dựng chiến lược, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng ...
Đợt trục xuất lớn nhất lịch sử nước Mỹ cận kề, lao động nhập cư phấp phỏng trước giờ G

Đợt trục xuất lớn nhất lịch sử nước Mỹ cận kề, lao động nhập cư phấp phỏng trước giờ G

Các ngành công nghiệp như nông nghiệp, giải trí và khách sạn...có thể là những ngành chịu tác động lớn nhất bởi lệnh trục xuất lao động nhập cư của ...
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam làm việc với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam làm việc với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có buổi làm việc với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và lãnh đạo các địa phương thăm, làm việc tại Quảng Tây, Trung Quốc

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và lãnh đạo các địa phương thăm, làm việc tại Quảng Tây, Trung Quốc

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn đầu đoàn Lãnh đạo các sở ngành liên quan của 5 địa phương thăm, làm việc tại Quảng Tây, Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trao quyết định điều động và bổ nhiệm cán bộ cấp Vụ

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trao quyết định điều động và bổ nhiệm cán bộ cấp Vụ

Ngày 22/11, tại Trụ sở Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã trao quyết định điều động và bổ nhiệm cán bộ cấp Vụ của Bộ Ngoại giao.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Chiều 21/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine.
Thư mừng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia

Thư mừng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi Thư chúc mừng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn.
Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Để chính sách song hành với thực tiễn bảo đảm quyền của người di cư

Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Để chính sách song hành với thực tiễn bảo đảm quyền của người di cư

Theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 cho thấy những kết quả đạt được trong xây dựng hoàn thiện chính sách liên quan đến di cư.
Đại diện Phái đoàn IOM: Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 phản ánh nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn

Đại diện Phái đoàn IOM: Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 phản ánh nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn

Theo Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 đã góp phần củng cố vị thế quốc gia đi đầu trong việc triển khai Thỏa thuận GCM.
Công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được cập nhật

Công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được cập nhật

Sáng ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023.
Công dân Việt Nam tại Trung Đông cần chủ động tìm nơi trú ẩn

Công dân Việt Nam tại Trung Đông cần chủ động tìm nơi trú ẩn

Theo thông tin mới nhất từ cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các công dân Việt Nam hiện vẫn đang an toàn.
Đại sứ quán Việt Nam khuyến cáo cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Israel

Đại sứ quán Việt Nam khuyến cáo cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Israel

Căn cứ tình hình tại Israel và để đảm bảo an toàn về con người và tài sản, Đại sứ quán Việt Nam gửi thông báo đến cộng đồng người Việt tại Israel.
Tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon trước nguy cơ xung đột

Tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon trước nguy cơ xung đột

Ngày 26/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon tiếp tục đề nghị công dân Việt Nam rời khỏi quốc gia đang có nguy cơ xung đột.
Tìm hiểu các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại

Tìm hiểu các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại

Chiều 22/3, đã diễn ra sinh hoạt chuyên đề với chủ đề 'Các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại'.
Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 2)

Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 2)

Là một quốc gia Đông Nam Á, Indonesia gần gũi với Việt Nam, nhưng nước này có 86% dân số theo Hồi giáo tạo nên khác biệt trong văn hoá giao tiếp.
Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 1)

Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 1)

Là quốc gia Đông Nam Á nên Indonesia gần gũi với Việt Nam, nhưng 86% dân số nước này theo Hồi giáo tạo nên khác biệt trong văn hoá giao tiếp.
Những điều cần biết để không bỡ ngỡ khi đến xứ sở hoa tulip Hà Lan

Những điều cần biết để không bỡ ngỡ khi đến xứ sở hoa tulip Hà Lan

Khi gặp một người Hà Lan bất kì, thật khó để nhận xét về địa vị hay khả năng tài chính của họ thông qua vẻ bề ngoài...
Đôi điều cần biết về văn hóa giao tiếp ở Bỉ - 'trái tim của châu Âu'

Đôi điều cần biết về văn hóa giao tiếp ở Bỉ - 'trái tim của châu Âu'

Cùng khám phá đôi nét về văn hóa giao tiếp và con người Bỉ để hiểu rõ hơn về đất nước được coi là 'trái tim châu Âu' qua bài viết dưới đây!
Những nước nào có Ngày Quốc khánh trong tháng 12?

Những nước nào có Ngày Quốc khánh trong tháng 12?

Trong tháng 12 có 12 quốc gia kỷ niệm Ngày Quốc khánh, bao gồm Romania, Lào, UAE, Thái Lan, Phần Lan, Burkina Faso, Kenya, Bhutan, Niger, Qatar...
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam-Venezuela

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam-Venezuela

Hợp tác giáo dục góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Venezuela-Việt Nam.
Việt Nam-Bulgaria trước ngưỡng cửa 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Việt Nam-Bulgaria trước ngưỡng cửa 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Đôi dòng chia sẻ về quan hệ hữu nghị Việt Nam-Bulgaria nhân dịp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân sắp thăm chính thức Việt Nam.
Tạp chí Quan hệ Quốc tế ra đời như thế

Tạp chí Quan hệ Quốc tế ra đời như thế

Hành trình ra đời của Tạp chí Quan hệ Quốc tế là ấp ủ, quyết tâm của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao 35 năm về trước.
Đại sứ Đỗ Hoàng Long chỉ ra 5 ý nghĩa lớn từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Đại sứ Đỗ Hoàng Long chỉ ra 5 ý nghĩa lớn từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Theo Đại sứ Đỗ Hoàng Long, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev diễn ra khi Việt Nam-Bulgaria có nhiều bước phát triển quan trọng
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Venezuela

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Venezuela

Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela đã tổ chức buổi tọa đàm 'Quân đội nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành'.
Tích lũy đủ 'chất và lượng', cùng nhau hướng tới tầng nấc mới trong quan hệ Việt Nam-Malaysia

Tích lũy đủ 'chất và lượng', cùng nhau hướng tới tầng nấc mới trong quan hệ Việt Nam-Malaysia

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa quan trọng, là bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Phiên bản di động