Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã kết thúc với kết quả khá khiêm tốn. (Nguồn: NewscastStudio) |
Hội nghịthượng đỉnh Nga-Mỹ đã kết thúc với hình ảnh hai nhà lãnh đạo ra về theo hai hướng ngược nhau, trong khi tình trạng mối quan hệ giữa Mỹ và Nga dường như vẫn không mấy thay đổi.
Điều này hẳn không mấy bất ngờ, ít nhất là đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã bước vào cuộc gặp thượng đỉnh với mục tiêu mơ hồ và khiêm tốn là thiết lập một mối quan hệ “dễ đoán định và có chừng mực” với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Và sự thể hiện của ông Putin tại cuộc gặp cũng không có gì bất ngờ, nếu không muốn nói là "hoàn toàn có chừng mực".
Suy cho cùng, ông Biden đã đặt ra những kỳ vọng quá thấp cho cuộc gặp "mặt đối mặt" đầu tiên với ông Putin. Theo các quan chức Nhà Trắng, ngay cả việc thời gian diễn ra cuộc họp ngắn hơn dự kiến cũng chẳng phải điềm báo của những cuộc tranh cãi lớn.
Thay vào đó, ông Biden nói đây là một sự phản ánh rằng hai bên đơn giản đã chẳng còn gì để nói với nhau. Ông Biden cho biết: “Chúng tôi nhìn vào nhau theo kiểu: Ok, còn gì nữa không nhỉ?”.
Những gì đạt được sau hội nghị thượng đỉnh này là khá khiếm tốn, chẳng hạn như quyết định đưa các đại sứ của mỗi nước trở lại vị trí của họ hay thiết lập các nhóm đặc nhiệm về an ninh mạng...
Tuy nhiên, theo lời của cả hai nhà lãnh đạo, cuộc gặp thượng đỉnh này không mang ý nghĩa tạo ra những đột phá. Thay vào đó, hai bên đều nói rằng cuộc gặp chủ yếu để đánh giá tình hình, thẳng thắn với nhau và thúc đẩy mọi việc tiến triển.
Người với người, mặt đối mặt
Quyết định đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ của Biden dựa trên quan điểm cốt lõi của ông về các vấn đề ngoại giao: Tất cả là về yếu tố con người.
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, ông Biden nhấn mạnh: “Toàn bộ chính sách ngoại giao là một sự mở rộng các mối quan hệ cá nhân một cách logic. Đó là cách mà bản chất của con người vận hành".
Nếu xét trên những thông số đó, cuộc gặp thượng đỉnh này có vẻ đã đạt được mục tiêu đề ra. Tổng thống Mỹ Biden cho hay không khí của cuộc họp khá tốt, tích cực và điểm mấu chốt là hai bên đã đề ra được một số quy tắc cơ bản để cùng tuân thủ.
Về phần mình, ông Putin cũng đã đưa ra một đánh giá tương tự: “Ông ấy là một con người cân bằng và chuyên nghiệp, rõ ràng là ông ấy rất giàu kinh nghiệm. Với tôi thì có vẻ như chúng tôi đã trao đổi với nhau bằng một ngôn ngữ chung”.
Tuy nhiên, ông Putin không đưa ra tín hiệu nào về việc thay đổi cách hành xử cứng rắn của Nga. Đồng thời, ông cũng không thay đổi giọng điệu của mình khi công khai chỉ trích nhân vật đối lập Alexei Navalny và bác bỏ sự liên quan của Nga trong các vụ tấn công mạng.
Thay vào đó, ông mô tả rằng 3 giờ đồng hồ họp mặt thẳng thắn và thực chất đã không tạo ra được một sự kết nối sâu sắc hay có cảm xúc. Ông Putin nói: “Cuộc họp chắc chắn không có chuyện chúng tôi nhìn vào mắt nhau và tìm thấy một tri kỷ hay thề nguyện về một tình bạn vĩnh cửu".
Khác biệt với ông Trump
Một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền ông Biden khi lên kế hoạch thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin là ngăn ngừa kịch bản từng xảy ra tại Helsinki (Phần Lan) vào năm 2018. Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã gặp riêng người đồng cấp Nga Putin trong vòng 2 giờ đồng hồ và sau đó tuyên bố rằng ông tin Nga không liên quan đến các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.
Chính vì vậy, hội nghị thượng đỉnh lần này đã quyết định không tổ chức họp báo chung để tránh xảy ra kịch bản tương tự.
Họp báo chung của ông Trump và ông Putin sau thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki (Phần Lan) hồi năm 2018. (Nguồn: AP) |
Rõ ràng, hội nghị thượng đỉnh lần này rất khác biệt. Bản thân ông Putin cũng thừa nhận điều đó khi nói rằng: "Người tiền nhiệm của ông Biden có một quan điểm khác biệt. Ông Biden đã quyết định hành động một cách khác, và phản ứng của ông ấy cũng rất khác so với ông Trump”.
Tại cuộc gặp, ông Biden đã công khai nói về những lĩnh vực mà ông bất đồng với ông Putin, bao gồm vụ can thiệp bầu cử và vấn đề nhân quyền, những điều mà ông Trump từng hạ thấp hoặc phớt lờ trong các cuộc gặp với lãnh đạo Nga.
Tuy nhiên, trong muôn vàn sự khác biệt vẫn có một sự tương đồng. Khi rời khỏi cuộc họp báo, cũng tại sân bay Geneva, ông Biden đã nói về cách các phóng viên khai thác hội nghị thượng đỉnh này. Ông Biden nói: “Để trở thành một phóng viên giỏi, các bạn cần phải tiêu cực. Các bạn đừng bao giờ đặt một câu hỏi tích cực”.
Đồng thời, ông Biden cũng xin lỗi vì đã trách phóng viên Kaitlan Collins của CNN trong cuộc họp báo khi phóng viên này đặt câu hỏi điều gì đã khiến ông tự tin rằng có thể làm ông Putin thay đổi? Hành động trách phóng viên đối với những câu hỏi tiêu cực cũng từng xảy ra dưới thời người tiền nhiệm Trump.
Nâng tầm ông Putin
Những ý kiến hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này đã đặt ra câu hỏi rằng liệu việc ông Biden gặp mặt lãnh đạo Nga ngay quãng thời gian đầu nhiệm kỳ như vậy có giúp cựu điệp viên Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) được nâng tầm trên trường quốc tế hay không?
Các cố vấn của ông Biden nhận thức rõ được điều này và đây cũng là một trong các lý do họ quyết định không tổ chức họp báo chung bởi cho rằng điều đó có thể nâng tầm ông Putin thông qua việc xuất hiện song song với Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên khi ông Biden ngồi bên cạnh ông Putin tại biệt thự cổ Villa la Grange, ông Biden đã tự khẳng định Nga và Mỹ là “hai siêu cường”, một cách lựa chọn từ ngữ đáng chú ý sau khi các quan chức Mỹ trước đó luôn tìm cách hạ thấp sức ảnh hưởng của Nga.
Ngay cả "sếp cũ" của ông Biden là cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng mô tả Nga chỉ là một “cường quốc khu vực” sau khi quốc gia này chiếm đóng Crimea.
Một số nhà phê bình cuộc họp này cho rằng sự thiếu vắng những kết quả rõ ràng cho thấy cuộc gặp này chung quy cũng chỉ là một sự kiện để hai bên chụp chung tấm hình và điều đó có lợi cho việc thể hiện tính chính danh của ông Putin.
Trong khi đó, ông Biden thì nhấn mạnh quan điểm rằng các quốc gia lớn và quan trọng cần tìm ra những cách thức để thỏa hiệp với nhau, dù còn nhiều bất đồng.
"Rượu cũ" từ ông Putin
Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, ông Putin thông báo rằng cuộc gặp với ông Biden đã diễn ra một cách “xây dựng”. Ông Putin cho biết cả hai bên đều đã thể hiện sự quyết tâm để nỗ lực và thấu hiểu lẫn nhau, và nỗ lực để cải thiện những bất đồng.
Tuy nhiên, ông Putin vẫn nhắc lại những lập luận cũ và phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến các vấn đề như tấn công mạng, nhân quyền và Ukraine.
"Bình mới rượu cũ", điều này không gấy bất ngờ với các quan chức Mỹ, những người cho rằng ông Biden khó có khả năng kỳ diệu để thay đổi giọng điệu cũng như cách hành xử của ông Putin.
Đặc biệt, những phát biểu của ông Putin tại hội nghị lần này còn được lan truyền rộng rãi, kể cả trên các mạng lưới truyền hình của Mỹ.
Cuộc họp báo của ông Putin kết thúc trước cuộc họp báo của ông Biden theo sự bố trí kỹ lưỡng của hội nghị, và điều này giúp Tổng thống Mỹ có thể phản bác nhiều ý kiến của người đồng cấp Nga. Tuy nhiên, sự sắp xếp này cũng tạo điều kiện cho cuộc họp báo của lãnh đạo Điện Kremlin được phát sóng nhiều nhất trong những năm qua.
Mặt khác, điều này cũng cho thấy những khó khăn mà ông Biden phải đối mặt trong cuộc gặp liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng mà ông nêu lên với người đồng cấp Nga.
Vấn đề an ninh mạng là một trong những nội dung chính tại thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: Sky News) |
Tấn công mạng
Trước khi bước vào cuộc gặp với ông Putin, ông Biden đã nói rằng các vụ tấn công mạng, đặc biệt là hàng loạt vụ tấn công bằng mã độc tống tiền do các tổ chức tội phạm hoạt động bên trong nước Nga thực hiện, sẽ chiếm một phần quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Ông Biden tin rằng các quốc gia như Nga phải có trách nhiệm ngăn chặn tội phạm mạng bị cáo buộc có nguồn gốc từ nước họ.
Tại các cuộc họp trước đó của hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi đầu tuần, ông Biden cũng đã thuyết phục một số lãnh đạo phương Tây lên tiếng ủng hộ lập trường của Mỹ về vấn đề này.
CNN cho rằng, một trong những kết quả quan trọng và duy nhất của thượng đỉnh ngày 16/6 là thỏa thuận giao nhiệm vụ cho các chuyên gia “làm việc dựa trên những nhận thức rõ ràng về những gì vượt quá giới hạn và theo dõi các trường hợp cụ thể”.
Tuy nhiên, dường như Tổng thống Mỹ cũng nhận thức được những hạn chế của quyết định này. khi nói: “Nguyên tắc là một chuyện, nhưng nó vẫn cần được củng cố bởi hành động”.
Ông Biden đã tiết lộ một khía cạnh quan trọng trong những nỗ lực của mình nhằm thuyết phục người đồng cấp Nga về tính nghiêm trọng của loại tội phạm này. Dù không nói rõ ông Putin đã trả lời ra sao, nhưng ông Biden cho biết đã nói rằng Mỹ có “năng lực lớn trong không gian mạng” và có thể đáp trả các vụ tấn công mạng tiếp theo.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ nói: “Nếu thực tế là họ vi phạm các chuẩn mực cơ bản, thì chúng tôi sẽ đáp trả”.
Về phía Nga, khi được đề cập đến vụ tấn công mạng vào công ty Pipeline Colonial mà Mỹ đổ trách nhiệm cho các tội phạm mạng tại Nga, ông Putin đặt câu hỏi: “Giới chức Nga phải làm gì với điều này?”.
Phản ứng này không quá bất ngờ với các quan chức Mỹ, những người không tin rằng Tổng thống Nga sẽ lập tức sẽ thay đổi suy nghĩ của mình mà chỉ muốn ông Biden giải quyết những hậu quả rõ rệt của các vụ tấn công mạng hiện đang đe dọa nước Mỹ ngày một nhiều hơn.