Sự lựa chọn phù hợp
Hội nghị WEF ASEAN 2016, với sự tham dự của trên 550 đại biểu từ các chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức,… diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới nửa đầu năm 2016 tăng trưởng chậm, có dấu hiệu trì trệ, giá dầu thấp kéo dài, các bất ổn địa - chính trị chưa được giải quyết… Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 3,2% trong năm 2016 và 3,5% trong năm 2017. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại do kinh tế Trung Quốc giảm tốc, kinh tế Nhật Bản trì trệ và thương mại toàn cầu phục hồi chậm.
Trong khi đó, kinh tế các nước ASEAN dự báo tăng trưởng khoảng 4,7% năm 2016, trong đó, một số nước là những điểm sáng tăng trưởng trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia (tăng trưởng trên 7%), Philippines, Việt Nam (tăng trưởng 6-6,5%). WEF đánh giá các nước ASEAN có nhiều tiềm năng trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (phải) tại Hội nghị WEF ASEAN 2016. |
Năm 2016 là năm đầu tiên Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động. Đây là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực ở Đông Nam Á, trong đó ASEAN nỗ lực xây dựng một thị trường thống nhất, một cộng đồng hài hòa cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Do đó, việc Hội nghị WEF ASEAN năm 2016 chọn chủ đề tăng trưởng và bao trùm là phù hợp với mục tiêu và định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư
Trọng tâm thảo luận của Hội nghị WEF ASEAN 2016 bao gồm: Thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm xã hội; làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hợp tác khu vực.
Trưởng bộ phận phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood nhấn mạnh: “Với lực lượng lao động trẻ của mình, ASEAN có những nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai. Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu đang thay đổi và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang đến nhiều thách thức mới. Tiềm năng mạnh mẽ của khu vực ASEAN chỉ được biến thành hiện thực nếu chính phủ và doanh nghiệp cùng nhau đưa ra những ứng phó phù hợp”. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba năm 1969 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất. Tới nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được hình thành trên nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đó là cuộc cách mạng số, bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng này giúp thu hẹp ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học. Do đó, tại Diễn đàn năm nay, phiên thảo luận của các nhà lãnh đạo về “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của ASEAN” sẽ tập trung vào vai trò của Chính phủ trong phát triển khoa học công nghệ, tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước trong phát triển công nghệ.
Thành viên năng động và trách nhiệm trong ASEAN
WEF đánh giá Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong ASEAN, là một trong những điểm kết nối kinh tế giữa ASEAN với khu vực và thế giới do tích cực tham gia nhiều liên kết kinh tế khu vực.
Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Razak Najib; tham dự một số phiên thảo luận chuyên đề và gặp gỡ nhiều lãnh đạo và tập đoàn lớn. Tại Hội nghị, Việt Nam đã thể hiện là một nền kinh tế năng động, quyết tâm đổi mới toàn diện và tích cực hội nhập quốc tế. WEF ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về tổ chức Hội nghị WEF Mekong tại Hà Nội vào cuối tháng 10/2016 nhằm quảng bá cơ hội đầu tư Tiểu vùng Mekong đến cộng đồng doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Hội nghị WEF Mekong là một trong những minh chứng thể hiện đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác ASEAN và hợp tác Tiểu vùng Mekong nhằm thúc đẩy khơi dậy tiềm năng của các nước Mekong, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm, WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là WEF Đông Á, WEF Thiên Tân tại Trung Quốc, WEF về Ấn Độ, WEF về Mỹ Latinh… Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF tại Davos và Đông Á. |