📞

Báo Australia đi tìm lời giải cho thành tích hai lần liên tiếp đánh bại dịch Covid-19 của Việt Nam

Hạnh Chi 20:15 | 24/09/2020
TGVN. Theo trang ABC News của Australia, Việt Nam lại thành công trong việc dập tắt ‘làn sóng Covid-19 thứ hai’ và là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải gồng mình chống chọi lại đại dịch Covid-19, Việt Nam, với tổng số ca nhiễm Covid-19 là 1.068 ca trong đó có 35 ca tử vong, tiếp tục nhận được “cơn mưa lời khen” từ truyền thông quốc tế vì một lần nữa đánh bại dịch bệnh.

Theo tờ ABC News, Việt Nam đã lại thành công trong việc làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai. (Nguồn: Reuters)

Đà Nẵng – nơi từng là tâm dịch của Việt Nam với hơn 550 ca nhiễm, nay đã dần nới lỏng các lệnh về giãn cách xã hội và chuẩn bị bước vào cuộc sống bình thường.

Trang ABC News đưa ra dẫn chứng rất thuyết phục: Việt Nam có 95 triệu dân, nhưng mới có 1.068 ca nhiễm, chỉ gần như ngang với bang Queensland. Số người chết là 35, thấp hơn rất nhiều so với New South Wales. Vậy câu hỏi được trang mạng này đặt ra là: Làm thế nào chính phủ Việt Nam có thể liên tiếp ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh đáng sợ này?

6 tháng không có ca tử vong

Theo ABC News, ngay từ khi đại dịch bắt đầu lây lan mạnh mẽ hồi tháng 1, Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh chóng, kịp thời, để có thể dập tắt triệt để nguồn lây nhiễm.

Các lệnh giãn cách xã hội được thực hiện một cách nghiêm ngặt, hàng chục nghìn người buộc phải vào các cơ sở y tế do nhà nước quản lý để thực hiện quá trình cách ly, kiểm dịch. Mọi chuyến bay quốc tế đều bị hoãn và huỷ bỏ, biên giới quốc gia gần như đóng cửa vào đầu tháng 3.

Ngoài những nỗ lực huy động để truy vết F0, truy tìm dịch tễ, Chính phủ Việt Nam còn tích cực sử dụng một loạt các phương tiện truyền thông để lan tỏa các thông điệp về triệu chứng, phương pháp xét nghiệm, cách thức phòng ngừa dịch bệnh…

Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn xóm, khu dân cư là một pháo đài trong cuộc chiến chống dịch.”

Nhận định về năng lực phòng chống dịch của Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cho biết, sự đồng lòng và tinh thần chống dịch từ phía người dân là một trong những yếu tố quan trọng, đóng góp vào thành công của Việt Nam, từ việc đơn giản nhất như đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Theo một cuộc khảo sát của công ty YouGov(Anh), có tới 97% người dân cho biết họ tán thành và hài lòng về các biện pháp mà chính phủ Việt Nam đưa ra, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

GS.TS Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, Việt Nam không còn quá xa lạ với các bệnh truyền nhiễm, đã có rất nhiều đợt bùng phát dịch bệnh trong suốt 20 năm qua. Đại dịch Covid-19 lần này cho thấy Việt Nam có một bộ máy được tổ chức rất chặt chẽ và có sự phản ứng rất nhanh nhạy.

Ngoài ra, theo ABC News, độ tuổi trung bình của những người mắc bệnh là khoảng 30 tuổi, đó cũng là một lý do vì sao Việt Nam có thể trải qua hơn 6 tháng mà không ghi nhận ca tử vong nào.

Một công dân nước ngoài đi xét nghiệm Covid-19 tại Đà Nẵng. (Nguồn: ABC News)

ẩn Đà Nẵng

Tuy nhiên, vào đầu tháng 7, bằng một cách bí ẩn nào đó, Đà Nẵng bỗng dưng trở thành tâm dịch của cả nước khi không thể tìm được nguồn lây nhiễm. Kể từ đó, mọi thứ đã thay đổi.

Việt Nam ghi nhận ca tử vong do Covid-19 đầu tiên vào ngày 31/7, đó là một người đàn ông 70 tuổi với bệnh nền nặng. 6 ngày sau, đại dịch lây lan mạnh mẽ tại một bệnh viện địa phương, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 2 lên 550 người, gần gấp đôi số ca bệnh giai đoạn 1. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 98% số ca nhiễm tại Đà Nẵng đều có liên quan đến các bệnh viện lớn hoặc đã từng đi du lịch tại đây.

Lần này, Việt Nam vẫn áp dụng các lệnh phong toả và giãn cách xã hội như trước, tuy nhiên được thực hiện ở quy mô nhỏ và cục bộ hơn, cụ thể là ở thành phố Đà Nẵng và bất cứ nơi nào có ca nhiễm trong cộng đồng.

Giống như cách xét nghiệm diện rộng của Vũ Hán, Việt Nam lần này áp dụng xét nghiệm mẫu tổ hợp, với 5 - 6 người trong cùng hộ gia đình được xét nghiệm cùng lúc, mẫu lấy từ người có nguy cơ nhiễm cao nhất. Nếu xuất hiện kết quả dương tính, từng cá nhân sẽ được làm xét nghiệm riêng.

"Bằng cách này, họ có thể xét nghiệm cho khoảng 100.000 người chỉ bằng 20.000 bộ xét nghiệm, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc." – GS.TS Guy Thwaites cho biết.

Theo số liệu của WHO, 1/3 hộ gia đình ở Đà Nẵng đã được xét nghiệm trong trong vòng 1 tuần, từ 3-10/9.

Jos Aguiar, một công dân Australia làm việc tại Việt Nam cho biết, lệnh phong tỏa lần này đã nghiêm ngặt hơn trước và chính quyền đang có những phản ứng hiệu quả trong việc phát hiện và khoanh vùng những trường hợp nhiễm bệnh.

Hai nhà nghiên cứu Ba-Linh Tran đến từ Đại học Bath (Anh) và Robyn Klinger-Vidra từ King's College London đã tiến hành nghiên cứu về cách cộng đồng ở Việt Nam phản ứng với đại dịch. Trong cuộc phỏng vấn với ABC, hai nhà nghiên cứu này cho biết người dân Đà Nẵng đã ủng hộ tiền, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu cho một bệnh viện lớn của thành phố, nơi là tâm dịch của làn sóng thứ hai vừa qua.

Với những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và nhanh chóng như vậy, đầu tháng 9, những chuyến bay đến Đà Nẵng đã được mở trở lại. Sau đó, lệnh giãn cách xã hội cũng đã được nới lỏng, thành phố lớn thứ 3 Việt Nam đã trở lại với nhịp sống thường nhật.

Cuộc sống tại Việt Nam đã quay trở lại bình thường. (Nguồn: Reuters)

Điểm sáng tại Đông Nam Á

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào, Việt Nam đã từng bước mở lại các đường bay quốc tế đến Seoul, Quảng Đông, Đài Loan (Trung Quốc) và Tokyo.

Các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 gây tổn thất lớn cho Việt Nam, nhưng vẫn đỡ hơn nhiều so với các quốc gia lân cận. Theo số liệu của công ty tư vấn quốc tế PricewaterhouseCoopers, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một trong ít nước tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020, trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với khủng hoảng suy thoái.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, trở thành nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á không bị suy thoái.

Cùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như phần còn lại của thế giới nhưng Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng” trong công tác phòng chống dịch bệnh, từng bước đưa người dân trở lại với cuộc sống bình thường.

(theo ABC News)