Có thể khẳng định rằng di sản lớn nhất, rõ rệt nhất và có ảnh hưởng nhất của thời kỳ Anh thống trị Ấn Độ đó là mạng lưới đường sắt xuyên quốc gia. Bởi vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản - bằng hữu khu vực ưa thích của Ấn Độ - đang thúc đẩy quan hệ bằng việc đầu tư mạnh vào hệ thống tàu hỏa.
Điều đó không có nghĩa là Nhật Bản có kế hoạch đô hộ Ấn Độ. Trên thực tế, tình hữu nghị xuyên Á vốn nảy nở trong một thập kỷ qua không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế và đầu tư, mà còn mang ý nghĩa chiến lược.
Khi đoàn tàu cao tốc Shinkansen bắt đầu vận hành tuyến Mumbai-Ahmedabad sẽ trở thành một biểu tượng tỏa sáng của tình hữu nghị Ấn-Nhật trong tương lai. |
Kỳ vọng và thực tế
Tàu cao tốc ở Ấn Độ được xây dựng dựa trên mô hình tàu Shinkansen của Nhật Bản, với tốc độ lên tới 320 km/h. Ấn Độ đang hứa hẹn xây dựng tổng cộng 8 tuyến tàu cao tốc, bao gồm Delhi-Ahmedabad, Delhi-Amritsar, Delhi-Varanasi, Chennai-Mysore, Mumbai-Hyderabad, Mumbai-Nagpur và Varanasi-Howrah.
Tuyến đầu tiên, từ Mumbai tới Ahmedabad, đang được xây dựng với chi phí 15 tỷ USD. 80% chi phí xây dựng đang được cung cấp bằng khoản cho vay của Nhật Bản với lãi suất 0,1% và thời gian hoàn trả sẽ chỉ bắt đầu 15 năm sau khi dự án hoàn tất, kéo dài trong 50 năm. Đây được xem là các điều khoản vay vô cùng hấp dẫn.
Tuyến tàu cao tốc này sẽ có 12 chặng dừng, trải dài trên 508 km, rút ngắn thời gian di chuyển hiện tại là 8 tiếng xuống còn 3 tiếng. Khi đoàn tàu cao tốc Shinkansen bắt đầu vận hành tuyến Mumbai-Ahmedabad sẽ trở thành một biểu tượng tỏa sáng của tình hữu nghị Ấn-Nhật trong tương lai.
Tuy nhiên, dự án này đang gặp nhiều vấn đề. Tháng 9/2020, Giám đốc Điều hành Ban Đường sắt V K Yadav thừa nhận với các phóng viên rằng dự án này “đang bị trì hoãn”. Điều này có nghĩa là dự án có thể kéo dài hơn dự kiến ban đầu thêm 5 năm, và có thể hoàn tất trong nửa cuối năm 2028.
Vấn đề ở đây chủ yếu là liên quan đến việc thu hồi đất đai - vốn là vấn đề gây cản trở hầu hết dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ - đặc biệt tại Maharashtra, nơi chính quyền bang có phần “dễ dãi” hơn tại bang Gujarat (quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi).
Các nông dân ở cả hai bang đang biểu tình bởi lý do họ không được đền bù thỏa đáng cho phần đất đai được sử dụng cho dự án, và đặt câu hỏi rằng tại sao Ấn Độ lại xây dựng tàu cao tốc trong lúc vẫn đang vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của phần lớn người dân.
Niềm tự hào của quan hệ song phương
Tuy nhiên, nếu gạt sang một bên các quan ngại, dự án này là niềm tự hào của mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ, và cả hai chính phủ đều mong muốn duy trì các dòng chảy đầu tư. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Nhật Bản đã rót hơn 30 tỷ USD vào Ấn Độ, với gần 3 tỷ USD trong năm ngoái.
Mặc dù đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã gây tổn hại nặng nề, nhưng theo Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF), các doanh nghiệp Nhật Bản tại Ấn Độ vẫn cam kết duy trì xu hướng này, điều nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương Ấn-Nhật đối với Tokyo.
Dự án tàu cao tốc là một phần trong tổng thể đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ, trong đó cũng bao gồm Hành lang Công nghiệp New Delhi-Mumbai (DMIC), một dự án hợp tác quan trọng để thiết lập vành đai công nghiệp lớn nhất của Ấn Độ với việc kết nối các khu công nghiệp và hải cảng của 6 bang giữa hai thành phố chính để thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư trực tiếp.
Các công ty tư nhân Nhật Bản cũng thể hiện rõ sự hiện diện của họ ở Ấn Độ. Hơn 1.440 công ty Nhật Bản đang hiện diện ở Ấn Độ và đặc biệt bang Rajasthan và bang Gujarat đang tiến hành các nỗ lực mời thầu để thu hút đầu tư.
Hàm lượng chiến lược cao
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ cũng mang tính chiến lược: cả hai đều là thành viên của nhóm "Bộ tứ", bên cạnh Australia và Mỹ. Năm ngoái, hai nước đã tiến hành đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng (đối thoại 2+2) lần đầu tiên ở thủ đô New Delhi trong hai ngày 30/11 và 1/12. Nhật Bản là quốc gia thứ 2 sau Mỹ mà Ấn Độ áp dụng thể thức đối thoại 2+2, trong khi New Delhi là đối tác 2+2 thứ 7 của Tokyo.
Tuần trước, lực lượng vũ trang Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận để cho phép hỗ trợ cung cấp quân nhu, mở đường cho hợp tác quân sự mật thiết hơn.
Thủ tướng Narendra Modi và cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng có mối quan hệ cá nhân gần gũi. Hiện có rất ít thông tin về cách tiếp cận sắp tới của tân Thủ tướng Suga Yoshihide với quan hệ song phương Ấn-Nhật, nhưng nhiều người dự đoán rằng ông sẽ tiếp tục đường hướng của người tiền nhiệm.
Trong bối cảnh này, rõ ràng rằng dự án tàu cao tốc, bên cạnh việc bổ sung cho cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại, cũng là dự án mang tính biểu tượng bởi Ấn Độ đang xây dựng nó trên dấu tích của thời thuộc địa cũ với các đối tác mới hướng tới tương lai.