Năm 2015, cả hai vợ chồng tôi đều có những “ngã rẽ” như vậy sau 30 năm gắn bó với ngành Ngoại giao. Vợ tôi thì quay về với chuyên ngành được đào tạo là luật pháp, nhưng ở góc độ khác so với hồi còn làm việc ở Bộ. Còn tôi cũng chia tay với công tác lãnh sự đã gắn bó cả cuộc đời để đến với công việc vừa mới nhưng cũng vừa cũ, đó là “dấn thân vào thương trường” ở một nơi mà chúng tôi coi như quê hương thứ hai của mình: nước Đức.
“Rượu cũ, nhưng bình thì mới”
Hồi mới nhận được lời mời “chuyển ngành”, tôi hoang mang lắm. Một phần vì lưu luyến với nơi đã gắn bó cả cuộc đời công chức, phải từ bỏ công việc mà mình đã yêu quý và gửi bao tâm huyết. Phần nữa, tôi nghĩ mình sẽ bắt đầu từ đâu khi tuổi không còn trẻ và liệu mình có làm tốt được công việc mới hay không. Thêm vào đó, không phải không có chút tự ái hay sĩ diện cá nhân khi mình quay trở lại địa bàn cũ với chức vụ thấp hơn 20 năm trước cũng tại nơi này.
Ngày Việt Nam tại Đức là ngày quảng bá hình ảnh và sản phẩm nông sản Việt Nam, vừa được tổ chức tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức. Sự kiện do Tập đoàn SELGROS Cash & Carry phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam tại Đức thực hiện. |
Đối với “Tây”, chuyện này bình thường thôi, nhưng với người Việt thì không hẳn vậy. Điều an ủi và là nguồn động viên lớn đối với tôi chính là những lời tâm huyết mà các anh chị đi trước ở trong và ngoài Bộ đã chia sẻ: Dù làm việc ở đâu cũng phục vụ đất nước và khi ở Đức, tôi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để giúp quê hương, đất nước.
Người đứng đầu ngành Công Thương khi đó có nói với tôi, vừa là lời tâm sự nhưng cũng như vừa “giao nhiệm vụ”: Những việc cụ thể như kim ngạch xuất nhập khẩu ra sao, xúc tiến thương mại thế nào đã có các đơn vị chuyên môn trong Bộ và tùy viên thương mại lo. Cái mà Bộ Công Thương cần ở tôi là sử dụng sự hiểu biết về địa bàn và mạng lưới quan hệ vốn có để tăng cường tiếp xúc với chính quyền và doanh nghiệp Đức, kéo họ vào Việt Nam, qua đó giúp tăng trưởng kinh tế, tăng đầu tư từ Đức và cũng là tăng kim ngạch xuất khẩu.
Với những lời tâm huyết như vậy, thực sự, tôi như được “cởi trói”, tha hồ thỏa chí tung hoành vì tiếp xúc đối ngoại chính là thế mạnh, là sở trường của mỗi cán bộ ngoại giao. Vậy thì Ngoại giao hay Công Thương cũng không khác gì nhau đối với tôi, có khác chăng chỉ là vị trí làm việc. Công việc của tôi vẫn là tìm hiểu tình hình địa bàn với trọng tâm là kinh tế, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều hơn với doanh nghiệp, đến những diễn đàn đầu tư, thăm doanh nghiệp ở các bang để giới thiệu và kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Đức đến Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Đức cũng tìm đến Thương vụ tại Berlin để hỏi thông tin, tìm lời tư vấn hay đơn thuần chỉ tiếp xúc để có thêm một địa chỉ tin cậy trước khi sang Việt Nam...
“Đầy năm” nghề mới
Đến tháng 9 này là đúng một năm tôi làm công việc thương mại tại Đức và có thể tự tin nói rằng mình đã học được “nghề mới”. Điều gì rút ra từ một năm qua? Tôi đã học thêm được những gì từ thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở trung tâm châu Âu này?
Một là, doanh nghiệp Đức đánh giá rất cao sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Ở tất cả những nơi tôi đến, những doanh nghiệp Đức tôi tiếp xúc, tôi đều được nghe điều này. Hơn ai hết, những nhà ngoại giao Việt Nam là những người mang đến cho họ cảm giác Việt Nam luôn hoan nghênh khi họ đến và hỗ trợ họ khi họ cần.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Đức Nguyễn Hữu Tráng uống thử cà phê G20. |
Thứ hai, một thời kỳ, chúng ta nhấn mạnh và đề cao các tập đoàn, công ty lớn, những tập đoàn siêu hay đa quốc gia. Nhưng, thời của các tập đoàn lớn đã qua. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chứng tỏ là trụ cột của kinh tế Đức, nhạy bén với công nghệ mới, công nghệ cao, dễ điều chỉnh lại ít bị tác động của các cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế. Theo một tài liệu khảo sát mới đây thì gần 60% doanh nghiệp Đức có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức. Những doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ của ta, từ sự ủng hộ chính trị đến hỗ trợ thủ tục trong nước.
Thứ ba, Việt Nam đang đi vào giai đoạn hiện đại hóa nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế Đức đang chuyển dần sang “Nền kinh tế 4.0” (Wirtschaft 4.0) và là nước đi đầu ở châu Âu trong việc đưa người máy vào sản xuất (Adidas) và tiến tới sản xuất cả những mặt hàng vốn cần nhiều sức người như dệt may.
Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm, chúng ta không thể phát triển bằng mọi giá, đánh đổi môi trường. Để có thể làm được điều đó, chúng ta phải dám nói không với những lĩnh vực đầu tư, những nhà đầu tư với công nghệ lạc hậu, hủy hoại môi trường. Trong bối cảnh đó chúng ta nên chú trọng kêu gọi đầu tư từ Đức trên các lĩnh vực mà họ có thế mạnh về công nghệ cao, như năng lượng sạch, xử lý môi trường, rác thải, công nghệ vi sinh... Điều đáng quan tâm là các nhà đầu tư Đức luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ và đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ môi trường và các điều kiện dân sinh ở những nơi họ đến đầu tư.
Thứ tư, điều quan tâm nhất của doanh nghiệp cũng như các đầu tư Đức ở Việt Nam là nạn tham nhũng, cải cách hành chính, sự an toàn pháp lý và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại.
Thương vụ khoai lang
Gần đây, tôi đi thăm Tập đoàn Landgard ở Chemnitz, một trong số ít cơ sở đầu mối chuyên nhập hoa, rau, củ, quả để cung ứng cho hệ thống siêu thị ở Đức và một số nước châu Âu. Họ nhập chủ yếu từ những cường quốc về nông nghiệp, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan.
Nhân viên phụ trách thị trường châu Á của Tập đoàn là người Việt nên anh này hướng Landgard tới thị trường Việt Nam. Từ Việt Nam, Landgard có thể nhập xoài, thanh long, vải thiều và khoai lang..., sau đó sẽ tính tiếp những mặt hàng khác. Riêng khoai lang, phía Landgard cho biết, hiện thị trường Đức tiêu thụ chủ yếu khoai từ Mỹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, khoai lang tốt cho sức khỏe hơn là khoai tây, và khoai lang Việt Nam có chất lượng cao hơn khoai Mỹ. Đáng mừng hơn là phía Landgard sẵn sàng liên doanh hay ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch, có thể chuyển giao công nghệ bảo quản và vận chuyển từ Việt Nam sang Đức.
Nghe câu chuyện tôi nghĩ bụng, cái gì chứ khoai lang thì Việt Nam vốn sẵn, “củ sắn, củ khoai nuôi ta khôn lớn” mà. Việt Nam lại là nước nông nghiệp, chỗ nào mà chẳng có đất trồng khoai.
Nói vậy nhưng không dễ dàng chút nào khi muốn đưa củ sắn củ khoai xuất ngoại. Anh nhân viên người Việt nhiều lần về nước vì muốn thương vụ này thành công.
Thế nhưng, có nơi cung cấp được vài đợt thì hết khoai, có khi khoai không bảo đảm đúng yêu cầu về chất lượng của EU, không bảo quản đúng cách nên sang đến nơi hỏng gần hết... Khi tìm nơi để liên doanh xây dựng vùng chuyên canh trồng khoai xuất sang Đức thì địa phương nào cũng thấy hay, nhưng cuối cùng, củ khoai Việt Nam chưa được lên kệ tại những siêu thị sáng choang ở Đức.
Ông Giám đốc Landgard Chemnitz thì tha thiết “mong nhận được ủng hộ chính trị” từ tôi. Còn anh nhân viên người Việt thì khắc khoải: “Anh ơi, anh làm gì thì làm, nhưng cứ sang năm có khoai cho bọn em là được. 6.000 tấn một năm cơ đấy!”.
Từng củ khoai lang thì nhỏ, nhưng 6.000 tấn/năm thì không nhỏ. Có thể giá trị thặng dư mà nó mang lại không nhiều, nhưng biết bao người nông dân biết đâu nhờ đưa được củ khoai đi Đức mà cũng được đổi đời?
Ngã rẽ từ ngoại giao chính trị, từ công tác lãnh sự sang “bắc cầu”, “mở cửa” cho doanh nghiệp Đức vào Việt Nam và tìm lối cho củ khoai, củ sắn Việt Nam xuất ngoại cũng mang đến cho tôi khá nhiều niềm vui.
Và, hình như tôi vẫn đang làm ngoại giao đấy chứ, ngoại giao phục vụ phát triển theo đúng nghĩa của nó.