Áp lực rời khỏi Trung Quốc: Cuộc di cư lớn của doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu? Trong ảnh: Khu tài chính Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: Global Times) |
Tại thương chiến Mỹ-Trung Quốc?
Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc mới đây cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm Khảo sát Môi trường kinh doanh của tổ chức này, Trung Quốc không còn được hầu hết các công ty thành viên coi là thị trường nằm trong Top 3, theo SCMP.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television gần đây, Giám đốc điều hành David Livingstone của Citigroup Inc tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi cũng tiết lộ, các khách hàng của công ty ông đang có xu hướng chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Quá trình này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Theo Bloomberg, khoảng 90% các nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple đang lên kế hoạch di chuyển lớn đến các nước khác.
Phó Chủ tịch Kazuyoshi Yoshinaga của GoerTek Inc. - công ty chuyên sản xuất tai nghe Airpods cho Apple cũng cho hay, nhiều nhà sản xuất đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất khác bên ngoài Trung Quốc. Công ty GoerTek đang đầu tư 280 triệu USD vào một nhà máy mới tại Việt Nam và cân nhắc mở rộng thêm ở Ấn Độ.
Đánh giá về xu hướng này, Bloomberg cho rằng, sẽ cần khoảng 8 năm để dịch chuyển 10% hoạt động sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, đại diện của GoerTek Inc. nhận định, thời gian sẽ ngắn hơn, do không chỉ các công ty nước ngoài mà cả các công ty của Trung Quốc cũng đang gặp áp lực di chuyển sản xuất.
Kết luận cuộc khảo sát mới đây của AmCham ở khu vực phía Nam Trung Quốc cho thấy, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã và đang có tác động ngày càng tiêu cực đến các doanh nghiệp. Tham gia khảo sát có khoảng 28% doanh nghiệp đến từ Mỹ, 25% từ châu Âu, Canada, Hong Kong (Trung Quốc) và Đông Nam Á, khoảng 43% đến từ Trung Quốc đại lục.
Theo đó, khoảng 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát tình hình kinh doanh cho biết, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “rất có khả năng” sẽ mở rộng trong năm nay, với 64% doanh nghiệp cho rằng tác động của "cuộc chiến" này đối với hoạt động kinh doanh sẽ kéo dài hơn 2 năm.
Thuế quan do Mỹ áp đặt đã có tác động tiêu cực đến gần 60% công ty ở miền Nam Trung Quốc vào năm ngoái, tăng dần từ mức 55% vào năm 2021 và 53% vào năm 2020.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp dự kiến sẽ dành 18,3 tỷ USD từ lợi nhuận để tái đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2023 và 3 đến 5 năm tới, giảm khoảng 31% so với năm ngoái.
Khoảng 74% doanh nghiệp có kế hoạch tái đầu tư dưới 10 triệu USD, bao gồm 79% công ty của Trung Quốc và 81% doanh nghiệp Mỹ. Đáng chú ý, không có công ty Mỹ nào có kế hoạch tái đầu tư cho các dự án trị giá trên 250 triệu USD, trong khi đó, con số này là 6% ở các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một số doanh nghiệp đã lựa chọn chuyển một số khoản đầu tư từ Trung Quốc sang các khu vực khác trên thế giới vào năm 2022, tăng 3% so với năm 2021.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù Trung Quốc vẫn là địa điểm hàng đầu về đầu tư toàn cầu theo kế hoạch, nhưng các dữ liệu trên đều cho thấy kỳ vọng của các doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất trong 5 năm khi lo lắng về căng thẳng Mỹ-Trung Quốc sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Bình luận về xu hướng này, tờ Global Times cho rằng, việc doanh nghiệp nước ngoài "tách" khỏi Trung Quốc sẽ mất "cơ hội vàng": “Vào thời điểm mà còn rất ít nghi ngờ rằng, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ là một điểm sáng lớn trong nền kinh tế toàn cầu, thật kỳ lạ khi thấy một số quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài dường như đang bơi ngược dòng”.
Đừng bỏ lỡ những cơ hội “vàng”
Global Times khẳng định, dù đầu tư nước ngoài có xu hướng xa lánh Trung Quốc bởi lo ngại những rủi ro địa chính trị gia tăng do căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, nhưng không thể bác bỏ thực tế rằng, những cơ hội đầu tư “vàng” mà doanh nghiệp sẽ nhận được từ sự phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới này là khá khan hiếm, trong môi trường kinh tế toàn cầu suy giảm hiện nay.
“Nếu bất kỳ công ty nước ngoài nào bỏ lỡ cơ hội đầu tư ở Trung Quốc, thì đó là vấn đề của chính họ chứ không phải vấn đề của Trung Quốc” bình luận của Global Times.
Dữ liệu mới nhất được công bố vẫn cho thấy thị trường Trung Quốc không kém phần hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài.
Vào tháng 1/2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, trên thực tế, đạt 127,69 tỷ NDT (18,49 tỷ USD), tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh giữ mức tăng trưởng ổn định trong thu hút đầu tư nước ngoài là bằng chứng đủ để cho thấy phần lớn các công ty đa quốc gia vẫn lạc quan về việc phát triển kinh doanh ở Trung Quốc trong dài hạn.
Kết quả này là do sự phục hồi kinh tế của quốc gia châu Á đã được khẳng định chắc chắn trong nền kinh tế thế giới. Trong cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10/2022.
Ông Steven Barnett, Đại diện thường trú cấp cao của IMF tại Trung Quốc, cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay và đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hơn nữa, cần lưu ý rằng, nền kinh tế thứ hai thế giới không chỉ sẵn sàng phục hồi mà còn đạt được sự phát triển chất lượng cao. Trên đà phục hồi kinh tế sau đại dịch, quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc vốn chậm lại trước đây đã bắt đầu trở lại quỹ đạo bình thường, với những dấu hiệu tăng tốc mới.
Chẳng hạn, thành phố Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây phía Đông Trung Quốc, nơi được biết đến như thủ phủ lithium của châu Á, gần đây đã tuyên bố không khoan nhượng với tội phạm khai thác trái phép và gây hại cho môi trường, nêu cao quan điểm bảo vệ môi trường, tài nguyên và phát triển bền vững.
Trên thực tế, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế Trung Quốc sẽ là cơ sở cho việc hoạch định và thực thi các chính sách, quy định kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, cũng là nền tảng và con đường hiện thực hóa các mục tiêu thịnh vượng chung.
Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng chất lượng cao của Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo cơ hội đầu tư tốt hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa là có thể hưởng lợi và thu được lợi nhuận lớn hơn từ sự tăng trưởng của Trung Quốc một cách hiệu quả nhất. Các công ty nước ngoài hoàn toàn có thể lập kế hoạch đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển của Trung Quốc.
“Có thể một số nhà đầu tư nước ngoài ban đầu sẽ gặp một số khó khăn, nhưng họ cần học cách phối hợp với các bên liên quan của Trung Quốc để mở ra các giải pháp trong quá trình đầu tư.
Từ quan điểm dài hạn và toàn cầu, hầu như không có thị trường tiềm năng khổng lồ nào như Trung Quốc với năng lực sản xuất và mạng lưới hậu cần quy mô lớn như vậy, chưa kể nước này sẽ còn tiếp tục mở cửa.
Nếu một số công ty nước ngoài tiếp tục tìm lỗi tại thị trường này, không nắm bắt cơ hội hoặc đi theo chiến lược "tách rời" của Mỹ, đó là vấn đề và thiệt hại của họ”, tờ Global Times kết luận.