📞

Bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19: Tinh thần 'không thắng, không về', mong đến ngày bình yên

Vy Vy 16:15 | 10/09/2021
Chia sẻ với TG&VN, Thiếu tá, TS. Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) kể về những ngày tháng thật đặc biệt trong cuộc đời quân ngũ của mình và đồng đội, khi được gần dân, cùng dân chiến đấu với bệnh Covid-19.
Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn và đồng đội chuẩn bị lên đường cấp cứu bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ có thể chia sẻ về công việc của tổ công tác do mình phụ trách?

Như mọi người đã biết, tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là giai đoạn cuối tháng 8. Số lượng ca mắc mới, ca chuyển nặng và ca tử vong ngày một tăng cao.

Chính vì vậy, quan điểm của Đảng, Chính phủ ta là tất cả vì sức khỏe của nhân dân, chấp nhận tạm thời thiệt hại về kinh tế một chút nhưng phải hạn chế được số ca nhiễm, giảm tối đa ca chuyển nặng, tử vong.

TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ: “ai ở đâu thì ở đó”, mỗi xã/phường là một pháo đài chống dịch và mỗi người dân là một chiến sĩ; quản lý chặt chẽ việc đi lại, quyết tâm kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất.

Lực lượng quân đội dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã huy động lực lượng lớn chi viện cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam với tinh thần: “không thắng, không về”.

Học viện Quân y chúng tôi đã cử hơn 400 tổ quân y cơ động về chi viện cho các trạm y tế xã/phường, thành lập các trạm quân y cơ động nằm tại các tổ dân phố với nhiệm vụ: quản lý, chăm sóc, điều trị các F0 đang cách ly điều trị tại nhà.

Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện việc thăm khám điều trị cho các bệnh nhân có các bệnh lý khác, cùng với địa phương tham gia lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine Covid-19.

Các tổ quân y cơ động của chúng tôi đã nhanh chóng khắc phục khó khăn và thực hiện ngay nhiệm vụ của mình khi vừa đặt chân tới các tổ dân phố.

Mỗi tổ quân y cơ động có 3 đồng chí, đảm nhiệm trực sẵn sàng cấp cứu 24/24, được trang bị đầy đủ thuốc, vật tư phòng hộ cũng như các số điện thoại hotline để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho tất cả người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để chuyển bệnh nhân nặng kịp thời.

Trong quá trình công tác, có những câu chuyện bệnh nhân Covid-19 nào ám ảnh và gợi nhiều cảm xúc nhất?

Chúng tôi thường xuyên có “những chuyến cấp cứu đặc biệt”.

Nhiệm vụ 24/24h, bất kể khi dân cần là có chúng tôi.

Những cuộc gọi bất kể lúc nào, thường là về tối và đêm.

Có những hôm vừa chuẩn bị ăn cơm thì lại lên đường, có những hôm trời mưa (Sài Gòn đang mùa mưa) thì ướt sũng...

Với chúng tôi, làm việc đêm là thường xuyên vì các bệnh nhân hay trở nặng về đêm.

Nhiệm vụ 24/24h, bất kể khi dân cần là có chúng tôi.

Hành trình của chúng tôi đến với rất nhiều những gia đình có "hoàn cảnh đặc biệt". Họ là lao động tự do, phải ở chen chúc trong các khu nhà ẩm thấp và trật chội.

Có những ca bệnh mà chúng tôi không tìm được đường để vào cấp cứu, không có lối để chuyển bệnh nhân từ gác xuống vì chỉ có một chiếc thang thẳng đứng đủ để một người khỏe mạnh đi lại mà thôi...

Thực sự còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ và tổ quân y cơ động chúng tôi cũng đã hỗ trợ được phần nào cho họ trong giai đoạn khó khăn này.

Những ngày qua, chúng tôi cũng chứng kiến cả “những ranh giới sinh tử”.

Có những ca cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân phục hồi, qua được giai đoạn suy hô hấp thời điểm đó và chuyển viện điều trị chuyên sâu, giúp cứu sống người bệnh.

Tuy nhiên cũng có những ca tưởng chừng như cứu được bệnh nhân để chuyển đi rồi, nhưng sau đó lại không kịp.

Thực sự rất đáng tiếc, những lúc đó chúng tôi đều cảm thấy sao sự sống mong manh đến vậy!

Chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi khẩn cấp, khi nghe điện cảm thấy bệnh nhân đang thực sự rất cần và đang rất nguy kịch.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi vội vã chạy đến nơi thì chỉ là sự lo lắng quá mức của người bệnh chứ diễn biến lâm sàng không có gì nghiêm trọng.

Đó là tâm lý chung của các F0 lúc này, khi luồng thông tin quá nhiều đôi khi khiến họ hoang mang. Đặc biệt khi điều trị tại nhà, lúc các bác sĩ xuống khám và giải thích thì họ hết lo lắng, an tâm điều trị và phục hồi.

“Chiến thắng” đó là mong mỏi lớn nhất không chỉ của chúng tôi mà là của tất cả người dân Việt Nam chúng ta. Ai cũng mong muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường để mọi người được tiếp tục với công việc, với đam mê và với hạnh phúc của mình.

Hình ảnh người lính Cụ Hồ với màu xanh áo lính sống cùng dân thực sự vô cùng xúc động. Tình “quân, dân” đã được thể hiện như thế nào giữa thời bình, thưa bác sĩ?

Thực sự đây là một kỷ niệm tuyệt vời trong đời quân ngũ của chúng tôi, đây là thời gian mà chúng tôi ở gần dân nhất, hỗ trợ nhân dân nhiều nhất và trong hoàn cảnh đặc biệt nhất.

Khi đến, chúng tôi tiếp nhận Nhà cộng đồng khu phố thành Trạm quân y cơ động, đồng thời là nơi ăn ở sinh hoạt của anh em.

Mọi thứ khi đó đều thiếu thốn vì bình thường nơi đây chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng chứ không phải nơi khám bệnh, nơi ở.

Trong khi anh em chúng tôi đang tính toán làm sao để bố trí được “công năng kép” cho trạm của mình thì như có người mách bảo, bà con khu phố mỗi người qua hỗ trợ cho anh em một chút để có thể bố trí chỗ làm việc, ăn ở được thuận tiện nhất.

Người mang cho khoan, búa, cân chè, ấm nước, chậu, ấm đun nước. Người mang cho chút đồ ăn, hoa quả, nước uống... Mỗi người một chút nhưng ai cũng ý thức không tiếp xúc gần nhau và luôn đeo khẩu trang.

Điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy yên tâm phần nào vì mọi người thực sự tình cảm và có ý thức phòng bệnh rất tốt.

Trong những ngày làm việc sau đó thì gần như ngày nào bà con cũng mang cho chúng tôi đồ ăn, thức uống hay những vật dụng mà chúng tôi cần.

Thực sự trân trọng khi những ca F0 khỏi bệnh mang ủng hộ cho trạm những chiếc bình oxy đã đồng hành cùng họ trong những ngày chống chọi dịch bệnh.

Đến nay, họ nhường những chiếc bình đó cho những người cần. Tình quân dân, tinh thần đoàn kết vốn là truyền thống bao đời của dân tộc ta một lần nữa được tô đậm thêm trong giai đoạn đầy khó khăn này.

Mong mỏi lớn nhất của bác sĩ và đồng đội vào thời điểm này là gì?

“Chiến thắng” đó là mong mỏi lớn nhất không chỉ của chúng tôi mà là của tất cả người dân Việt Nam chúng ta. Ai cũng mong muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường để mọi người được tiếp tục với công việc, với đam mê và với hạnh phúc của mình.

Chúng tôi mong mỏi người dân tuân thủ các hướng dẫn, quy định phòng chống dịch bệnh, tuân thủ quy định “ở đâu thì ở đó”.

Nếu đoàn kết, chung tay cùng nhau, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Xin cảm ơn bác sĩ!