Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước các binh sĩ trong chuyến thăm tới Ladakh gần biên giới với Trung Quốc hồi đầu tháng 7/2020. (Nguồn: AP) |
Tờ Hindustan Times ngày 10/3 đăng bài bình luận của GS. Harsh V Pant - Giám đốc nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Người Quan sát (ORF) - về những toan tính mới của New Delhi tại khu vực. Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế Harsh V Pant, Ấn Độ đang có vị thế mạnh và có thể mang lại cơ hội cho hòa bình sau khi chứng tỏ nước này có thể bảo vệ một cách thỏa đáng những lợi ích của mình khi bị thách thức.
Những động thái "lạ"
Tháng trước, chính sách khu vực của New Delhi đã có một sự thay đổi đáng chú ý nữa khi nước này bắt đầu tiến hành rút quân dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) với Trung Quốc và tuyên bố ngừng bắn dọc theo Đường kiểm soát (LoC) với Pakistan.
Sau 9 vòng đàm phán quân sự cấp cao, tiến trình rút quân ở khu vực Pangong Tso đã chứng kiến quân đội cũng như thiết giáp của Trung Quốc và Ấn Độ rút về các căn cứ thường trực của họ.
Mặc dù quân đội Ấn Độ vẫn tiếp tục trực chiến với Trung Quốc tại nhiều địa điểm dọc LAC, song động thái này đang được nhiều người coi là bước khởi đầu của quá trình giảm leo thang vốn sẽ kéo dài giữa hai "gã khổng lồ" châu Á.
Tại LoC, Tư lệnh quân đoàn của hai quốc gia đã trao đổi qua điện thoại và quyết định tuân thủ tất cả các thỏa thuận ngừng bắn dọc theo LoC và các khu vực thuộc đường biên giới quốc tế “nhằm đạt được hòa bình bền vững và có lợi cho cả hai bên dọc theo biên giới”.
Mặc dù năm 2018, hai bên đã nhất trí tiếp tục tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn năm 2003, nhưng số lượng các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ngày càng gia tăng trong những năm gần đây và tình hình dọc theo đường biên giới này ngày càng trở nên bất ổn.
Hơn 5.000 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn đã được báo cáo trong năm 2020 và từ đầu năm tới nay Pakistan đã vi phạm hơn 600 lần. Với tình hình quan hệ Ấn Độ-Pakistan như hiện nay, việc hai bên tuyên bố ngừng bắn khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên.
Điều gây ngạc nhiên trong các phân tích về những diễn biến này ở Ấn Độ là một cảm giác rất kỳ lạ về tư tưởng chủ bại. Một số người chỉ trích những động thái này là rụt rè, trong khi những người khác cho rằng New Delhi làm như vậy do chịu sức ép từ bên ngoài.
Những thông điệp "gắt"
Người ta chỉ có thể chỉ trích các động thái chính sách sau khi đánh giá những thay đổi cơ bản trong môi trường khu vực của Ấn Độ cũng như chính sách đối ngoại và các động thái an ninh của New Delhi. Nhưng sự đánh giá này dường như đã bị bỏ qua.
Tất cả các khuôn khổ chính sách đều được định hình dựa trên một bối cảnh trong nước, khu vực và toàn cầu rộng lớn hơn. Không một quốc gia nào, ngay cả quốc gia hùng mạnh nhất, có thể tồn tại trong tình trạng cô lập tuyệt đối, khi các yếu tố bên ngoài không ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách.
Chính sách thông minh là nhận ra được những ràng buộc và sử dụng chúng để làm lợi thế cho mình vào đúng thời điểm. |
Diễn biến địa chính trị quan trọng nhất trong vài tháng qua là việc Ấn Độ đương đầu với Trung Quốc sau sự cố ở Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020 và nói rõ với Bắc Kinh cũng như thế giới rằng Ấn Độ có thể chống lại thành công sự xâm lược của Trung Quốc.
Ngay cả khi các lực lượng Ấn Độ thách thức phía Trung Quốc- quốc gia giàu tài nguyên hơn đáng kể so với Ấn Độ - dọc theo LAC, chính sách ngoại giao của Ấn Độ đảm bảo rằng New Delhi vẫn giữ vai trò trung tâm trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay, nổi lên như một lực lượng có thể đảm bảo an ninh trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đối với hầu hết các quốc gia, việc đối đầu với Trung Quốc trong một môi trường toàn cầu đầy thách thức sẽ là điều không thể, New Delhi đã dám đứng lên. Thông điệp của Ấn Độ với thế giới là: Nếu đây là điều bình thường mới thì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng.
Thông điệp của Ấn Độ với thế giới là: Nếu đây là điều bình thường mới thì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. |
Sự thay đổi thực sự
Không một quốc gia nào, ngay cả quốc gia hùng mạnh nhất, có thể tồn tại trong tình trạng cô lập tuyệt đối, khi các yếu tố bên ngoài không ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách. |
Không chỉ thế giới mà cả Bắc Kinh cũng đã chú ý tới thông điệp này. Nếu ngày nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nói về “sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết tranh chấp biên giới”, thì đó chủ yếu là do một thông điệp nhất quán từ phía Ấn Độ rằng mối quan hệ Trung-Ấn không thể tách rời khỏi vấn đề biên giới.
Cơ cấu chiến lược lớn hơn của quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn mong manh hơn bao giờ hết và Trung Quốc sẽ không thay đổi cách hành xử của họ chỉ bởi vì nước này đã rút quân khỏi một phần của LAC.
Tuy nhiên, chúng ta không thể tiếp tục phớt lờ thực tế rằng khả năng của Ấn Độ trong việc định hình cách thức nước này tương tác với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.
Sự tự tin này được thể hiện qua cách mà New Delhi đã cùng Pakistan giải quyết vấn đề liên quan tới LoC bằng một thỏa thuận ngừng bắn mới.
Sau nhiều thập kỷ, chính sách của Ấn Độ đối với Pakistan đã có thể khiến Pakistan chịu áp lực từ nhiều phía. Về mặt kinh tế, sự cô lập của quốc tế đối với Pakistan đang gây ra nhiều đau đớn và sự giám sát kỹ lưỡng như một phần công việc của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính đã tỏ ra hiệu quả hơn suy nghĩ ban đầu.
Về mặt ngoại giao, chiến dịch của Ấn Độ chống lại Pakistan đặt trọng tâm vào việc Pakistan sử dụng chủ nghĩa khủng bố như một công cụ chính sách nhà nước.
Về mặt quân sự, Ấn Độ đã chứng minh rằng họ không chỉ có phương tiện để vượt qua được khả năng hạt nhân của Pakistan mà còn có thể đáp trả thỏa đáng trên mặt trận thông thường và có thể khiến Pakistan phải trả giá vì hành vi liều lĩnh của mình.
Và về mặt chiến lược, bằng cách đứng lên chống lại Bắc Kinh, New Delhi đã nói rõ với Islamabad rằng trục Trung Quốc-Pakistan không chắc có thể tạo ra thách thức từ hai phía đối với New Delhi.
Do đó, đối với New Delhi, việc tạo ra một cuộc chơi để đàm phán ngoại giao với Trung Quốc và Pakistan không còn tốn kém như trước đây nữa.
Và đó là sự thay đổi thực sự trong "ma trận" khu vực và tính toán an ninh của Ấn Độ. Ấn Độ không đem lại cơ hội hòa bình chỉ vì một số quan niệm còn mơ hồ về sự cải thiện quan hệ trong khu vực hay vì áp lực từ các bên liên quan như Washington.
New Delhi chưa bao giờ từ chối biện pháp ngoại giao ngay từ đầu. Nếu Ấn Độ bây giờ một lần nữa sẵn sàng cho ngoại giao một cơ hội, thì điều đó chỉ xảy ra sau khi New Delhi thể hiện rõ ràng rằng Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ các lợi ích của mình khi bị thách thức.
Và những đối thủ trong khu vực của Ấn Độ đang lắng nghe thông điệp này.