TIN LIÊN QUAN | |
Brexit: Trưởng đoàn đàm phán bác thông tin về "hóa đơn ly hôn" | |
Tác động của Brexit đến khu vực và Việt Nam |
Tanja Pardela (45 tuổi) chuẩn bị rời London – thành phố mà cô đã gắn bó hơn 10 năm qua để trở về Đức trong tháng tới. Đây là một quyết định rất khó khăn đối với cô bởi trong thời gian làm y tá tại một bệnh viện lớn, Pardela đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm làm việc.
Thành phố bên bờ sông Thames cũng là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp của cô cùng bạn bè, đồng nghiệp. “Từ sau sự kiện Brexit, mỗi khi tỉnh dậy, tôi chợt nhận ra rằng mình đang ở một quốc gia khác”, Pardela buồn bã chia sẻ.
Ngành y tế và chăm sóc sức khỏe của Anh được dự báo là một trong những ngành thiếu nhân lực nghiêm trọng nhất khi tiến trình Brexit hoàn tất. (Nguồn: New York Times) |
Là một trong những trung tâm tài chính sôi động bậc nhất thế giới, London là nơi đặt trụ sở của rất nhiều ngân hàng, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của châu Âu. Tuy nhiên, nước Anh đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân lực trầm trọng khi số lượng lao động nhập cư từ châu Âu sụt giảm đáng kể, từ những vị trí việc làm dài hạn, ổn định, lẫn những vị trí việc làm ngắn hạn, thời vụ.
Theo số liệu mới nhất được công bố, từ tháng Ba năm nay, đã có 122.000 lao động châu Âu rời khỏi nước Anh trong khi số người đến lại không tăng lên. Trong số những người có ý định rời nước Anh có 28% muốn trở về quê hương, 14% cho biết sẽ đến Tây Ban Nha, 11% dự định sẽ đến Mỹ, 9% chọn Australia và 8% muốn tới Canada.
“Các bộ phận của nền kinh tế Anh dựa nhiều vào công nhân đến từ châu Âu nhưng bộ phận lao động nhập cư này lại đang có xu hướng rời khởi Anh. Nước Anh không chỉ khát nhân lực chất lượng cao, mà cả những vị trí lao động phổ thông như đầu bếp, lái xe, nhân viên kho hàng... cũng đang thiếu hụt”, ông Kevin Green – Giám đốc Liên đoàn việc làm và tuyển dụng nước Anh (REC) lo lắng.
Thiếu nhân lực ngành y
Một trong những ngành được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng thiếu nhân lực hậu Brexit là ngành y tế và chăm sóc sức khỏe. Trước đây, ngành y tế của xứ sở sương mù đã thường xuyên lâm vào cảnh thiếu lao động. Trung bình, nước Anh thiếu khoảng 40.000 lao động cho các vị trí như y tá hay nhân viên điều dưỡng.
Trước Brexit, nhờ các chính sách khuyến khích lao động nhập cư, đặc biệt là việc tuyển dụng y tá từ các nước trong EU đã giúp nước Anh giải tỏa được nỗi lo này, đặc biệt là tại London – nơi có tỷ lệ lao động nhập cư làm trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe chiếm 14%, gấp hai lần mức trung bình của cả nước. Điển hình tại bệnh viện mà Pardela đang làm việc, có đến 1/3 số y bác sĩ đến từ các nước châu Âu như Đức, Pháp, Italy, Hy Lạp…
Pardela kể, cô từng phải phấn đấu nỗ lực liên tục trong vòng một năm để được làm y tá trưởng của bệnh viện. Tuy nhiên, giờ cô lại lo lắng sẽ không có ai tiếp quản vị trí này sau khi cô rời đi. “Thật trớ trêu, trước đây, chúng tôi đã phải cạnh tranh để có được một vị trí tốt. Nhưng giờ lại không tìm được người để tiếp quản nó”, Pardela nói.
Tình trạng pháp lý của công dân không rõ ràng, đặc biệt là khi các cuộc đàm phán về tiến trình Brexit giữa Brussels và London liên tục bị đình trệ, là một trong những lý do chính khiến rất nhiều người lao động châu Âu tại Anh hoang mang, rối bời và quyết tâm “dứt áo ra đi”. Nhiều người lo ngại, nếu tiến trình Brexit được hoàn tất, họ sẽ mất đi quyền công dân đồng nghĩa với việc mất đi những phúc lợi cơ bản như trợ cấp xã hội, quyền lợi chăm sóc sức khỏe miễn phí…
Nỗ lực tìm giải pháp
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, không chỉ riêng ngành y tế, lực lượng lao động từ châu Âu hiện đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế nước Anh, từ các công ty công nghệ đến ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, khách sạn...
Báo cáo của Phòng Thương mại Anh (BCC) đưa ra cảnh báo, Anh sẽ thiếu trầm trọng nhân công nếu người đứng đầu các cơ quan, Bộ, ngành của Anh không “nhẹ tay” với vấn đề nhập cư, cho phép cả nhân công lành nghề và không lành nghề EU tiếp tục đến Anh làm việc. Các doanh nghiệp Anh cũng đã có những động thái được cho là thúc giục Chính phủ của Thủ tướng Therasa May về việc bảo đảm nguồn nhân lực là công dân khối EU.
Trong một nỗ lực tìm giải pháp nhằm đối phó với thách thức này, mới đây, trong một lá thư được đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để công dân EU có thể tiếp tục sinh sống và làm việc tại Anh sau khi Anh rời EU.
Bà May khẳng định, vấn đề quyền công dân là ưu tiên hàng đầu và các nhà lãnh đạo khác cũng có mục tiêu tương tự là đảm bảo quyền của công dân EU tại Anh và công dân Anh hiện sinh sống tại EU. Bà May cũng cam kết triển khai một tiến trình đơn giản và chi phí thấp cho công dân EU đủ điều kiện để xin “quy chế định cư” tại Anh - cho phép người nhập cư là công dân EU đã vào sống ở Anh trong 5 năm được hưởng quyền cư trú vĩnh viễn và các phúc lợi y tế, giáo dục và an sinh xã hội khác.
Vấn đề Brexit: Phí thành viên EU của Đức có thể "đội" lên Đức đang phải đối mặt với nguy cơ phải tăng phí thường niên đóng góp cho Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời ... |
Brexit: EU trước viễn cảnh mở rộng sang khu vực Balkan Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cho rằng, Brexit là một cơ hội để Liên minh châu Âu (EU) mở rộng và chào đón những nước ... |
Trung tâm tài chính London sẽ mất 10.000 việc làm ngày đầu Brexit Phát biểu tại phiên điều trần trước Tiểu ban tài chính EU thuộc Thượng viện Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ... |