Thế giới có hơn 70.000 đầu đạn hạt nhân như thế này |
Bà Hudson kêu gọi Thủ tướng Anh Gordon Brown “chấm dứt những cuộc tuần tra liên tục tiếp theo động thái giảm cấp báo động hạt nhân mới đây của Tổng thống Obama”. Tuy bà không nói ra nhưng rõ ràng chính sách răn đe hạt nhân của Pháp, Anh đã gián tiếp tạo ra vụ va chạm tàu cực kỳ nguy hiểm nói trên bởi cả đôi bên không chịu chia sẻ thông tin về vùng hoạt động của những tàu ngầm chiến lược hạt nhân (TNCLHN) của họ.
Tai họa lơ lửng trên đầu
Mỹ đang triển khai 14 chiếc TNCLHN, mỗi chiếc mang những đầu đạn hạt nhân có thể hủy diệt những thành phố lớn như New York, Paris hay London trong vòng 30 phút. Nga cũng có một lực lượng TNCLHN hùng hậu tương tự. Anh và Pháp, khiêm tốn hơn, mỗi nước có 4 chiếc và lúc nào cũng có một chiếc đang di chuyển bí mật ở đâu đó dưới lòng các đại dương sẵn sàng phóng tên lửa phản công nếu xảy ra một trận chiến hạt nhân. Tình báo Mỹ tiết lộ Trung Quốc đang chế tạo 5 chiếc TNCLHN.
Tất cả những TNCLHN là tàn dư của chiến tranh lạnh. Trên lý thuyết, chúng đã có thể hoàn thành sứ mệnh sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Thế nhưng 18 năm sau, chúng vẫn tồn tại phục vụ cho chính sách răn đe hạt nhân của các nước. Kể từ khi Mỹ ném hai quả bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945, kho bom hạt nhân trên thế giới (hơn 70.000 đầu đạn hạt nhân, theo số liệu năm 1986) không hề và có lẽ sẽ không bao giờ có dịp để sử dụng. Trên thực tế chúng trở thành biểu tượng của thanh thế hơn là bảo đảm an ninh (tạp chí Foreign Policy - Anh ngày 25-2-2009).
Phải chăng đó là nhờ chính sách răn đe hạt nhân mà nhiều nước hiện nay vẫn duy trì, theo đó vũ khí hạt nhân hiện đại có tác dụng ngăn chặn một cuộc chiến giữa hai nước có vũ khí hạt nhân? Hay nói như người Pháp: Vũ khí hạt nhân khiến các nước trở nên tự do hơn một cách tích cực hoặc tiêu cực.
Thế nhưng răn đe hạt nhân không ngăn được việc phổ biến hạt nhân. Sau khi Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc (tất cả đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc) đạt danh hiệu cường quốc hạt nhân, Ấn Độ và Pakistan - hai nước kình địch ở sát bên nhau - cũng đua nhau sản xuất vũ khí hạt nhân, dùng chính sách răn đe hạt nhân để kiềm chế nhau từ thập niên 1980. Không kể Israel tuy kín tiếng cũng có một kho vũ khí hạt nhân bí mật còn hùng hậu hơn Anh và Pháp.
Và gần đây, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên và Iran cho thấy các nước này không chỉ muốn tự khẳng định mình mà còn nhằm tự vệ chống lại ưu thế quân sự của phương Tây.
Với những kho vũ khí cố định và lưu động (máy bay, TNCLHN...) ngày càng nhiều như vậy, an ninh thế giới không trở nên an toàn như mọi người trông đợi. Vụ va chạm – may thay chưa gây hậu quả nghiêm trọng – giữa chiếc HMS Vanguard và Le Triomphant hồi đầu tháng 2 vừa qua gợi nhớ những sự cố rùng rợn tưởng chừng như khó xảy ra. Nó cho thấy một khía cạnh lỗi thời và nguy hiểm của chính sách răn đe hạt nhân.
Năm 1995, do một sự cố trong hệ thống thông tin liên lạc ở đại sứ quán Nga tại Na Uy, giới quân sự Nga tưởng lầm một quả tên lửa nghiên cứu khí tượng phóng đi từ vùng biển Na Uy là một quả tên lửa đạn đạo phóng đi từ một TNCLHN của địch. Sự cố này đã được phát hiện ngay sau đó.
Vào thập niên 1980, cũng có một sự cố xảy ra trong hệ thống phòng vệ tên lửa Mỹ làm cho các quan chức Mỹ tin rằng đang có một đợt tấn công ồ ạt vào nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Sự cố này xảy ra đến hai lần và may thay không gây hậu quả nghiêm trọng.
Gần đây nhất, năm 2007, một chiếc oanh tạc cơ Mỹ bay nhiều giờ liền trên không phận nước Mỹ mà không biết mình mang theo 6 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng hoạt động. Những đầu đạn đi lang thang như thế trong tình trạng vô chủ quả là một ác mộng. Bởi các tên lửa mang đầu đạn này không có thiết bị tự hủy và một khi đã phóng đi không thể vô hiệu hóa ngòi nổ.
Sau vụ đụng tàu ngầm Anh-Pháp, tuần báo Mỹ Time nhận định rằng: “20 năm sau chiến tranh lạnh, cái giá mà chúng ta phải trả cho việc duy trì vũ khí hạt nhân là một thứ trò chơi mà sự không chắc chắn sẽ dẫn đến cái không thể tưởng tượng nổi. Câu hỏi đặt ra là có đáng như vậy không?”.
Tống khứ vũ khí hạt nhân
Cách đây 2 năm, tại Mỹ, các nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí hạt nhân vì hòa bình như cựu ngoại trưởng Henri Kissinger và George Shultz, cựu bộ trưởng quốc phòng William Perry và cựu chủ nhiệm Ủy ban Quân dịch của thượng viện Sam Nunn đã đồng thanh kêu gọi chấm dứt vũ khí hạt nhân trên nhật báo The Wall Street Journal.
Tại Nga, cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng tuyên bố: “Chuyện này đã quá rõ: Vũ khí hạt nhân không còn là phương tiện bảo đảm an ninh”. Ngoại trưởng Anh, bà Margaret Beckett, tháng 6-2007, kêu gọi xây dựng “một tầm nhìn, một kịch bản cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, lúc đi vận động tranh cử, cũng từng long trọng hứa “sẽ biến mục tiêu loại trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới thành nhân tố trung tâm của chính sách hạt nhân Mỹ”. Tuần rồi, phát biểu trước quốc hội, ông Obama cũng nói sẽ “cải tổ ngân sách quốc phòng, không chi trả cho các hệ thống vũ khí thời chiến tranh lạnh mà chúng ta không dùng”.
Trong bài xã luận của mình, nhật báo The Irish Times viết: “Đã đến lúc chúng ta cần tống khứ vũ khí hạt nhân trước khi nó tống khứ chúng ta”.
Theo NLĐ