Khẩu hiệu “Việt Nam quyết thắng đại dịch” đặt trước một trung tâm thương mại ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: Hoàng Giang/Plo) |
Trang Global Policy Journal của Anh ngày 5/6 đăng bài nêu bật những thành công của Việt Nam khi bắt tay vào khôi phục mọi lĩnh vực của cuộc sống hậu Covid-19.
Theo bài viết, chỉ trong 6 tuần kể từ khi nới lỏng giãn cách xã hội (từ ngày 23/4), Việt Nam đã từng bước tái khởi động nền kinh tế và giáo dục. Tuy nhiên, Hà Nội luôn lưu ý cân bằng giữa nhu cầu mở cửa trở lại với tinh thần cảnh giác cao độ trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Đã 50 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp nhiễm mới đều là người Việt từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, cuộc sống chưa thể trở lại bình thường mà đúng hơn là đang thích nghi với một “sự bình thường mới” đi cùng với vô số câu hỏi. Làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch? Phải làm gì nếu một học sinh nhiễm bệnh?
Cho đến nay, Việt Nam đang vận dụng 4 phương thức chính để xây dựng một Việt Nam “bình thường” mới. Những biện pháp này mang lại kinh nghiệm cho các quốc gia trong quá trình mở cửa trở lại hậu đại dịch trong những tuần và tháng tới.
An toàn là trên hết
Mở cửa trở lại đi kèm với các biện pháp phòng ngừa. Mỗi ngày, chính phủ đều cập nhật về các trường hợp mắc mới Covid-19, trong đó tất cả đều từ các chuyến bay hồi hương chứ không phải trong nước. Nhiều trường hợp đã được xuất viện, song hiện các y bác sĩ Việt Nam vẫn đang chiến đấu để giành giật sự sống cho một bệnh nhân nguy kịch, đó là phi công người Anh 43 tuổi. Từ ngày 3/6, bệnh nhân đã có nhiều dấu hiệu hồi phục và tiển triển tốt lên. Đã có tới 26 người Việt Nam đã tình nguyện hiến phổi cho bệnh nhân này.
Người dân vẫn được khuyến khích giữ khoảng cách khi tiếp xúc, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Các biện pháp cách ly và giãn cách vẫn luôn thường trực. Các cửa hàng, cửa hiệu vẫn cung cấp chất khử trùng tay cho khách hàng và một số nơi còn kiểm tra thân nhiệt của khách. Các biện pháp này là bắt buộc đối với một số hình thức kinh doanh.
Việt Nam hiện rộng cửa đón người Việt hồi hương, lao động nước ngoài tay nghề cao và các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, tất cả những người này sẽ bị cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh.
Hồi sinh, củng cố và tăng tốc nền kinh tế
Kinh tế cũng là một mục tiêu khi xây dựng một Việt Nam “bình thường mới”. Chính phủ đã đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19; bao gồm cắt giảm và ưu đãi thuế, thực hiện trợ cấp hàng tháng, đảm bảo việc làm cho người lao động và hỗ trợ tài chính cho hộ nghèo. Tổng gói hỗ trợ lên tới 2,6 tỷ USD. Doanh nghiệp và người dân có thể tìm kiếm hỗ trợ của chính phủ thông qua một cổng thông tin trực tuyến.
Ngoài ra, có những dấu hiệu cần đặc biệt chú ý khi xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đang bị mua lại. Đến cuối tháng 4, vốn nước ngoài đã mua vào lượng lớn cổ phiếu của Việt Nam trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng 33% so với cùng quý năm 2019. Chỉ riêng đầu tư của Trung Quốc tăng 38%. Trước hiện tượng này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thậm chí còn đề nghị dừng mọi giao dịch M&A (mua bán và sáp nhập).
Mặt khác, cũng có nhận định về cơ hội để Việt Nam trở thành một trung tâm FDI, dựa trên các lợi thế như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Thật vậy, không khí “phấn khích” đã tăng lên khi “ông lớn” Apple hồi tháng 2 thông báo sẽ sản xuất AirPods tại Việt Nam.
Hoạt động giáo dục trở bình thường nhưng thận trọng
Lĩnh vực giáo dục là chủ đề rất được quan tâm trên hầu hết các trang báo. Việt Nam đã nhanh chóng đóng cửa tất cả các trường học vào đầu tháng 2 và liên tục hoãn mở cửa trở lại cho đến ngày 4/5 để đảm bảo an toàn. Việc đóng cửa trường học lâu như vậy khiến các cơ sở giáo dục gặp không ít khó khăn để bắt kịp chương trình giảng dạy quốc gia. Hình thức học trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội tỏ ra không mấy hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ đã phải giảm tải một số nội dung dạy và học. Thách thức lớn hơn là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên khi quay trở lại trường học. Các trường bắt buộc phải thực hiện các biện pháp như kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp, yêu cầu rửa tay thường xuyên và sắp xếp lịch dạy và học xen kẽ giữa các lớp. Các giao viên đã được tập huấn nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm Covid-19, giáo viên phải lập tức kết thúc bài giảng và đưa học sinh có biểu hiện bệnh tới ngay cơ sở y tế.
Chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ càng
Sau đại dịch, các hoạt động chính trị đã nhanh chóng trở lại bình thường, khởi động bằng Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Dường như các tỉnh, thành cũng đang rốt ráo bầu chọn lãnh đạo của địa phương mình.
Tại Hội nghị Trung ương, dịch Covid-19 và những tác động cũng được đưa ra bàn luận kỹ càng. Hội nghị cũng nêu rõ việc bầu chọn ban lãnh đạo khóa mới sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều do tình hình quốc tế bất ổn, bao gồm cả những diễn biến khó lường của Covid-19.
Có thể học được gì?
Các biện pháp của Việt Nam khi vận hành trở lại đất nước giai đoạn hậu Covid-19 cho thấy không có “bí kíp” nào ở đây.
Ngay cả ở một quốc gia dập dịch rất thành công, công cuộc phục hồi cũng phải bắt nguồn từ khâu chuẩn bị và lên kế hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục.
Trước khi chấm dứt “phong tỏa”, năng lực xét nghiệm phải được đảm bảo, mọi người dân đều phải có ý thức đeo khẩu trang, doanh nghiệp phải nghiêm túc áp dụng các quy trình an toàn. Vấn đề là phải làm sao để khi mở cửa trở lại, ý thức này tiếp tục được duy trì.