📞

Bài học về đấu tranh dư luận, nêu cao chính nghĩa và tập hợp lực lượng tại Hội nghị Paris

GS. Đại sứ Dương Văn Quảng 06:56 | 25/01/2023
Trong suốt thế kỷ XX, truyền thông được chính phủ các nước sử dụng như một công cụ tuyên truyền, hướng công luận đến những hoạt động quốc tế theo cách họ mong muốn và phục vụ cho cuộc đối đầu về ý thức hệ giữa những quốc gia khác nhau.
Phóng viên, nhà báo tìm mọi cách “săn lùng” thông tin và quan điểm các bên, về tiến triển Hội nghị, nhất là từ khi có gặp gỡ tay đôi bí mật giữa hai ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger.

Công luận quốc tế đã trở thành mục tiêu, đồng thời là công cụ của một hình thức ngoại giao mới - ngoại giao công chúng. Sự kiện quốc tế thường được nhắc tới, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa truyền thông và chính trị quốc gia (quốc nội), cũng như quốc tế là chiến tranh Việt Nam.

Trên thực tế, cuộc chiến mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam không diễn ra theo quy luật chiến tranh thông thường vì đó là cuộc đối đầu giữa một nước “nhược tiểu” như Việt Nam và cường quốc số 1 thế giới như nước Mỹ. Trên thế giới bao trùm một tâm lý sợ Mỹ, lo ngại nguy cơ làm nổ ra chiến tranh hạt nhân thế giới. Bên cạnh đó, chính phủ và báo chí các nước phương Tây ra sức rêu rao rằng, đây là một “cuộc chiến ý thức hệ”, “chiến tranh ủy nhiệm”, “chiến tranh qua tay người khác” hay “nội chiến”, nhằm đánh đồng người bị xâm lược là nhân dân Việt Nam với kẻ xâm lược là Mỹ.

Chính trong bối cảnh đó, khi ngoại giao được nâng lên thành một mặt trận có ý nghĩa chiến lược, ngoại giao nhân dân cùng với thông tin đối ngoại đã được phát huy cao độ với nhiều hình thức khác nhau, nhằm nêu cao tính chính nghĩa và thiện chí hòa bình của Việt Nam, vạch trần tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược Mỹ và bác bỏ những luận điệu sai trái của đối phương, đồng thời góp phần hình thành nên mặt trận nhân dân thế giới bao gồm tất cả các chính phủ, lực lượng chính trị - xã hội và cá nhân, kể cả nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, công lý, chống chiến tranh xâm lược, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

Báo chí thế giới “tò mò” về những đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.

Một mặt trận chưa từng có

Khi đàm phán được mở ra tại Paris, cho đến ngày ký kết Hiệp định 27/01/1973, Việt Nam đã đem đến Paris một đội ngũ nhà báo và cán bộ tuyên giáo dày dạn kinh nghiệm. Một mặt trận báo chí và vận động công luận “với quy mô và bình diện chưa từng có” đã được tạo dựng, có vai trò hỗ trợ cho đàm phán trên cơ sở gắn kết những gì diễn ra trên bàn Hội nghị và những chiến thắng trên chiến trường. Báo chí đã “góp phần hình thành luồng công luận có lợi cho lập trường của ta và ủng hộ những đề nghị giải pháp của ta trên bàn đàm phán”, làm cho dư luận Mỹ hiểu rõ nguồn gốc và bản chất cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành và nhận thấy đâu là con đường chấm dứt chiến tranh trong danh dự.

Trước hết, nói về theo dõi và phủ sóng Hội nghị, kể từ tháng 05/1968 trên tất cả các làn sóng truyền hình, đài phát thanh, cũng như trên các mặt báo thế giới, bên cạnh những tin về chiến sự tại Việt Nam là những tin tức, phóng sự, bình luận, phỏng vấn về diễn biến đàm phán. Phóng viên, nhà báo tìm mọi cách “săn lùng” thông tin và quan điểm các bên, về tiến triển Hội nghị, nhất là từ khi có gặp gỡ tay đôi bí mật giữa hai ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger.

Về các đoàn đàm phán, có lẽ đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, được “săn lùng” nhiều nhất, nhất là trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Bình. Chính cách nhìn của Mỹ cũng như của Chính quyền Sài Gòn coi Mặt trận chỉ là “bóng ma” đã tạo ra sự “tò mò” của báo chí đối với những đại diện của Mặt trận tại Hội nghị. Theo hồi ký của bà Bình, ngày đến Paris để tham dự đàm phán bốn bên, bà bị nhiều nhà báo, nhiếp ảnh xô đẩy suýt ngã, họ chen lấn “chỉ để chụp lấy một vài hình ảnh đặc biệt của đoàn Việt Cộng”. Hai ngày sau, bà Bình đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên với sự có mặt của khoảng 400 nhà báo. Trong thời gian Hội nghị diễn ra, bà Bình đã dành khá nhiều thời gian gặp gỡ báo chí và có những ngày phải “tiếp một hay hai hãng truyền hình hoặc phóng viên các báo Pháp, Mỹ, Anh, Nhật…”.

Ấn tượng nhất, theo bà Bình, là cuộc gặp mặt trực tiếp với báo chí giữa năm 1971, trên truyền hình ở hai đầu cầu: đầu Paris với 10 nhà báo coi như trung lập và đầu Washington với 10 nhà báo Mỹ coi như bảo vệ lập trường của Mỹ. Cuộc gặp kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, xoay quanh lập trường của Việt Nam và Mỹ tại bàn đàm phán. Bà Bình đã tạo ấn tượng rất tốt đối với báo chí, cũng như công luận, “giới thiệu trước toàn thế giới lập trường chính nghĩa của Việt Nam và vạch trần âm mưu, tội ác của Mỹ”.

Bà con Việt kiều và bạn bè quốc tế đứng trước Trung tâm Hội nghị quốc tế ủng hộ hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Lan tỏa tác động tích cực

Khi đàm phán đi vào thực chất, thông qua báo chí quốc tế, truyền thông Việt Nam đã lý giải cho công luận những vấn đề lắt léo, không dễ cắt nghĩa rõ ràng, như quân đội miền Bắc tại miền Nam, các lực lượng chính trị ở miền Nam Việt Nam, vùng kiểm soát của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khi thấy Mỹ có thái độ lật lọng, không muốn ký Hiệp định trước khi bầu cử tổng thống diễn ra, ngày 26/10/1972, Việt Nam công bố dự thảo Hiệp định đã đạt được trong đàm phán bí mật giữa hai bên và quy trách nhiệm kéo dài chiến tranh cho phía Mỹ. Các phương tiện truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin và bình luận trong nhiều ngày liền sự kiện này, đặt chính quyền Nixon vào thế bị động và dấy lên một làn sóng công luận quốc tế đòi Mỹ phải ký Hiệp định như đã thỏa thuận.

Ngày ký Hiệp định Paris trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế, ngày 27/01/1973.

Có lẽ, chưa có ai tổng kết lại xem trong gần năm năm đàm phán, đã có bao nhiêu bài báo được viết ra, bao nhiêu bản tin phát thanh, truyền hình được phát sóng và bao nhiêu buổi phỏng vấn đã được tiến hành. Nhưng trong khuôn khổ Hội nghị, hai đoàn Việt Nam đã tổ chức gần 500 cuộc họp báo và hàng nghìn cuộc tiếp xúc báo chí, gặp gỡ các yếu nhân từ nhiều quốc gia, thuộc các tầng lớp xã hội, nghề nghiệp khác nhau. Phía đối phương, với nhiều lý do khác nhau, đã không muốn gặp báo chí. Ông Henry Kissinger đã từng nói với ông Lê Đức Thọ rằng, ông đến Paris để nói chuyện với phía Việt Nam chứ không phải với báo New York Times.

Ngày nay, công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) ngày càng có vai trò quan trọng không thể thiếu được trong tổng thể các hoạt động đối ngoại của mỗi quốc gia, với việc sử dụng các phương tiện truyền thông số và mạng xã hội phục vụ các mục tiêu đối ngoại. Dù với những tên gọi và phương thức tiến hành có thể rất khác nhau giữa các quốc gia, TTĐN luôn đồng hành với các hoạt động quốc tế.

Nội dung TTĐN rất phong phú, từ cung cấp thông tin, đến đấu tranh dư luận, thông qua việc trả lời phỏng vấn, tọa đàm, hội thảo, triển lãm, thăm viếng… Đối tượng TTĐN rất đa dạng, từ quan chức Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, cùng với các giới chức xã hội và nghiệp đoàn. Mỗi một đối tượng đòi hỏi cách tiếp cận thông tin khác nhau và mục tiêu tác động cũng khác nhau. Song, mục tiêu tổng quan của TTĐN là tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết, củng cố lòng tin giữa các quốc gia, vì hình ảnh, vị thế và lợi ích quốc gia.

TTĐN không chỉ liên quan đến các vấn đề đối ngoại, mà còn tác động trực tiếp đến dư luận trong nước và tạo ảnh hưởng tích cực đến nhiều vấn đề của đời sống quốc gia. Có thể nói, TTĐN ở thời kỳ kỹ thuật số là một phần của ngoại giao công chúng, phát huy quyền lực mềm quốc gia và làm lan tỏa hệ giá trị của dân tộc.


1. Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 290-291.

2. Nguyễn Thị Bình: Gia đình bạn bè và đất nước, Nxb Trí thức, Hà Nội, 2012.

Theo cố Đại sứ Trịnh Xuân Lãng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao: “Trong cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã có nhiều sáng tạo, làm giàu thêm kho tàng kinh nghiệm và lịch sử chiến tranh cách mạng của nhân dân thế giới chống xâm lược nhằm giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Một trong những sáng tạo đó là mặt trận ngoại giao cùng với công tác tuyên truyền đối ngoại và đấu tranh dư luận”.

(Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia năm 2004, tr. 317).