Ấn Độ đã không nêu lập trường rõ ràng về chính sách “Một Trung Quốc” và vấn đề Đài Loan như nhiều nước khác - Ảnh minh họa. (Nguồn: Times Now) |
Ngày 12/8, trả lời câu hỏi phóng viên Tân Hoa xã về lập trường của Ấn Độ với chính sách “Một Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: “Các chính sách của Ấn Độ đã được nêu và vẫn nhất quán. Không cần phải nhắc lại”. Mặc dù Ấn Độ vẫn duy trì lập trường ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc” song đã từ lâu, cụm từ trên không còn xuất hiện trong các tuyên bố song phương của New Delhi với Bắc Kinh.
Quá khứ và hiện tại
Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngay từ năm 1950, cắt đứt quan hệ với Đài Loan, ủng hộ Trung Quốc thay Đài Loan (Trung Quốc) ở Liên hợp quốc và sau đó liên tục ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”. Mãi đến năm 1995, Ấn Độ mới lập văn phòng đại diện tại Đài Bắc và luôn chú ý duy trì quan hệ này ở cấp độ thấp để tránh phật lòng Bắc Kinh.
Theo ông Raja Mohan, giáo sư thỉnh giảng của Viện Nghiên cứu Nam Á (ISAS) thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia tại Viện Chính sách Xã hội châu Á New Delhi (Ấn Độ), “đằng sau việc từ chối đề cập trực tiếp cụm từ ‘Một Trung Quốc’ ẩn giấu sự thay đổi tương đối về lập trường của New Delhi”.
Trong 20 năm trở lại đây, New Delhi đã bớt mặn mà với nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Tình hình căng thẳng ở biên giới, thậm chí là xung đột đẫm máu, vào năm 2013, 2014, 2017 và 2019 đã phá hoại hòa bình và ổn định ở biên giới hai nước.
Về vấn đề Đài Loan, ông Mohan cho rằng, New Delhi và nhà cầm quyền Đài Bắc có lẽ đang muốn tạo một đối trọng ổn định ở châu Á để hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Cả hai dường như tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với Washington và các đồng minh của Mỹ.
Thông điệp cũ hay mới
Tuy nhiên, theo Giáo sư Mohan, New Delhi không chính thức từ bỏ nhưng cũng không sẵn sàng tái khẳng định nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Ấn Độ đã không tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối trước cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc, trong khi các thành viên Bộ tứ khác đều đã lên tiếng.
Chuyên gia về quốc phòng và các vấn đề chiến lược Yusuf T. Unjhawala, biên tập viên Diễn đàn Quốc phòng Ấn Độ, nêu năm điểm đáng chú ý đằng sau thái độ này của Ấn Độ.
Đầu tiên, New Delhi cho rằng bất kỳ tuyên bố nào bày tỏ thái độ rõ ràng sẽ được Bắc Kinh diễn giải là một sự khẳng định hoặc phủ nhận “Một Trung Quốc”. Kể từ năm 2010, Ấn Độ đã tránh sử dụng thuật ngữ “Một Trung Quốc” trong các tuyên bố song phương nhằm tìm kiếm sự có đi có lại. New Delhi không muốn nhắc đến “Một Trung Quốc” trong mối quan hệ với nhà cầm quyền Đài Loan (Trung Quốc) để có thể sử dụng nó như một con bài trong đối thoại, đàm phán với Bắc Kinh.
Thứ hai, Ấn Độ cho rằng tình hình chưa đủ nghiêm trọng để đưa ra một tuyên bố rõ ràng thời điểm này. Sau khi Trung Quốc không thể ngăn cản bà Pelosi thăm Đài Bắc, Ấn Độ có thể coi cuộc tập trận của láng giềng là cách Bắc Kinh thể hiện cho người dân trong nước thấy phản ứng mạnh mẽ của chính phủ.
Đây là năm quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có. Do đó, ông sẽ không mạo hiểm phát động một cuộc chiến với kết quả không chắc chắn, nhất là sau xung đột Nga-Ukraine.
Thứ ba, nhà cầm quyền Đài Bắc hy vọng chuyến thăm của bà Pelosi nâng cao vị thế và thu hút sự chú ý của quốc tế đối với Đài Loan. Cả Mỹ và Đài Loan đều muốn chuyến thăm này diễn ra và đã tính đến các phản ứng có thể xảy ra từ phía Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ không cần phải nói bất cứ điều gì vào lúc này.
Thứ tư, Ấn Độ không biết chính trường Đài Bắc sẽ xoay chuyển theo hướng nào. Quốc dân đảng đối lập nắm quyền giai đoạn 2012-2016 ủng hộ thống nhất, song Đảng Dân Tiến cầm quyền lại ủng hộ độc lập và đã chiến thắng liên tiếp trong các cuộc bầu người đứng đầu. Với tình hình biến động của thế giới và eo biển Đài Loan, xu hướng này vẫn có thể đổi chiều.
Cuối cùng, New Delhi vẫn chưa được lợi ích đáng kể từ Đài Loan (Trung Quốc), trụ sở của các công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới. Đài Bắc đã đóng vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của Bắc Kinh như cường quốc sản xuất khi 200 tỷ USD vào đại lục từ năm 1991-2021.
Do đó, đầu tư của Đài Loan vào lĩnh vực sản xuất có thể mang lại lợi ích cho Ấn Độ, vốn coi mình là giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc với chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần đây, Ấn Độ gần đây đã nhận được các khoản đầu tư từ các công ty có trụ sở tại Đài Loan, nhất là trong lĩnh vực chất bán dẫn. Hai bên đã ký thỏa thuận đầu tư song phương vào năm 2018 và bắt đầu đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) năm 2021. Hơn 120 công ty Đài Loan đã có mặt tại Ấn Độ, với số vốn đầu tư 2,3 tỷ USD năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp so với những gì Ấn Độ mong muốn.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục không nhắc đến cụm từ “Một Trung Quốc” và tình hình Eo biển Đài Loan cho phép New Delhi có sự linh hoạt cần thiết trong tương tác với Bắc Kinh và nhà cầm quyền Đài Bắc để tối đa hóa lợi ích của mình.
| Vấn đề Đài Loan: Bắc Kinh hối Washington tuân thủ nguyên tắc ‘một Trung Quốc’, cảnh báo về đợt căng thẳng mới Ngày 17/8, Trung Quốc đã thúc giục Mỹ ‘rút ra bài học từ lịch sử’, từ đó tôn trọng 3 thông cáo chung Trung-Mỹ và ... |
| Trung Quốc hoãn xử lý người bị đề xuất trừng phạt, Ấn Độ chỉ trích không nên có 'tiêu chuẩn kép' Ấn Độ chỉ trích quyết định của Trung Quốc không áp đặt các lệnh trừng phạt do Ấn Độ và Mỹ tìm cách thông qua ... |
| Đề phòng căng thẳng leo thang, không quân Ấn Độ-Trung Quốc lập đường dây nóng Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ tiết lộ với hãng thông tấn ANI rằng, nước này và Trung Quốc nhiều khả năng thiết lập ... |
| Tăng cường hợp tác ở 'sân sau của Ấn Độ', Trung Quốc-Pakistan tập trận chung Trung Quốc và Pakistan ngày 10/7 đã mở màn cuộc tập trận mang tên "Sea Guardians-2” ở ngoài khơi bờ biển Thượng Hải. |
| Ngoại trưởng Trung Quốc: Australia nên đối xử với Bắc Kinh như một đối tác, chứ không phải đối thủ Đó là khẳng định của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi gặp mặt trực tiếp người đồng cấp Australia Penny Wong bên lề Hội ... |