600 ngàn USD (15 tỷ VND) cho một chuyến du lịch có gì hấp dẫn? |
Virgin Galactic vừa bổ nhiệm công ty lữ hành hạng sang Intriq Journey có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) làm đại lý của hãng tại châu Á để tiếp cận những khách hàng tại khu vực này có tài chính và muốn mạnh dạn đến những nơi mà không phải ai cũng có thể "mơ" một lần được đặt chân tới.
“Điều này không giống như việc mua hàng xa xỉ,” James Willoughby, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành hoạt động khách hàng tại Virgin Galactic giải thích. “Đây là sự đầu tư cho bản thân để trải nghiệm những điều đưa bạn tiến xa hơn, [cho phép] bạn nắm bắt khoa học, công nghệ và hành tinh của chúng ta.”
“Chúng tôi không mở cửa cho công chúng theo nghĩa bán vé, vì chúng tôi chỉ có một số lượng hạn chế các chuyến bay vũ trụ,” Willoughby nói. “Nói chung, chúng tôi đang tiếp nhận các giới thiệu. Mỗi giới thiệu đến với chúng tôi, chúng tôi coi cá nhân đó là đóng góp cho cộng đồng.”
Hiện có khoảng 800 người trong độ tuổi 7-89 và đến từ hơn 60 quốc gia trong danh sách chờ hành khách của Virgin Galactic.
Trong cuộc đua không gian của các tỷ phú, Virgin Galactic được cho là công ty gần nhất với việc biến trải nghiệm vũ trụ thành hàng hóa.
Trong khi SpaceX của Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos cạnh tranh để trở thành một dạng Uber cho NASA và các cơ quan khác – SpaceX vừa được thuê để chở hai phi hành gia bị kẹt trong không gian trở về – Virgin có lẽ là công ty dễ tiếp cận người tiêu dùng nhất.
Tuy nhiên, có thể tiếp cận được là một thuật ngữ tương đối. Giá để tham gia chuyến bay du lịch vũ trụ của Virgin Galactic là 600.000 USD.
Khoản thanh toán đầu tiên là khoản đặt cọc 150.000 USD, bao gồm phí thành viên không hoàn lại 50.000 USD và khoản đặt cọc hoàn lại 100.000 USD. Khoản này có thể hoàn lại nếu bạn không thể bay hoặc do điều kiện cuộc sống thay đổi.
“Khi ngày bay đến gần, chúng tôi sẽ thực hiện các giai đoạn chuẩn bị cuối cùng và tất cả các đánh giá y tế. Sau khi thanh toán nốt 450.000 USD, tại thời điểm đó, bạn không thể hoàn hủy”
Các chuyến bay của Virgin Galactic, có thể nói là một món hời. SpaceX đã tính phí ba khách hàng giàu có 55 triệu USD cho một tuần lưu trú tại Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2022. Đối với Blue Origin, Bezos có thể đã tặng vé miễn phí cho những người nổi tiếng như William Shatner nhưng ông được cho là đã tính phí những người khác 28 triệu USD cho một chỗ ngồi hàng đầu trên không gian.
Nếu bạn có ngân sách eo hẹp hơn, một công ty Hoa Kỳ có tên là Space Perspective sẽ đưa hành khách vào chuyến đi kéo dài sáu giờ đến tầng bình lưu trong một khoang chứa khí cầu có áp suất. Chi phí chỉ 125.000 USD.
Tuy nhiên, việc tham gia “cộng đồng” Virgin Galactic có những đặc quyền riêng. Chúng bao gồm quyền tham gia các sự kiện và bài thuyết trình từ mạng lưới các kỹ sư và nhà khoa học vũ trụ. Mùa xuân năm nay, các thành viên được đưa đến Texas để chứng kiến nhật thực, sau đó là một bữa tiệc nướng lớn theo phong cách miền Nam.
Trong nỗ lực trở thành một hãng hàng không vũ trụ có khả năng thương mại hóa, Virgin Galactic gần đây đã cho "nghỉ hưu" tàu vũ trụ VSS Unity, loại tàu có khả năng thực hiện một chuyến bay mỗi tháng, và đang trong quá trình chuyển sang dòng tàu Delta Class mới hơn, với các chuyến bay dự kiến bắt đầu vào năm 2026.
Công ty cho biết tàu có khả năng thực hiện nhiệm vụ hai lần một tuần và có thể chở sáu hành khách, tăng từ bốn hành khách của Unity, với các cabin có nhiều cửa sổ hơn.
Đó là một hành trình chuyển đổi, kết nối cảm xúc. Nó hấp dẫn, truyền cảm hứng và đầy khát vọng trong mọi khía cạnh
Các chuyến bay vào không gian của Virgin Galactic đã bắt đầu tại Spaceport America ở New Mexico, nơi du khách trải qua ba ngày chuẩn bị và đào tạo chuyên sâu trước khi phóng.
“Tất cả đều được thiết kế để chuẩn bị về mặt thể chất và tinh thần cho bạn khi bay trong cabin đó,” huấn luyện viên Colin Bennett cho biết. “Có rất nhiều kỹ năng và kiến thức thực tế mà chúng tôi cần dạy, nhưng chúng tôi thực sự muốn các phi hành gia có trạng thái tinh thần tốt. Chúng tôi muốn họ cảm thấy tự tin, không lo lắng. Có một số buổi học trên lớp về hồ sơ bay. Chúng tôi dạy bạn về lực G trên cơ thể, giúp bạn làm quen với bộ đồ bay, tất cả các thiết bị bạn cần và cách ra vào ghế trên tàu vũ trụ khi bạn ở trong điều kiện vi trọng lực. Chúng tôi có một bản sao kích thước thật của cabin trên sàn tập luyện của chúng tôi.”
Vào buổi sáng ngày phóng, con tàu cất cánh từ Spaceport America được gắn vào một máy bay vận chuyển tàu mẹ. Sau 45 phút leo lên độ cao khoảng 50.000 feet (15.250 mét) – cao hơn một chút so với chuyến bay thương mại – tàu vũ trụ tách ra khi nó đốt cháy các tên lửa đẩy của chính nó, đưa phương tiện lên cao với tốc độ Mach 3.
Sau khi đốt cháy trong 60 giây, tên lửa đẩy sẽ ngừng hoạt động khi tàu đạt đến độ cao không có sức cản của không khí, tại đó tàu sẽ lướt đi theo quán tính cho đến khi trọng lực cuối cùng làm chậm tàu lại và dừng hẳn.
Khi đến gần điểm cực đại này, cách hành tinh của chúng ta khoảng 290.000 feet, các phi hành gia có thể tháo dây an toàn và lơ lửng trong cabin trong vài phút, chiêm ngưỡng quang cảnh ngoạn mục và góc nhìn thay đổi cuộc sống về hành tinh của chúng ta giữa những vì sao bao phủ và không gian đen tối.
Trong quá trình hạ xuống, cần trục đuôi của tàu quay theo cấu hình gấp đôi tàu lại, để sẵn sàng cho việc tái nhập khí quyển. Để trọng lực làm việc, tàu lướt trở lại, hạ cánh tại Spaceport America. Toàn bộ chuyến đi từ khi cất cánh đến khi hạ cánh mất khoảng ba giờ.
Willoughby cho biết “Chúng ta không đi lên để ngắm mặt trăng, ngắm các vì sao hay các hành tinh khác. Đó không phải là ý tưởng của chúng ta. Chúng ta đi lên để nhìn xuống hành tinh của mình, để nhận ra nó mong manh, không biên giới và đẹp đẽ. Đó là một hành trình chuyển đổi, kết nối cảm xúc. Nó hấp dẫn, truyền cảm hứng và đầy khát vọng ở mọi khía cạnh.”